Thực hiện Quy định đạo đức người làm báo - không ai ngoài cuộc: Lòng tự trọng nghề nghiệp sẽ giữ chân người làm báo trước vi phạm

Thứ năm - 10/06/2021 17:16
Có thể nói, tất cả các Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí địa phương đều rất chú trọng vấn đề đạo đức người làm báo và đều cố gắng thực hiện nó một cách nền nếp.

Điều đó cho thấy, việc rèn luyện đạo đức được thực hiện nghiêm túc sẽ là cơ sở quan trọng để điều chỉnh hành vi nhà báo, hội viên trong tác nghiệp và hoạt động báo chí..

Quy định đạo đức giúp nhà báo hành xử thận trọng hơn khi tác nghiệp

Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, khi mà một thông tin trên báo chí có sức lan tỏa cực kỳ nhanh chóng thì phải khẳng định rằng Quy định đạo đức người làm báo, quy định sử dụng mạng xã hội đối với hội viên nhà báo có vai trò quan trọng giúp nhà báo hành xử thận trọng hơn khi tác nghiệp, khi tham gia mạng xã hội. Đây thực chất cũng là thước đo về thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, là tiêu chí để đánh giá một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức và hoạt động chuyên môn của một nhà báo, hội viên.

111
Phóng viên, hội viên Hội Nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn
 

Với kinh nghiệm trau dồi, rèn giũa cho hội viên nhà báo của mình, nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch HNB Hà Tĩnh cho biết: Việc đầu tiên HNB Hà Tĩnh triển khai (liên tục, có điểm, có diện) là quán triệt, học tập Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Sau khi mời đích thân những người tham gia soạn thảo Luật Báo chí và các chuyên gia tập huấn, quán triệt cho hội viên và tất cả những người làm công tác báo chí, quản lý báo chí trên địa bàn, vấn đề về Luật Báo chí, về đạo đức báo chí còn được đưa ra sinh hoạt chuyên đề tại các Chi hội, là chủ đề tại một số cuộc giao ban báo chí, Hội thảo khoa học, Hội thảo chuyên đề cụm…

Về việc thực hiện Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, HNB Hà Tĩnh thống nhất với hội viên: Khi trên “cái chợ” mạng xã hội đang có quá nhiều những thông tin trái chiều, thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin phản văn hóa… thì một người làm báo nghiêm túc, tôn trọng phẩm chất nghề nghiệp cần phải phát ngôn trung thực, khách quan, nhân văn và có tính chính kiến cao để góp phần định hướng thông tin, bảo vệ cái đúng, đấu tranh đả phá những thông tin sai lệch, bôi nhọ vì người đọc không chỉ quan tâm đến bạn với tư cách một tài khoản MXH mà còn với tư cách của một người làm báo, một người có khả năng kiểm chứng và định hướng thông tin bằng chính sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình! Chính vì thế mà nhà báo, hội viên phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

“Thường trực HNB Hà Tĩnh thống nhất việc xem xét thái độ chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội của các hội viên là một trong những tiêu chí quan trọng bên cạnh các tiêu chí khác để xem xét, đánh giá đạo đức, tư cách hội viên. Điều cuối cùng là việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. HNB Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở TTTT, PA83 CA tỉnh để nhắc nhở, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần ngăn chặn các biểu hiện lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, làm trong sạch môi trường báo chí, tránh hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” - nhà báo Xuân Hải nhấn mạnh.

HNB Quảng Trị được đánh giá là một trong số HNB địa phương rất coi trọng vấn đề rèn đạo đức. Hàng chục năm nay HNB Quảng Trị không có hội viên - nhà báo nào vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo từ khiển trách trở lên... Có được điều này là nhờ các cơ quan báo chí trên địa bàn làm khá tốt công tác quản lý phóng viên.  Bên cạnh đó, HNB tỉnh Quảng Trị cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên. Quan trọng nhất là quán triệt sâu sắc Điều lệ HNBVN và Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 9 điều trước đây và nay là 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng: Quy định đạo đức người làm báo là cơ sở để xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động báo chí. Điều này được Hội Nhà báo Quảng Trị nắm vững để xử lý một cách công tâm nhất đối với các hội viên khi bị vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đứng về lẽ phải, bảo vệ lẽ phải, đó cũng là một cách đấu tranh trực diện với sự sai trái. Bảo vệ quyền lợi cũng là cách động viên, cổ vũ thiết thực nhất để hội viên nhà báo yên tâm hoạt động nghiệp vụ. Việc bảo vệ này phải trên cơ sở pháp luật, đảm bảo tuân thủ luật pháp”, nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ -  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị chia sẻ.

111
Chủ tịch HNB Nguyễn Xuân Hải quán triệt chấp hành nghiêm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt cho hội viên, lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh. Ảnh: Quốc Tuấn

Cần một hội thảo khoa học quy mô

Đó là góp ý của Chủ tịch HNB Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Hải, với mong muốn việc thực hiện những quy định, quy tắc về đạo đức người làm báo tiếp tục được lan tỏa, đi sâu vào đời sống hoạt động Hội, thấm nhuần sâu sắc hơn tới mỗi hội viên, đặc biệt trong bối cảnh mới. Chủ tịch HNB Xuân Hải cho biết: Hội Nhà báo Việt Nam nên và cần thiết có một Hội thảo khoa học quy mô về vấn đề này để cho ra một Đề án nhằm triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục trong hệ thống. Ngoài ra, ông cũng đề xuất thêm rằng, ý tưởng thành lập “Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Việt Nam” từ T.Ư đến địa phương rất có tính thực tế, không thiếu nhân văn và dung chứa hàm lượng chính trị cao.

Tuy nhiên, Hội đồng này hoạt động thiếu tính thống nhất, thiếu quyền lực (do những quy định chưa cụ thể) nên chưa thực sự hiệu quả. Nên và cần thiết kiện toàn lại hội đồng, cấp cho nó những hành lang pháp lý rõ hơn, có cơ chế hoạt động cụ thể hơn để phát huy được hiệu quả và sức mạnh của hội đồng trong hành trình bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người làm báo cũng như xử lý những vi phạm đạo đức nghề nghiệp nảy sinh! 

Bên cạnh đó, với quan điểm mọi quy định, quy ước đều hướng đến việc tôn trọng pháp luật, HNB Quảng Trị phát động trong mỗi hội viên quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 10 điều Quy định đạo đức, nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam để tu dưỡng rèn luyện bản thân mình cả về đạo đức, lối sống và trách nhiệm nghĩa vụ công dân của người làm báo. Bởi hiện nay thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy, chuẩn mực đạo đức luôn chi phối hành vi nghề nghiệp của nhà báo, từ nắm bắt thông tin đến thể hiện tác phẩm, từ chọn đề tài khó hay dễ, tô hồng phản ánh một chiều hay điều tra.

Ngoài nỗ lực cố gắng của mỗi hội viên nhà báo, mỗi phóng viên, BTV trong các cơ quan báo chí thì vai trò của HNB và các Chi hội nhà báo là một nhân tố hết sức quan trọng. Chi hội nhà báo ở các cơ quan báo chí phải thực sự là cầu nối để những hội viên, phóng viên đi trước tiếp tục dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm đối với các thế hệ trẻ, để qua đó phát huy tinh thần sáng tạo, lòng yêu nghề trong mỗi phóng viên, hội viên...

Có thể nói rằng, việc quán triệt sâu rộng, tích cực triển khai thực hiện quy định đạo đức người làm báo đến các hội viên nhà báo trong những năm qua thể hiện tinh thần trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo, các Liên chi hội, Chi hội...

Nhưng để sức lan tỏa của quy định được rộng rãi, hiệu quả hơn nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự trọng nghề nghiệp của mỗi nhà báo, hội viên. Khi một người có hiểu biết sâu về nghề, nắm vững kỹ năng nghề, gắn bó với nghề thì tất yếu sẽ yêu nghề và có lòng tự trọng nghề nghiệp. Những người thiếu hiểu biết, vụ lợi thì tất yếu sẽ thiếu lòng tự trọng và sẽ dẫn đến vi phạm. Lòng tự trọng nghề nghiệp sẽ giữ chân người làm báo trước vi phạm. Vậy thì, suy cho cùng cái gốc của nó vẫn phải là rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, sự hiểu biết về pháp luật để làm tiền đề cho rèn luyện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp.


 

Theo Sông Mây/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây