Đãi cát tìm vàng

Thứ hai - 12/07/2021 15:58
Mấy năm trở lại đây, Đài PTTH Quảng Nam (ORT) giành được nhiều giải cao tại các kỳ Liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc, Giải báo chí toàn quốc về  xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng), Giải báo chí Quốc gia... Kết quả đó là sự cố gắng, nỗ lực của tập thể Ban Biên tập từ khâu lên kế hoạch, chọn đề tài, thể loại, tổ chức sản xuất, xét duyệt, chấm chọn, đến cơ chế khuyến khích các nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải. Nhưng công đầu vẫn thuộc về các nhà báo - những người đã “đãi cát tìm vàng” - để tạo nên những tác phẩm có giá trị cao trên các “sân chơi nghề nghiệp”. Những tác phẩm báo chí đó đã tự nó chỉ ra khả năng nghề nghiệp, sức sáng tạo của mỗi nhà báo và khẳng định vị thế, uy tín của QRT.
111
Biên tập viên Báo Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO (ảnh minh họa)
Ai đã từng có duyên với nghề báo cũng đều  biết  để có một tác phẩm chất lượng, được chọn đăng báo, hay phát trên sóng phát thanh, truyền hình đã là một “nhiệm vụ khó khăn”; và để có một tác phẩm đạt giải cao tại các kỳ liên hoan, các giải báo chí toàn quốc thì càng khó khăn gấp bội phần. Làm thế nào để có những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt tham gia và có nhiều cơ hội đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan báo chí cấp quốc gia, hay cấp bộ, ngành? Đây có lẽ là câu hỏi mà mỗi người làm báo đều ít nhất một lần đặt ra cho chính mình khi lựa chọn và dấn thân với nghề báo.

Phát hiện cái mới trong cái cũ

Câu chuyện về sự ra đời và những thăng trầm của các HTX nông nghiệp dĩ nhiên là chuyện cũ. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực. Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Trường và ê kíp Phòng Thời sự ORT vẫn chọn đề tài này để thực hiện phóng sự dài “Người giữ thành... HTX” tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 và đoạt huy chương vàng.  Bí quyết của tác phẩm này ở chỗ, như Vô Văn Trường tiết lộ, “đã nhìn thấy ở HTX Điện  Quang thị xã Điện Bàn có một mẫu hình HTX tồn tại  hơn 40 năm và rất năng động, sáng tạo, gắn với một người Chủ nhiệm HTX cũng có chừng ấy tuổi đời gắn bó, tâm huyết, coi như đầu máy của con tàu kéo cả đoàn tàu đi có lúc tưởng chừng như lệch đường ray nhưng nó vẫn lao về cái đích lợi ích cuối cùng thuộc về người lao động. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm HTX Điện Quang - người đã cam đảm dám chống lại cả chủ trương của tỉnh khi những HTX tơ lụa làm ăn thất bát đã chỉ đạo xóa bỏ những biền dâu ven sông Thu Bồn. Và Cây dâu đã theo người chủ nhiệm HTX này bám đất để súp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Rồi cây dâu cũng bắt đầu mở ra những cơ hội mới ở thì hiện tại. Một con người như thế đáng được ngợi ca lắm chứ. Họ chính là người giữ thành trì cho HTX!”. Nói thế để thấy, trong vô số những đề tài tưởng đã cũ, người làm báo đã rất tinh tế,  bản lĩnh để phát hiện ra nhân tố mới, điển hình mới từ đó tạo ra những tác phẩm dự thi đầy tính thyết phục.

Cũng theo nhà báo Võ Văn Trường, ngoài việc chọn đề  tài phải có tầm nhìn, tính khái quát, tính thời sự ý nghĩa nhân văn và cả tính dự báo thì người thực hiện phải tìm tòi, phát hiện điểm độc đáo riêng có của nhân vật, của câu chuyện, có cách tiếp cận mới mẻ, hấp dẫn để mỗi tác phẩm mang dấu ấn riêng mà các đài khác không có được, dù có thể có chung một chủ đề hay một lĩnh vực nào đó.
111
Biên tập viên trao đổi với bộ phận trình bày để đảm bảo tính ổn định về mặt hình thức của tờ báo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dấn thân

Tác phẩm báo chí phải phản ánh được vấn đề cuộc sống mà nhiều người quan tâm; được công chúng đón nhận và để lại dấu ấn. Điều này phụ thuộc vào sự nhạy bén, sự năng nổ trong việc tìm kiếm đề tài của phóng viên. Đó là cả một quá trình dấn thân để tìm kiếm, khai thác đề tài, bất chấp rủi ro rình rập. Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (Phòng Dân tộc và Miền núi) - trưởng nhóm tác giả 2 năm liền đoạt huy chương Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39 và 40 với 2 tác phẩm “Rời núi” và “Nơi đâu là an toàn” - là một nhà báo như thế. Phóng sự “Nơi đâu là an toàn” đoạt huy Chương Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 năm 2020, được thực hiện tại xã Trà Leng (Nam Trà My) và 2 xã Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn).

Năm 2020 là năm mà dịch bệnh, rồi thiên tai tàn phá vùng đất Quảng Nam. Trong đó, riêng khu vực miền núi, những trận sạt lở đất kinh hoàng, làm vùi lấp nhà cửa, xóa sổ làng bản, làm chết, mất tích 44 người; riêng hai huyện Phước Sơn và Nam Trà My là 35 người. Với hơn 20 năm gắn bó miền núi, trước một sự kiện bi thương như thế, vấn đề không chỉ đơn thuần là đưa tin, phản ánh đau thương, mất mát của đồng bào, mà phải có một góc nhìn, một cách gợi mở, để làm sao bà con miền núi không phải nơm nớp nỗi lo sạt lở mỗi khi mùa mưa bão đến, hay Nhà nước phải lo cứu trợ khẩn cấp, rồi tìm kiếm nạn nhân mất tích bị vùi lấp... mà phải có định hướng căn cơ bền vững, lâu dài hơn về nơi ở cho đồng bào miền núi.


Từ đó, suy nghĩ về một phóng sự dài với tiêu đề “Nơi đâu là an toàn” được hình thành. Thật may, trong hơn 2 tháng gắn bó với Trà Leng, Phước Thành, Tấn Sỹ đã cùng với các đồng nghiệp vượt qua nhiều cam go, thử thách, dấn thân giữa núi rừng để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của vùng tang thương. Sau đó là cơ duyên được tiếp xúc, làm việc với các nhà khoa học, các già làng người có uy tín... Tất cả những tư liệu, vốn sống đó đã giúp anh và ê kip gom lại trong 12 phút 30 giây hình của phóng sự “Nơi đâu là an toàn”. Tấn Sỹ tâm sự: “Sạt lở ở Trà Leng, cô lập ở Phước Thành, hàng chục người chết, mất tích... Đề tài này đều được các báo, các đài khai thác đậm nét. Nếu mình chỉ dừng lại ở việc phản ánh sự kiện, hoặc loay hoay với chuyện mất mát, tang thương, thì khó mà lay động, thuyết phục được trái tim người xem. May mắn của tôi là đã chọn khai thác theo hướng chân thật, gần gũi, mang hơi thở của cuộc sống... Có đau thương mất mát, có tổn thất, nhưng có sự vươn lên, đoàn kết sẻ chia vượt qua, rồi có một hướng mở rõ ràng về một vùng đất an toàn sau thiên tai không chỉ cho người dân Trà Leng, Phước Thành mà cho cả khu vực miền núi Quảng Nam nói riêng và khu vực miền núi vùng đồng bào thiểu số cả nước nói chung”. Chính sự bình tĩnh, nhạy cảm và cách đặt vấn đề này, đã giúp anh và các đồng nghiệp vượt qua hàng trăm tác phẩm, để vinh dự đứng trên bục nhận giải Vàng ở thể loại phóng sự.

Xin mượn mấy câu thơ của Olga Berggholz - nhà thơ nữ người Nga - thay lời kết, như lời cảm ơn những người bạn đồng nghiệp đã “không bao giờ sốt ruột”, chưa bao giờ “đánh mất niềm tin”:

“Trên những dòng sông thế giới
Có bao người đãi cát tìm vàng
Tháng năm dài kiên nhẫn bền gan
Lọc từng phân mười phần vẹn một
Người đãi cát không bao giờ sốt ruột
Thời gian không nghiền nát mất niềm tin”
(Đãi cát tìm vàng - Olga Berggoltz). 
                                                                              

Nguyễn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây