Một số người làm báo tìm TIÊU CỰC để TIÊU CỰC

Thứ hai - 05/07/2021 10:00
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), chúng tôi xin lạm bàn về chuyện đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nhìn từ đời sống báo chí thực tế ở tỉnh Thanh hiện nay.
111
Vẫn còn những tiêu cực, cái xấu, cái ác trong xã hội lâu nay chưa  được  phản ánh. Ảnh: PAP19
Cái tâm, đạo đức nghề báo của người làm báo là vô cùng quan trọng! Còn nhớ, câu nói kinh điển của cố nhà báo Hữu Thọ: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, để nhắc nhở đối với người làm báo nói chung luôn phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Báo chí là tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Vì vậy, tư tưởng của anh không vững vàng, ý chí không kiên định, lập trường bị lung lay, thậm chí bị thao túng, mua chuộc, thì trước sau anh cùng bị Sa ngã.
Có một thực tế đáng buồn hiện nay, một số cộng tác viên, phóng viên, nhà báo (xin gọi tắt là người làm báo) đang tự cho mình có “đặc quyền, đặc lợi”. Vì lẽ đó, khi họ đi cơ sở, đi điều tra vụ việc, thì yêu cầu người khác phải cung phụng, đáp ứng những yêu sách. Một số người làm báo còn lấy danh nhà báo để dọa nạt đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí với cả... người bảo vệ của cơ quan này, đơn vị nọ. Họ cố tình “quên” đi nghĩa vụ của mình mà Luật Báo chí quy định.

Thời gian gần đây, tình trạng nhà báo bị rút thẻ, người làm báo bị cơ quan chức năng bắt giam vì liên quan đến việc “tống tiền” doanh nghiệp, không còn là chuyện hiếm. Có thể nói, hiện tượng đạo đức người làm báo bị xuống cấp đang có chiều hướng tăng. Một số bộ phận, cá nhân nắm giữ cương vị lãnh đạo cơ quan công quyền, thì đang lợi dụng vào những chính sách của Đảng, Nhà nước để trục lợi cá nhân. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì lợi dụng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước để lách luật, cố tình làm sai... Và khi đó, những người làm báo không đủ bản lĩnh, tư cách và thiếu đạo đức sẽ dễ bị lung lay trước sự cám dỗ. Họ sẵn sàng bỏ qua những sai phạm của các cá nhân, tổ chức hay chỉ viết bài khơi khơi, đến khi được “ăn tiền”, sẽ không theo đuổi vụ việc tới cùng nữa. Hoặc sẵn sàng “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” bài.

 Có nhiều ý kiến cho rằng, một số người làm báo hiện nay đang tìm tiêu cực để tiêu cực, chứ không tìm tiêu cực để chống tiêu cực, khiến công chúng mất niềm tin vào đội ngũ người báo. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn như vậy! Bởi lẽ, ở hoàn cảnh nào, xã hội nào thì người tốt, việc tốt vẫn luôn được ghi nhận. Cái đẹp luôn sẽ thắng cái xấu. Một thực tế đáng ghi nhận, nền báo chí cách mạng của chúng ta đang ngày càng phát triển. Thời gian gần đây, nhờ có báo chí thông tin, nhiều vụ việc sai trái được độc giả quan tâm, lãnh đạo ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh. Nhiều quy định pháp luật về xử phạt được ban hành, đó là có sự đóng góp của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đang bứt phá mạnh mẽ trong đấu tranh với việc sai trái, tiêu cực. Báo chí đã mạnh dạn chống tiêu cực đối với cá nhân, tập thể làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước. Tòa soạn lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ độc giả. Tổ chức tốt mạng lưới thông tin viên, cộng tác viên ở cơ sở... Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, dù ở đâu, xã hội nào thì vẫn luôn có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho công chúng đánh giá có phần thiếu khách quan, công bằng đối với báo chí nói chung.

Mới đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có nhóm người làm báo đến một đơn vị sự nghiệp để xác minh thông tin do bạn đọc phản ánh. Khi đến cổng cơ quan, người bảo vệ của đơn vị này đề nghị khách phải xuất trình giấy tờ, để xe đúng nơi quy định. Thay vì xin lỗi và cảm ơn người bảo vệ, thì nhóm người làm báo ấy lại hung hăng, dọa nạt, thậm chí còn hống hách quát nạt cả Chánh Văn phòng đơn vị ấy. Hồi tháng 7/2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, khởi tố 6 bị can liên quan đến vụ “tống tiền” Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Đáng chú ý, trong vụ án này có 2 bị can là phóng viên của một tạp chí điện tử. Hai người này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Người xưa có câu “chim chết vì mồi, người chết vì tiền”. Nếu người làm báo không có tâm trong sáng, tinh thần kiên định, vững vàng về lập trường, có quan điểm rõ ràng, thì dễ bị sự cám dỗ vật chất mua chuộc. Đã có nhiều nhà báo sẵn sàng không nhận tiền, quà cáp... để phanh phui những sai phạm của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước... và sau đó họ bị trả thù. Những nhà báo ấy, thực sự rất đáng kính trọng!

Một thực tế hiện nay có nhiều cơ quan báo, tạp chí đã và đang “thả trôi” việc tuyển dụng người làm báo. Họ không kiểm soát chặt chẽ việc phóng viên hành nghề có tâm hay vô tâm, mà chỉ chú trọng tới vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí. Vì vậy, khi tuyển dụng phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo, tạp chí giao chỉ tiêu kinh tế cho từng người... Vì lẽ đó, ít nhiều khiến người làm báo bị phân tán tư tưởng và phải lo “hoàn thành chỉ tiêu” cơ quan giao. Do đó, dễ dẫn đến việc người làm báo không “nỡ lòng” phản biện những vấn đề nhạy cảm, tiêu cực mà thay vào đó là những hợp đồng kinh tế...

Để giải quyết tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trong đội ngũ làm báo, trước hết cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý báo chí, mà cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của công an và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều cơ quan chức năng vẫn còn có sự nể nang, không cương quyết xử lý.

Dù là người làm báo hay bất kể ai, đều phải thượng tôn pháp luật. Luật pháp điều chỉnh hành vi của con người. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất để người làm báo thực hiện tốt quyền nghĩa vụ của mình, không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu, vi phạm pháp luật... là phải thường xuyên giáo dục tư tưởng. Đồng thời, áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các cơ quan báo, tạp chí khi tuyển dụng nhân sự, cần phải chắt lọc từng con ngươi cụ thể, không nên “thả nổi” phóng viên, cộng tác viên muốn làm gì thì làm. Các cơ quan quản lý báo chí cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đội ngũ người làm báo. Xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, vi phạm pháp luật. Có như vậy, nền báo chí cách mạng của chúng ta mới hy vọng không “nhiều con sâu” và bị hoài nghi. 

 

Hồng Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây