Làm dạo diễn phim tài liệu: Cần lắm sự đam mê nghề
Thứ năm - 15/07/2021 14:44
THẾ NÀO LÀ PHIM TÀI LIỆU?
Đặt ra câu hỏi này, tôi không có ý đánh đố nhưng thiết nghĩ, chúng ta cũng nên hiểu về Phim tài liệu (PTL), và riêng bản thân tôi cũng muốn tự mình nhắc nhở chính mình, nếu đã và đang làm nghề đạo diễn PTL, thì càng phải nâng tầm cảm nhận và “giữ lửa” với nghề, nắm chắc chức năng, đặc điểm, và lúc nào cũng phải sẵn sàng tâm thế chia sẻ, truyền lửa đam mê với mọi người, nhất là các bạn đồng nghiệp trẻ những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm thực tiễn của mình về thể loại “xương xẩu” nhưng cũng rất hấp dẫn này...!
Với cá nhân tôi, thể loại PTL có thể hiểu một cách nôm na nhất, câu chuyện trọng tác phẩm PTL phải là sự thật. Đặc điểm và nguyên tắc trong PTL không cho phép đạo diễn hư cấu. Quá trình tác nghiệp, có thể dàn dựng bằng nhiều thủ pháp thể hiện, dùng hình tượng hóa tình tiết, nhưng đặc biệt không được dàn dựng nội dung câu chuyện, càng không có sự xuất hiện cửa diễn viên diễn xuất! Đó là nguyên tắc cơ bản.
Thế mạnh của PTL là bởi nó vừa là tác phẩm báo chí (tính chiến đấu, phản biện), vừa có tính nghệ thuật (ý tưởng sáng tạo trong cách thể hiện, và thông điệp).
Từ đặc điểm, ta có thể thấy PTL có mấy chức năng như sau: Thứ nhất: PTL có chức năng thông tấn và báo chí. Đây chính là chức năng quan trọng nhất, nó chi phối toàn bộ quá trình xây dựng một bộ PTL nói chung (từ khâu kịch bản đến ý tưởng đạo diễn và viết lời bình). Thứ hai: Chức năng giáo dục và nhận thức thông qua những hình ảnh chân thực về con người, về cuộc sống... đồng thời khái quát hóa câu chuyện phim, bằng hình tượng tiêu biểu, nhờ việc sử dụng một cách có hiệu ứng, các thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn. Việc sử dụng các chi tiết “đắt giá” từ âm nhạc, tiếng động, lời bình, các thủ pháp dựng phim đầy tính nghệ, từ đó tác động mạnh mẽ tới người xem.
Thứ ba: Chức năng thẩm mĩ và giá trị tư liệu lịch sử trong PTL luôn có thế mạnh chiếm lĩnh. PTL không dừng lại ở việc miêu tả hiện thực cuộc sống một cách khách quan, trung thực, mà PTL còn chứa đựng những giá trị tư liệu về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người cụ thể.
CHUYỆN… VỀ CÁC THẾ HỆ ĐẠO DIỄN ĐÀI THĐT
Thật ra, sức hấp dẫn của thể loại PTL đôi khi khiến cho những người trực tiếp làm phim (biên kịch và đạo diễn) có thể quên ăn quên ngủ... vì mê mẩn đề tài hay, nhưng cũng có khi phải “đau đầu” để tư duy tính toán cách làm, tìm ra những thủ pháp thể hiện câu chuyện. Các đạo diễn PTL có thể dùng ảnh cũ để kể chuyện, nhưng rất “ngại” việc làm theo lối mòn, mỗi lần làm phim đâu khác gì một lần “đau đẻ” với đứa con tinh thần.
Ở Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp (THĐT) cũng vậy, ngay từ khi thành lập (thập niên 80 của thế kỷ trước), đã có khá nhiều người làm PTL rồi! Những cái tên đạo diễn & quay phim như: Trần Lăng Hiển, Nguyễn Nam, Chánh Tín, Quang Ngọc, Phước Trung, Bùi Lưu, Phước Hải, Trần Khanh,... đều là những cái tên thuộc hàng “gạo cội”.
Kể đến, nếu tính từ năm 1997 khi Đài THĐT tái phát sóng trở lại đến năm 2007, thì đội ngũ các đạo diễn PTL cũng tiếp tục có nền tảng kế thừa với lực lượng khá hùng hậu, và giai đoạn này nhiều PTL của Đài THĐT đã đoạt giải HCV ở các kỳ Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc, những cái tên Đạo diễn - Quay phim được khán giả biết đến như: Bùi Lưu, Phước Trung, Phước Hải, Phương Nam, Lê Vũ Tuấn, Trần Khanh, Dương Thủy, Phước Tính, Tùng Thiện, Thanh Hùng v.v..
Thế hệ tiếp theo một số nhà báo, đạo diễn chuyển sang làm công tác quản lý, một số người chuyển đi hoặc về hưu... nên giai đoạn từ năm 2007 - 2017, đội ngũ những người trực tiếp tham gia làm PTL ở Đài THĐT cũng bắt đầu thưa dần xuống chỉ còn lát đát vài cái tên như: Đạo diễn Tùng Thiện, Hiếu Thảo, Thanh Hùng...!
Thế rồi... cũng qua thời gian và từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ áp lực chương trình, thời lượng v.v... và nhất là sự “chuyển hướng” thị hiếu khán giả “khoái” xem ký sự (nhất là ký sự khám phá) hơn là xem PTL, nên ngoài những loại PTL về đề tài lịch sử, kỷ niệm truyền thống, hoặc phim chân dung... còn sản xuất đều đều, thì thể loại PTL sự kiện, PTL nghệ thuật... gần như rất hiếm xuất hiện. Còn số lượng đạo diễn trực tiếp “đeo nghề” tạm gọi được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, thì tiếc rằng chỉ còn lại đạo diễn Tùng Thiện, Thanh Bình, Hoàng Hậu và Hiếu Thảo mà thôi ...!?
PHIM TÀI LIỆU CÓ CÒN LÀ “XƯƠNG SỐNG”?
Tôi thường hay nói vui với các đồng nghiệp rằng: “Trong tổng thể các chương trình truyền hình (CTTH), nếu được ví CTTH như là một cơ thể con người, thì chương trình Thời sự là bộ mặt đẹp, thông minh, năng động, còn các chuyên mục, chuyên đề là dáng người chuẩn, là thịt da thể hiện tố chất, là sức sống mạnh mẽ. Chưa hết, ngoài ra với các chương trình Gameshow thì có thể được ví như là tính nết tốt, hoặc xấu (hay hoặc dở) của con người vậy! Riêng mảng PTL được xem là “xương sống” của một cơ thể đấy (!?). Tất nhiên, cái sự so sánh ví von như thế sẽ rất khập khễnh nhưng thực tế những người làm báo truyền hình phải hiểu rõ thể loại PTL góp phần quan trọng vào tổng thể các CTTH như thế nào!!??
Tuy nhiên, xu thế chung, Đài nào cũng đang thiếu hụt đội ngũ những người làm truyền hình thực sự “đam mê nghề” viết kịch bản, và làm đạo diễn PTL. Hiện nay, các phóng viên - biên tập viên luôn bị cuốn vào quá nhiều áp lực “chạy tin, chạy chương trình”, thì còn đâu thời gian để học, nghiên cứu, chiêm nghiệm và tư duy cho đề tài PTL(!?) Do vậy, giải pháp chỉ có thể trông cậy vào sự định hướng, tạo điều kiện và có sự khích lệ để truyền lửa đam mê cho những người trẻ, có năng khiếu.
Suy cho cùng, nếu muốn “dấn thân” làm thể loại PTL không khó, chỉ cần xác định rằng: Đó là câu chuyện giữa con người với con người, được kể lại bằng hình ảnh. Các đồng nghiệp trẻ đều có thể làm được PTL, nhưng điều quan trọng nhất của một đạo diễn PTL, là cần lắm một tấm lòng yêu nghề, có cái tâm trong sáng và thực sự đam mê thì chắc chắn cái “thiên chức” của PTL sẽ luôn luôn được thể hiện, luôn được chạm đến những vấn đề mà xã hội và mọi người quan tâm, hay những vấn đề mang ý nghĩa sâu sắc từ cuộc sống... thì đó sẽ là câu chuyện và cũng là những thông điệp của PTL.