Cuối năm 1991, chia tay Đài Hoàng Liên Sơn, chúng tôi là những thanh niên hầu hết mới vào nghề hăng hái lên đường khai phá vùng đất mới. Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai sau tái lập tỉnh có 29 người, nhưng thực tế chỉ có 24 người gánh vác công việc, còn lại là phải đi học nâng cao trình độ. Ngày đó, các cây viết chính, những nhà báo gạo cội không có nhiều. Lực lượng phóng viên mỏng, nhưng chúng tôi phải đảm nhiệm 2 chương trình phát thanh gốc, mỗi chương trình 30 phút/ngày. Đã có lúc, tôi thấy anh Bùi Duy Nhiễm, Phó Giám đốc trực tiếp dẫn đội quân lên Lào Cai buông những tiếng thở dài nhè nhẹ lo cho một sự nghiệp khởi đầu non nớt. Thế rồi “cái khó ló cái khôn”. Khi đi vào hoạt động, mảng nội dung chỉ có duy nhất một phòng do nhà báo Mã A Lềnh và tôi phụ trách. Chính vì vậy phải phát huy tổng lực một cách tối đa. Biên dịch viên - phát thanh viên các thứ tiếng Giáy, Dao, Mông đều được phân công viết tin, bài bổ sung cho chương trình. Cả phát thanh viên Nguyễn Việt Dũng cũng được giao đảm nhiệm thêm phần ca nhạc, chọn các bài hát cho phù hợp với chủ đề hằng ngày. Do có nhiều cách làm sáng tạo mà chương trình đâu ra đấy, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức, đủ điều kiện phát sóng và thực sự thu hút bạn nghe đài.
Những ngày đầu sau khi tái lập, mang tên là Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai nhưng Đài mới chỉ thực hiện chương trình phát thanh (cả chương trình phát thanh tiếng các dân tộc) chứ chưa sản xuất chương trình truyền hình. Dấu mốc Truyền hình Lào Cai phát sóng chương trình đầu tiên vào tối ngày 01 tháng 11 năm 1991. Chương trình ra đời và được phát sóng tại trạm Truyền hình Cam Đường thuộc Đài Truyền thanh -Truyền hình thị xã Lào Cai khi đó. Chương trình này có sự tham gia của các nhà báo: Mã A Lềnh,Trần Quốc Thắng, Vũ Trung Hiếu, Hồ Khánh Quang và anh Trần Đức Lợi là phóng viên của Đài thị xã Lào Cai, đã trở thành phát thanh viên bất đắc dĩ và cũng được coi là phát thanh viên truyền hình đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai.
Ngày đó, ngoài nhà báo Mã A Lềnh và tôi ra, lực lượng các cây viết còn mới tinh. Anh Trần Quốc Thắng vừa mới chân ướt chân ráo ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền về. Anh Vũ Trung Hiếu còn chưa hết thời gian tập sự. Chị Phùng Thu Thủy vừa được tiếp nhận vào Đài Hoàng Liên Sơn tròn 6 tháng thì nằm trong biên chế của đội quân lên tỉnh mới Lào Cai. Tất cả các cây bút gạo cội, các cây đa, cây đề đều nằm lại ở Đài Yên Bái. Ngay cả bộ đôi phát thanh viên Việt Dũng - Thanh Hải cũng vừa mới được tuyển vào làm việc cũng nằm trong danh sách lên tỉnh mới Lào Cai. Trong tất cả các cuộc triển khai công tác và trao đổi công việc, tôi luôn động viên tinh thần anh em là không có gì phải lo. Mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy. Quả thực, không gì bằng sức trẻ, chỉ một thời gian sau, sức vươn của các cây viết này đã ở một tầm cao nhất định, không hề thua kém bất kể một cây viết nào ở Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái.
Để ổn định bộ máy tổ chức, ngày 15 tháng 10 năm 1991, Tỉnh ủy Lào Cai đã điều động và bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Quế (tức Quế Lâm), giữ chức vụ Giám đốc Đài, các nhà báo Mã A Lềnh, Bùi Duy Nhiễm được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đài. Cùng với ban lãnh đạo, một số phòng chuyên môn được thành lập. Phòng Biên tập Thời sự phát thanh do tôi làm Trưởng phòng; Phòng Biên tập Truyền hình doanh Trần Quốc Thắng làm Trưởng phòng; Phòng Phát thanh tiếng các dân tộc do anh Mã A Lềnh kiêm Trưởng phòng.
Đội ngũ những cây viết ở Báo Lào Cai lúc đó được đánh giá là già dặn hơn so với bên Đài. Tổng biên tập Báo Hoàng Liên sơn Nguyễn Bội Đông rất hiểu nghề nên khi chia tách Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Lào Cai và Yên Bái, ông đã đầu tư cho Báo Lào Cai từ tướng đến quân một lực lượng các cây viết hùng hậu, đủ sức đảm nhiệm công việc của một tờ báo cấp tỉnh. Ngoài Tổng biên tập Báo Lào Cai Hồ Xuân Đoan, Báo Lào Cai còn có nhiều cây viết gạo cội như: nhà báo Phạm Ngọc Triển, sau này là Phó Tổng biên tập; nhà báo Lê Minh Thảo, sau này là Phó Tổng biên tập, rồi chuyển sang Chủ tịch Hội Nhà báo, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai; nhà báo Phan Ái, sau này là giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; nhà báo TriệuQuang Bích, có thời gian làm Thường trực Hội Nhà báo tỉnh; các nhà báo mà tên tuổi gắn với nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc như: Vũ Tăng Thái, Phạm Quang Trung. Tất cả các cây viết đó đều đã ở độ chín, đóng góp rất nhiều tác phẩm làm cho tờ Báo Lào Cai ngày càng khởi sắc. 30 năm qua, Báo Lào Cai đã có sự phát triển cả về bộ máy tổ chức và các ấn phẩm. Ngày tái lập tỉnh, Báo Lào Cai chỉ vỏn vẹn có 9 người, đến nay đã có 42 người, trong đó nhiều phóng viên có tay nghề vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; năng động, sáng tạo và say mê nghề nghiệp. Từ 1 ấn phẩm là Báo Lào Cai thường kỳ, xuất bản mỗi tuần 1 kỳ. Hiện nay, Báo Lào Cai đã có 4 ấn phẩm, gồm Báo Lào Cai thường kỳ, phát hành thứ hai, thứ tư, thứ sáu hằng tuần; Báo dành cho đồng bào các dân tộc; Báo Lào Cai cuối tuần và Báo Lào Cai điện tử. Những ấn phẩm này đều tươi mới, mang lại sức sống cho Báo Lào Cai. Có được vị thế và được bạn đọc đón nhận cũng là nhờ công lao rất lớn của các cây viết chính đóng góp những tác phẩm báo chí làm cho Báo Lào Cai ngày càng được bạn đọc trân trọng và yêu quý.
30 năm sau ngày tái lập tỉnh, những nhà báo đã cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Lào Cai người còn, người mất, đại đa số đã nghỉ hưu, nhưng sự đóng góp của họ vẫn còn mãi và gắn chặt với sự phát triển của tỉnh. Nhà báo Mã A Lềnh đã cho ra đời 46 đầu sách; nhà báo Hồ Xuân Đoan trước khi đi xa cũng cho ra đời nhiều ấn phẩm thơ, văn có giá trị; Nhà báo Vũ Trung Hiếu vừa đạo diễn, vừa viết lời bình thành công cho hai bộ phim nổi tiếng đất nước là “Sông Hồng ký ức phù sa” và “Nhật ký trong mây”; Nhà báo Nguyễn An Chiến cho ra đời cuốn sách “Những người đi mở đất” gồm các tác phẩm báo chí chọn lọc dày 600 trang. Các cây viết khác cũng đều có đóng góp lớn, làm cho văn, thơ, báo chí tỉnh nhà có sức sống mãnh liệt.
Thế hệ làm báo của Lào Cai thuở ấy, ngoài những người đã mất, những người còn sống như chúng tôi, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nếu ai sức khỏe cho phép thì vẫn tiếp tục miệt mài cống hiến, có cơ hội đi, tìm hiểu là viết tạo sự say mê in hằn trên từng trang viết, tất cả đều hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng, vì Lào Cai thân yêu.
Nhà báo NGUYỄN AN CHIẾN Nguyên Phó Giám đốc Đài PT - TH Lào Cai