Giải Báo chí Quốc gia: Để mãi là “điểm hẹn” của tinh thần sáng tạo, cống hiến

Thứ hai - 28/06/2021 08:36
Qua 15 năm, Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) đã khẳng định được vai trò, vị trí, thương hiệu trong giới báo chí cả nước, trở thành “điểm hẹn” của tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm báo.

Tuy nhiên, với tinh thần “đã tốt sẽ phải tốt hơn”, “ngày mai tốt hơn ngày hôm nay”, báo Nhà báo & Công luận đã có những trao đổi với những hội viên, nhà báo có nhiều năm tham dự, được vinh danh tại Giải BCQG để lắng nghe những ý kiến đóng góp xung quanh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu của Giải BCQG.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng - Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam):

“Nên xem xét lại quy định mỗi tác giả chỉ được đứng tên một tác phẩm”

Với tôi, Giải BCQG là giải thưởng uy tín và danh giá nhất. Tôi tham gia giải từ năm 2013 khi mới vào làm việc tại TTXVN được một năm. May mắn là ngay lần đầu tiên tham gia, tôi đã được giải B. Đây vừa là phần thưởng “thổi bùng lên ngọn lửa đam mê” với nghề báo, vừa tạo động lực để tôi luôn cố gắng, sáng tạo trong quá trình làm việc sau này, qua đó vững tin tham gia các giải báo chí khác.

111
Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhận Giải thưởng Báo chí Quốc gia.
 

Cho đến nay, sau 7 lần gửi tác phẩm tham dự “sân chơi lớn”, tôi đã may mắn 6 lần nhận được nhận Giải BCQG (cá nhân và tập thể, trong đó có 2 A, 2 B và 2 C). Trong số những tác phẩm được giải đó, có những đề tài vốn dĩ rất phức tạp như tội ác dưới những tán rừng xanh, vỡ trận quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, đấu thầu rác thải,… nhưng bằng “ngòi bút trong sáng” phản ánh khách quan trung thực nên những “khoảng tối” đã được giải quyết, tạo tác động tích cực cho xã hội.

Về khía cạnh khai thác đề tài, tôi luôn nghĩ rằng tác phẩm tham gia giải không nhất thiết cứ là những đề tài mới, độc quyền hay chưa ai khai thác, mà điều quan trọng với người viết báo là cần phải đi sâu vào tìm kiếm, khai thác những góc khuất và đưa ra được các giải pháp xử lý vấn đề, đó mới là yếu tố quan trọng để biến những vấn đề cũ thành đề tài mới. Thực tế, có những loạt bài tôi đã mất tới ba năm để thu thập thông tin. Trong quãng thời gian đó, tất nhiên sẽ có những thay đổi nhất định, nhưng thay vì phản ánh lại phần nổi của vấn đề cũ, tôi đã chọn cách “mất thời gian” trên để khai phá ra những điểm mấu chốt chưa được làm sáng tỏ. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp thông qua góc nhìn, sáng kiến của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia để góp phần giải quyết vấn đề.     

Với tính cách thích khám phá, tìm kiếm và sự nhiệt huyết với nghề báo, mỗi năm tôi thường đầu tư 3-5 tuyến bài chuyên đề. Đó cũng là những tuyến bài tôi đặt mục tiêu là gửi dự giải, điều này không phải vì giá trị giải thưởng mà hơn hết là vì công sức mình đã đầu tư và vì sức lan tỏa của giải báo chí lớn nhân dịp “giỗ nghề” 21/6.

Tuy nhiên, để giải thực sự là “sân chơi lớn” thu hút đông đảo hơn các nhà báo trên toàn quốc thường xuyên tham gia giải, tôi thiết nghĩ, Ban tổ chức nên cân nhắc tới việc “mở rộng cánh cửa” đón nhận tác phẩm, bởi theo quy định hiện nay mỗi tác giả chỉ được đứng tên một tác phẩm. Quy định này dường như đang giới hạn hội viên, vì nhiều tác giả bỏ ra nhiều công sức để có nhiều loạt bài, thì việc “có cơ hội” dự thi nhiều loạt bài cũng nên được khuyến khích. Nếu họ được khích lệ sẽ kéo theo khích lệ cả cơ quan báo chí đó. Họ có cơ hội tham gia đóng góp được nhiều hơn và tạo động lực để họ có nhiều tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội hơn.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Trưởng phòng biên tập Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần:

“Nên bổ sung thêm nội dung tác phẩm báo chí được nhiều hội viên bình chọn nhất”

Giải đã tạo ra động lực trong giới báo chí trên cả nước, tạo động lực mạnh về nghề nghiệp của tất cả các nhà báo trên mọi lĩnh vực. Giải thật sự là một giải có tầm, đúng như tên gọi, các tác phẩm được giải thực sự có sức lan tỏa lớn, ban tổ chức chấm đã lựa chọn được những tác phẩm có ích cho xã hội, Nhà nước, nhân dân. Các tác phẩm có tính bao quát khá cao. Thậm chí có những tác phẩm dự giải mang tính chuyên sâu không dành cho độc giả phổ thông.

Tôi đã 9 lần được Giải BCQG, từ 2006 là năm đầu tiên đổi tên thành Giải BCQG. Đến nay tôi thấy rõ những bước phát triển của Giải. Tuy nhiên, để tạo sự đột phá cho Giải, thiết nghĩ cần đổi mới một bước ở khâu chấm giải. Nên có thêm nhiều nhà báo giỏi tham gia thẩm định, quy chế chấm cũng cần sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Nếu quy chế chặt chẽ hơn thì càng huy động được nhiều tác giả khác tham gia. Cũng nên mở rộng thành phần Ban Giám khảo, càng nhiều Ban Giám khảo thì khâu thẩm định càng khách quan.

111
Nhà báo Nguyễn Hồng Hải.

Quy chế chấm cần làm giống như là chấm tốt nghiệp THPT, nghĩa là từ vòng sơ khảo đến vòng chung khảo nên chấm ở một địa điểm cố định, có sự giám sát chặt chẽ để làm sao đảm bảo được những giám khảo không biết được bài báo đó của tác giả nào, nghĩa là chấm một cách công tâm, như vậy mới chuyên nghiệp. Giải BCQG là mực thước, là hình mẫu cho tất cả các giải thưởng báo chí khác học theo. Giải thưởng càng có chất lượng bao nhiêu thì càng tạo ra động lực lớn bấy nhiêu, hội viên thấy đây thật sự là nơi vinh danh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nên nâng mức tiền thưởng, sẽ tạo ra động lực, sẽ khiến các nhà báo tham gia hào hứng hơn.

Về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chấm giải, có thể lựa chọn tác phẩm báo chí đưa lên mạng để hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được quyền tham gia bình chọn. Hay giải nên có thêm nội dung tác phẩm được nhiều hội viên bình chọn nhất. Như vậy sẽ càng khách quan hơn, chuyên nghiệp hơn. 

Nhà báo Lê Tuyết - Phóng viên Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam:

Cần phải đổi mới hơn nữa hình thức thực hiện, tránh cào bằng

Cá nhân tôi thấy rằng, Giải BCQG  là một sân chơi sáng tạo, trí tuệ cho những người cầm bút. Giải là nguồn động viên cho các nhà báo thực hiện các tác phẩm một cách trách nhiệm nhất. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm một lần, Giải BCQG như một điểm hẹn cho các nhà báo, đồng thời cũng là người đồng hành, thúc đẩy sự đam mê, dấn thân của các nhà báo. Giải ngày càng quy tụ được nhiều ngòi bút sắc sảo, nhạy bén tham gia.

Trong bối cảnh xã hội luôn phát triển như hiện nay, sự cạnh tranh giữa các nền tảng báo chí cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều này cũng đã thúc đẩy các nhà báo sáng tạo tác phẩm báo chí một cách hấp dẫn theo cách rất riêng của mình. Có lẽ nhờ vậy chất lượng của các tác phẩm báo chí đoạt giải ngày một tăng.

111
Nhà báo Lê Tuyết

Tuy  nhiên, những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các giải báo chí khác, điều đó đòi hỏi việc tổ chức Giải BCQG cần phải đổi mới, để có thể tạo sức hút nhiều hơn nữa với những người làm báo tham gia. Những bài báo đoạt giải cũng phải thực sự thuyết phục. Bất cứ một con đường nào, nếu không có sự sáng tạo, không có sự kế thừa và đổi mới sẽ trở thành một con đường mòn.

Vậy nên, theo tôi, để Giải BCQG thực sự là một sân chơi bình đẳng, tôn vinh những sản phẩm báo chí xứng đáng cần phải đổi mới hơn nữa hình thức thực hiện, tránh cào bằng. Ngoài ra, tránh xây dựng giải thưởng theo kiểu liên hoan, tức là phân bổ đồng đều cho các cơ quan báo chí Trung ương hoặc địa phương. Một tác giả hoàn toàn có thể gửi nhiều tác phẩm, nếu đó thực sự là tác phẩm hay, chất lượng. Và điều cuối cùng, chúng ta tôn vinh tác phẩm chứ không phải là tôn vinh cá nhân hay một cơ quan nào đó. Có như vậy, Giải BCQG mới quy tụ được các cây bút xuất sắc.

Nhà báo Dương Đình Tường - Báo Nông nghiệp Việt Nam:

“Nên tạo điều kiện để các tác giả gửi thêm một tác phẩm nữa dự thi”

Bất cứ nhà báo nào khi tìm kiếm đề tài, sáng tác ra các tác phẩm của mình cũng đều nghĩ tới độc giả, cho độc giả chứ ít khi nghĩ tới việc đoạt giải. Họ chú tâm làm sao có những bài viết về cho cơ quan, những bài viết chất lượng, như là bổn phận của người làm báo. Trách nhiệm là thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao, còn bổn phận của người làm báo là khi nhìn thấy, bắt gặp những gì bất bình, lãng phí, sự phá hoại… muốn thay đổi để đóng góp cho xã hội thì người làm báo nên làm. Phải luôn đau đáu về việc làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Đấu tranh tiêu cực ở đây là để xây chứ không phải để phá.

Phần lớn khi sáng tác ít nhà báo nghĩ tới giải thưởng, nhưng giải thưởng cũng nhằm động viên, khích lệ người làm báo nỗ lực nhiều hơn nữa. Giống như học sinh, cố gắng học tập, miệt mài cả năm thì cuối năm có giấy khen, đó giống như lời động viên khi được khen thưởng.

111
Nhà báo Dương Đình Tường.

Giải BCQG được duy trì từng năm cũng giúp người làm báo luôn luôn phấn đấu, nỗ lực. Ở đây là sân chơi không chỉ cạnh tranh với đồng nghiệp mà cạnh tranh với chính mình, khi được giải năm trước rồi, cố gắng năm sau được giải cao hơn, giữ được danh hiệu, đó như là đấu tranh với chính bản thân mình. Vượt qua chính mình rất khó vì nó gần như vô hình. Nhưng dù sao nhà báo phải luôn luôn hướng đến cộng đồng, thông tin phải đa chiều, có ích cho phần lớn người dân, cho cộng đồng, cho cơ quan quản lý nhà nước, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Có nhiều giải báo chí khác nhau, mỗi giải một lĩnh vực, nhưng Giải BCQG vẫn giữ vai trò quan trọng, là giải danh giá nhất với hội viên.

Tuy nhiên tôi góp ý, Giải nên cho tác giả gửi thêm một loạt bài nữa vì có những loạt bài chất lượng ngang nhau, khi chỉ gửi một loạt bài sẽ để sót loạt bài kia. Chỉ khoảng hai loạt bài thôi vì nhiều quá sẽ loãng. Gần đây Giải có mở rộng về việc chấm và hướng về báo địa phương và có đơn vị giành được giải cao, đó là điều rất tích cực, nhưng tôi cũng mong muốn BTC Giải quan tâm hơn tới báo của bộ, ngành.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Long – Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Tây Bắc:

“Xem xét cơ cấu giải thưởng để bạn đọc có thể bình chọn”

Ở góc độ cá nhân, tôi tin rằng ở thời điểm hiện tại, Giải BCQG chính là giải thưởng lớn, uy tín và danh giá nhất trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam. Mặc dù trên thực tế cũng đã có một số giải thưởng báo chí có cơ cấu giải thưởng cao hơn, song tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn thường nói vui rằng Giải BCQG chính là giải thưởng “Oscar” của làng báo. Ở đó có tính truyền thống lâu đời, có sức hút truyền thông và là nơi mà bất cứ người cầm bút nào cũng khao khát được một lần xướng tên trên bục nhận giải.

111
Nhà báo Nguyễn Hoàng Long

Qua quan sát nhiều năm, có thể thấy chất lượng các tác phẩm dự giải và đạt giải ngày càng được nâng cao. Không phải tất cả nhưng phần lớn các tác phẩm đạt giải đều xứng đáng, có tiếng vang nhất định trong dư luận.

111
Nhà báo Nguyễn Hoàng Long - Báo Lao Động nhận giải tại Giải Báo chí Quốc gia. Ảnh NVCC

Điều đó cũng thể hiện phần nào qua cách các cơ quan báo chí lựa chọn tác phẩm đi dự giải. Như tại Báo Lao Động chúng tôi chẳng hạn, mỗi tác giả phải tự lựa chọn đúng một tác phẩm tốt nhất của mình trong năm để gửi lên Chi hội Nhà báo tổng hợp. Chi hội sẽ thành lập hội đồng để đánh giá, xem xét giữa các hạng mục thì chọn tác phẩm nào gửi đi. Đó như một vòng loại vậy. Vì là cuộc thi công khai nên nếu được góp ý, tôi nghĩ Ban Tổ chức nên xem xét cơ cấu thêm những giải thưởng mà bạn đọc có thể bình chọn ở thể thức online. Như vậy sẽ tạo hứng thú hơn cho cả bạn đọc, khán giả lẫn tác giả có tác phẩm được bình chọn.

 

Lê Hiếu (Ghi)
Theo NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây