Gian nan NGHỀ BÁO

Thứ bảy - 10/07/2021 21:47
Gần 13 năm gắn bó với nghề báo ở mảnh đất  Cực Tây của  Tổ  quốc đã cho tôi những kỷ niệm không thể  nào quên. Vui có, buồn có nhưng hạnh phúc nhất đó chính là đưa đến khán thính giả những thông tin, hình ảnh phản ánh toàn diện, đa chiều về sự đổi thay của mảnh đất đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tinh thần đoàn kết và ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ của 19 dân tộc anh em với quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp.
111
Ảnh minh họa
Tốt nghiệp ra trường và vinh dự được nhận công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên tháng 9 năm 2008, một trong hai cơ quan báo chí lớn của tỉnh. Bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi đối với mỗi phóng viên trẻ khi mới bước vào nghề, nhất là tại địa bàn biên giới, điều kiện tác nghiệp, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Song với lòng nhiệt huyết, hăng hái của tuổi trẻ, đặc biệt là công tác trong môi trường năng động, bản thân luôn nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn từ các bậc tiền bối đi trước để có thể cập nhật, phản ánh các sự kiện chính trị, đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh trên sóng phát thanh - truyền hình kịp thời, chính xác.

Trong chặng đường công tác của mỗi nhà báo luôn có những kỷ niệm không thể nào quên khi tác nghiệp tại cơ sở. Với bản thân tôi cũng vậy, chính những kỷ niệm đó luôn thôi thúc để mình trưởng thành hơn, đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Năm 2011, khi còn làm phóng viên Phát thanh, lãnh đạo cơ quan giao nhiệm vụ thực hiện đưa tin, bài về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và  đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại bản Huổi Khon xã Nậm Kè huyện Mường Nhé. Đây chính là nơi diễn ra vụ tụ tập đông người do các thế lực thù địch kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết. Không suy nghĩ nhiều, tôi cùng phóng viên Ngọc Thượng lập tức nhận nhiệm vụ vượt qua quãng đường 200km vào trung tâm huyện Mường Nhé nghỉ ngơi và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngày hôm sau tác nghiệp. Huyện Mường Nhé khi đó còn nhiều khó khăn, hạ tầng viễn thông chưa phủ sóng đầy đủ như hiện nay, chính vì vậy, làm thế nào để có thực hiện cuộc gọi trực tiếp về ekip sản xuất chương trình ở nhà luôn thường trực trong từng phút, từng giây. Sau lễ khai mạc ngắn gọn nhưng trang nghiêm với sự tin tưởng và kỳ vọng lớn của cử tri qua những lá phiếu đầu tiên, bản thân đã phải di chuyển hơn 5km từ khu vực bỏ phiếu, đi bộ lên đỉnh đồi để đưa tin từ hiện trường. Sau nhiều lần kết nối, cuối cùng đã có tín hiệu và kịp thời thông tin diễn biến công tác bầu cử tại điểm nóng Huổi Khon.

Là phóng viên, nhà báo thì phải đi, phải tiếp cận cơ sở thì mới có được những thông tin, hình ảnh phong phú, đa dạng từ nhiều khía cạnh khác nhau, phản ánh một cách trung thực, khách quan những sự kiện, sự việc diễn ra hằng ngày, là cầu nối để đưa các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến gần hơn với Nhân dân. Nhà báo không chỉ tập trung tuyên truyền những việc tốt, kết quả nổi bật của mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị mà còn phải xông xáo, dấn thân để thực hiện các phóng sự điều tra liên quan đến đất đai, công tác quản lý bảo vệ rừng hay các chế độ chính sách dành cho đồng bào các dân tộc. Cách đây 4 năm, khi tìm hiểu thông tin tại cơ sở và được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan để thực hiện đề tài “Tình trạng khai thác trái phép gỗ Pơ Mu tại xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng”. Nhóm phóng viên gồm Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên, Báo Điện Biên Phủ, TTXVN thường trú tại Điện Biên đã đi thực tế cơ sở để khai thác thông tin, thu thập dữ liệu phục vụ phóng sự điều tra. Sau khi thống nhất kế hoạch, nhóm phóng viên đã xuất phát 5 giờ sáng từ thành phố Điện Biên Phủ để đến với bản Pơ Mu xã Mường Đăng. Dù đã xác định quãng đường đi bộ sẽ rất vất vả nhưng khi đến nơi thì vẫn ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi cố gắng đi theo người dẫn đường để đến với các vị trí mà từ lâu lâm tặc đã tiến hành khai thác, tận thu gỗ Pơ Mu. Suốt 5 giờ đi bộ với hành lý gọn nhẹ nhưng những con dốc dựng đứng, chỉ có chiếc gậy để chống tay cho đỡ mệt đã nhiều lúc chúng tôi nản lòng muốn quay về. Nhưng với trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi lại tiếp tục hành trình để đến với điểm giáp ranh giữa xã Mường Đăng huyện Mường Ảng, xã Pú Xi huyện Tuần Giáo, xã Na Sang huyện Mường Chà. Dọc đường đi là những cây Pơ Mu vài chục đến cả trăm tuổi bị tận diệt không thương tiếc từ nhiều năm, đến cả những gốc cây cao khoảng 1-2m cũng bị lâm tặc quay lại để khai thác. Có những cây bị đốn hạ một vài năm đang được cưa, xẻ thành hộp vuông vức để chờ cơ hội mang ra khỏi rừng... Khi trở về nơi để xe máy cũng là lúc chập choạng tối. Từ những thông tin, hình ảnh thu thập được cùng với máy định vị GPS đã cung cấp một cách đầy đủ, chính xác nhất về tình trạng khai thác, tận thu trái phép gỗ Pơ Mu đến cơ quan chức năng xử lý.
111
Dù tác nghiệp tại nhiều địa phương với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng khi có quyết định phân công tác nghiệp tại Trường Sa đầu năm 2019, cảm xúc lâng lâng, khó tả khi mình vinh dự được đến với một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến hành trình dài hơn 20 ngày trên biển đã đưa đoàn phóng viên chúng tôi đến với 6 đảo phía bắc thuộc quần đảo Trường Sa, gồm 4 đảo nổi và 2 đảo chìm đó là: Đảo Sinh Tồn Đông, Đảo Sơn Ca, Đảo Nam Yết, Đảo Song Tử Tây, Đảo Đá Thị và Đá Nam. Được đến với những người chiến sỹ hải quân, trò chuyện với các hộ gia đình, những người thầy nơi đầu sóng, ngọn gió mới cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, sự hy sinh lớn lao của lớp lớp các thế hệ cha anh vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi câu chuyện là một phóng sự phản ánh chân thực, xúc động về cuộc sống nơi tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió và trách nhiệm của mỗi người làm báo khi tác nghiệp tại đây...

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền mà mỗi nhà báo, phóng viên còn phải có trách nhiệm xây dựng xã hội, quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân còn nhiều khó khăn bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa và nhân văn. Trên tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, mỗi cán bộ, phóng viên đã tích cực kết nối, kêu gọi hỗ trợ các chương trình từ thiện xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ từ những câu chuyện bình thường hay thiên tai lũ lụt và mới đây là dịch Covid 19 bùng phát đợt thứ 4, hàng nghìn suất quà đã kịp thời đến với tâm dịch Nậm Pồ để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch, công dân cách ly, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid 19.

Nghề báo luôn gắn liền với vinh quang và không ít khó khăn, nhọc nhằn. Trên chặng đường phát triển và trưởng thành tự hào với truyền thống 44 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp cán bộ, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên không ngừng học tập, rèn luyện, vững về tư tưởng, chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu làm báo chí trong kỷ nguyên số 4.0./ 
 
Anh Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây