96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Vinh quang lắm - Trách nhiệm nhiều

Thứ tư - 23/06/2021 11:35
111

Cách đây 96 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh niên, số đầu ra ngày 21/6/1925, khai sinh nền báo chí cách mạng nước ta. Báo chí Cách mạng Việt Nam trải qua chặng đường vẻ vang, đầy gian khổ, hy sinh để trưởng thành và phát triển; đã, đang và tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, với sứ mệnh cao cả, trọng trách lớn lao phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Đến hôm nay, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người làm báo thật sự là chiến sĩ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm báo cách mạng luôn trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước và qua thực tiễn đời sống sinh động nền báo chí không ngừng phát triển và trưởng thành. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều loại hình báo chí cùng đội ngũ những người cầm bút hùng hậu như hiện nay.

111

Hơn 35 năm đổi mới, nền báo chí cả nước đã có những bước phát triển vượt bậc về đội ngũ, về kỹ thuật - công nghệ, cũng như trình độ tác nghiệp. Báo chí ngày càng giữ vững vai trò to lớn, không thể thiếu trong đời sống xã hội của đất nước. Tận tâm, tận lực, trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng, những người làm báo có nhiều tác phẩm báo chí mang tinh thần đổi mới, ủng hộ, cổ vũ động viên những nhân tố mới, điều hay lẽ phải trong đời sống xã hội. Tác phẩm báo chí phản ánh thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân…

Báo chí không chỉ là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân, tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần nâng cao dân trí, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng.

Tình hình thế giới và khu vực biến động mạnh, chuyển đổi sâu sắc, khó lường; những tác động chưa từng có, do đại dịch Covid-19 chứa đựng những thách thức lớn, tác động sâu sắc đến đất nước ta.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại gây tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của báo chí truyền thống, xuất hiện sự “cạnh tranh” phi truyền thống về lượng độc giả, quảng cáo… Thực tiễn phong phú, phức tạp và sôi động đó chính là “lửa thử vàng” đối với các cơ quan báo chí, với mỗi nhà báo cả về chiến lược phát triển lẫn bản lĩnh tay nghề và phẩm chất đạo đức.

111

Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam càng nhớ đến lời nhắn nhủ cho những người làm báo: Viết cho ai, viết vì cái gì, viết như thế nào? Có gì khác là phải lăn xả vào thực tế, phải sống trong lòng dân, đằm mình với hơi thở của cuộc sống mới để có được tư liệu chân thực cho mỗi bài viết.

Mỗi sáng mở trang báo, trang tin điện tử, người đọc cần những thông tin mới, những bình luận sắc sảo. Nhưng phải nói thẳng là quá ít những bài viết hay, những bình luận lay động lòng người. Vì sao? Vì cách làm báo trong phòng máy lạnh. Vì né tránh, ngại động chạm. Vì thiếu thông tin, không có chính kiến nên viết ra những bài viết nửa vời! Đó chính là nỗi buồn của người làm báo.

96 năm là cả chặng đường dài. Trong 96 năm ấy, báo chí cách mạng nước ta đã lớn mạnh không ngừng, góp phần trực tiếp và xứng đáng vào những thành quả bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phát triển con người Việt Nam. Qua các giai đoạn, với hoàn cảnh khác nhau, công việc và phương thức khác nhau, nhưng thống nhất xuyên suốt là báo chí luôn thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, phấn đấu xây dựng một đất nước “dân chủ và giàu mạnh”, tham gia xây dựng một Đảng phục vụ nhân dân, Nhà nước của dân trong sạch và vững mạnh. Đó là mục tiêu xuyên suốt đã qua và tiếp đến.
111








 

 


 
















 

Trong công cuộc phát triển báo chí, với những điều kiện khác nhau, khó khăn và sáng tạo, cầm bút và cầm súng, hiểm nguy và anh dũng, bản lĩnh và trách nhiệm…, chúng ta đã có những thế hệ làm báo mẫu mực và tài ba, để lại nhiều tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp sau noi theo.

Chúng ta tự hào về sự nghiệp báo chí cách mạng, về những người làm báo chân chính, trung với nước, hiếu với dân, có những người đã ngã xuống giữa trận địa, vượt qua gian khổ thử thách trong hòa bình không kém phần phức tạp. Đất nước và nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú ấy.

Thời hội nhập, người làm báo tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi cũng quyết liệt chả kém thời bom rơi, đạn nổ. Không ít cây bút đeo bám các vụ tiêu cực, tham nhũng bị đủ thứ cản trở, ngáng chân, bị đe dọa, hành hung. Đối mặt dọa nạt, mua chuộc với đủ chiêu trò nhưng những người làm báo chân chính vẫn đặt chuẩn mực lên trên hết, biết “lắc đầu” với cám dỗ để có những bài viết hay, sắc sảo, lay động con tim người đọc.

111

Đại dịch Covid đang thử thách sự bền tâm vững chí của cả dân tộc. Hơn bao giờ hết, báo chí vừa đồng hành cùng đất nước, cùng Chính phủ làm chủ mặt trận thông tin để cập nhật từng giây từng phút, lan tỏa những thông tin tốt đẹp trên mặt trận chống dịch nóng bỏng. Và cũng chưa bao giờ, báo chí đối mặt với đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới mình trong bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày như lúc này.

Với tư cách là một ngành, nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đồng thời là một thành phần, một nhân tố hữu cơ của xã hội, của đời sống con người, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Câu hỏi cần giải đáp là báo chí sẽ thực hiện chức năng “thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như thế nào? Số phận những tờ báo, những thông tin trên báo chí được sản xuất theo quy trình cũ sẽ ra sao nếu như luôn bị “chậm chân” so với các tin tức trên internet, mạng xã hội, blog...?

111

Thực tiễn sinh động và không kém phần phức tạp trên đòi hỏi báo chí cần tham gia tích cực, chủ động vào quá trình này nếu không muốn bị loại bỏ hay chạy theo cuộc sống hiện đại đang vận hành theo những quy luật của chuyển đổi số.

Nhưng, trong vòng xoáy thay đổi liên tục đó, vẫn có những giá trị bất biến đối với các cơ quan báo chí. Đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao chưa bao giờ được đặt ra bức thiết như hiện nay mà ở đó, phóng viên, tòa soạn đóng vai trò trung tâm, quyết định để gây dựng lòng tin cho công chúng, bạn đọc. Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà ta gặt hái được.

Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo. Chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Tâm sáng thì được độc giả tin yêu và lòng tin cùng sự hợp tác của bạn đọc sẽ gia cường sức mạnh cho báo chí.

Thời nào làm báo cũng khó khăn, giữ được 3 chữ “trung”: trung trinh với sự thật, trung thực với độc giả và trung thành với nghề nghiệp mới là điều đáng quý! Nói cho cùng, phản ánh sự thật cũng chính là phản ánh dòng chảy chính của xã hội và làm được như vậy, báo chí cũng đồng thời tìm lại được những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng và tính tiên phong, chính xác, chính thống, nhanh nhạy; để giữ vững niềm tin của độc giả với chính mình và qua đó, củng cố niềm tin, gia cường nền tảng xã hội.

111


 





 

 



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây