Thực thi Nghị định 38/2021/NĐ-CP -Kinh tế báo chí có gặp khó? Bài 1: Phó Tổng biên tập báo Giao thông Nguyễn Nga: Quảng cáo 1,5 giây, báo điện tử bị giảm nguồn thu rất lớn

Chủ nhật - 30/05/2021 05:37
“Tôi đồng ý quan điểm cần bảo vệ quyền lợi của bạn đọc cũng như cần chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên báo chí. Tuy nhiên, các quy định cần phù hợp với thông lệ và đặc thù báo chí điện tử” - Phó Tổng biên tập báo Giao thông Nguyễn Nga chia sẻ.

LTS: Ngày 01/06.2021, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Phải khẳng định rằng, Nghị định 38/2021/NĐ-CP có nhiều quy định phù hợp, thuận lợi cho việc cho việc giám sát các hoạt động quảng cáo nói chung. Nhưng nhiều cơ quan báo chí, trong đó đặc biệt là các cơ quan tự chủ hoạt động bằng phát triển kinh tế báo chí đang quan ngại tới một số quy định trong Nghị định 38/2021/NĐ-CP sẽ khiến báo chí gặp khó khăn. Báo Nhà báo & Công luận sẽ ghi nhận khách quan ý kiến từ phía các chuyên gia, các nhà báo xung quanh vấn đề này.

Trước tiên, phải khẳng định rằng, Nghị định 38/2021/NĐ-CP có nhiều quy định phù hợp, thuận lợi cho việc giám sát các hoạt động quảng cáo nói chung. Một số quy định cũng hạn chế được sự lợi dụng, cắt ghép, lồng ghép những quảng cáo không phù hợp, những sản phẩm không được kiểm duyệt… Tuy vậy, xung quanh Nghị định vẫn còn có những tranh luận trái chiều, mà nổi lên là việc liệu một vài quy định về quảng cáo trên báo chí nếu thực thi có làm kinh tế báo chí khó khăn? Bối cảnh cạnh tranh hiện nay, báo chí liệu có mất đi cơ hội trong cuộc chạy đua giành miếng bánh quảng cáo đang bị eo hẹp dần? 

Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Nga - Phó Tổng biên tập báo Giao thông xung quanh vấn đề này. 

+ Nghị định 38/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực vào 1/6/2021 đang gây nhiều tranh cãi bởi có một vài điểm bị cho là ảnh hưởng đến kinh tế báo chí. Báo Giao thông sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Nghị định có hiệu lực, thưa bà?

- Với sự đầu tư bài bản cho báo điện tử, Báo Giao thông đang có nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến khá ổn định. Với quy định mới của Nghị định 38/2021/NĐ-CP, chắc chắn nguồn thu này sẽ bị ảnh hưởng. Ngay trong năm nay, tòa soạn có thể bị giảm thu hàng trăm triệu trong bối cảnh nguồn thu từ phát hành báo giấy đã sụt giảm rất lớn.

111
Một số quy định trong Nghị định 38/2021/NĐ-CP sẽ khiến báo chí gặp khó khăn. Ảnh: minh họa

- Có ý kiến cho rằng các quy định đưa ra nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, bảo vệ quyền lợi của công chúng khi họ không thích xem quảng cáo. Cũng có những lãnh đạo báo chí tự tin, biết đâu việc siết chặt sẽ khiến các doanh nghiệp dành chi phí quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới để thực hiện các dạng quảng cáo truyền thống khác, điều này tốt hơn cho báo chí, các báo vẫn có thể đón nguồn thu, quan điểm của bà thế nào?

+Tôi đồng ý quan điểm cần bảo vệ quyền lợi của bạn đọc cũng như cần chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên báo chí. Tuy nhiên, các quy định cần phù hợp với thông lệ của thế giới và đặc thù báo chí điện tử. Ngay lúc này, bạn vẫn thấy quảng cáo xen giữa bài viết của các tờ báo lớn như Dailly News, Washingtonpost, Lemonde, The Sydney Morning Herald… dù họ đã đi trước chúng ta rất nhiều.

Bên cạnh đó, quy định hạn chế hiển thị video quảng cáo 1,5 giây trên báo điện tử (trong khi trên các nền tảng khác là 5 giây) sẽ khiến các báo bị sụt giảm nguồn thu rất lớn. Các nhà quảng cáo cũng như nhãn hàng đều sản xuất video theo quy chuẩn chung. Ta tự thay đổi  quy chuẩn này, đưa về 1,5 giây thì quá ngặt nghèo. Tôi có trao đổi với nhiều người làm quảng cáo, họ đều nói nếu quy định 1,5 giây thì coi như cấm luôn quảng cáo xuất hiện trong video. Vì quảng cáo 1,5 giây quá khó để thể hiện thông điệp của nhãn hàng.

Với câu hỏi của bạn, liệu có sự thay đổi tích cực về nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sau quy định này hay không? Tôi không tin các nhãn hàng, các đối tác sẽ đổi nguồn tiền từ quảng cáo trực tuyến sang quảng cáo truyền thống sau khi quy định này có hiệu lực. Hai thị trường quảng cáo này có cách tiếp cận khách hàng khác nhau, cách tính toán hiệu quả khác nhau. Và thực tế là chỉ có báo chí mất đi cơ hội  mà thôi. 

-Trước thực tế như phân tích, bà có kiến nghị gì tới các nhà quản lý?

+ Vài năm trở lại đây, báo chí chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1/5 trên thị trường quảng cáo trực tuyến, đi kèm với đó là sự khó khăn khi chưa thể thu phí bạn đọc trên báo điện tử trong khi báo giấy đang giảm lượng phát hành. Thực tế là 80% kinh phí quảng cáo từ thị trường nội địa đã đổ vào túi các công ty lớn của nước ngoài như Google, Facebook… Nếu áp dụng quy định này, tôi cho là báo chí khó giữ được tỷ trọng vốn đã ít ỏi như hiện nay. 

Trong bối cảnh chung, đặc biệt là khi khó khăn chồng khó khăn do dịch bệnh, chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ của Nhà nước trong các chính sách với cơ quan báo chí.

Trước mắt là tạm thời chưa áp dụng các quy định nói trên. Hiện nay, trên thế giới, báo điện tử thu phí đã khá phổ biến. Các tờ báo thu phí không chèn quảng cáo, còn các báo đọc miễn phí vẫn có quảng cáo xen trong nội dung và người đọc chấp nhận như một cách thức chia sẻ với tòa soạn.

Báo chí Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới việc thu phí nếu muốn phát triển. Nhưng trước khi làm được điều đó, các tờ báo chắc chắn sẽ phải điều tiết việc quảng cáo nếu muốn giữ chân người đọc. Nên khuyến khích báo chí chuyên nghiệp dần lên trong cuộc chơi của báo chí công nghệ, chứ không nên cấm các công cụ có thể giúp báo chí tự chủ tài chính. 

Xin cảm ơn bà!

Sông Mây (thực hiện)
Theo NB&CL

 

Nghị định 38 này được coi là một sự tiến bộ và cần thiết trong bối cảnh hiện nay với mục đích lập lại trật tự, chấn chỉnh tình trạng bát nháo, bất cập trong quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông đại chúng. Rõ ràng là, xuyên suốt các quy định của nghị định là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công chúng, ngăn chặn việc một số cơ quan truyền thông lạm dụng quảng cáo ảnh hưởng tới người dùng, xa rời chức năng nhiệm vụ chính của tờ báo.

Nhưng những ngày qua dư luận đang có một số ý kiến trái chiều, lo ngại xung quanh điều 38 của Nghị định này. Cụ thể là quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây trên trang điện tử (mục b, khoản 2, điều 38). Quy định được cho là cần thiết nhưng con số dưới 1,5 giây thì quá ngặt nghèo trong bối cảnh quảng cáo trực tuyến đang là một xu hướng. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy định không được “Bố trí quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài” sẽ tước bỏ gần như hoàn toàn lợi thế của báo chí trước các nền tảng khác...Trong bối cảnh đó, miếng bánh quảng cáo của báo chí trong nước càng thu hẹp, các đối tác sẽ rút quảng cáo khỏi các tờ báo trong nước, gây khó khăn thêm cho các cơ quan báo chí...  Đồng thời, nhiều lo ngại về thực tế khó khăn hiện nay sẽ dẫn đến việc báo chí quá sức khi vừa làm nhiệm vụ chính trị vừa tự chủ tài chính, đặc biệt trong thời điểm đại dịch covid-19 vẫn đang rất phức tạp, khó lại càng thêm khó, nghèo càng thêm eo.

Để hiểu hơn những khó khăn ấy, các chuyên gia và một số các cơ quan báo chí đã phân tích và đóng góp ý mang tính xây dựng, đồng thời đã có những kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này.  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây