"Báo chí luôn phải công tâm, khách quan, chuyên nghiệp và chính trực"

Thứ hai - 12/07/2021 03:11
Đó là chia sẻ của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam tại diễn đàn “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi” và “Lễ phát động Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh” vừa diễn ra ngày 8/7.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là công cụ hữu hiệu để cổ vũ, biểu dương và bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân tư vấn giúp doanh nhân cải thiện, nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu văn hóa doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, báo chí đã trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả nhất trong việc phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân giúp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động kinh doanh.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cũng cho rằng: Khi dịch bệnh xảy ra, báo chí và doanh nghiệp cần bắt tay, thực sự đồng hành hơn nữa. Báo chí cần cung cấp đầy đủ, chính xác về chủ trương chính sách của Nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. Đây không chỉ là thông tin một chiều mà còn là thông tin mang tính chất phản biện trong quá trình xây dựng, thực hiện chủ trương chính sách… để từ đó có điều chỉnh phù hợp.

“Vì thời điểm này không có gì đứng yên, có những sự việc năm trước chúng ta cho là tiêu chuẩn thì bây giờ chưa chắc đã phải như vậy. Tất cả mọi thứ cần đặt trong tình trạng “động” để có những phản ứng linh hoạt, kịp thời”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

111
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực hội nhà báo Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn.

Hơn lúc nào hết, báo chí có trách nhiệm cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường, xu hướng đầu tư để doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội, điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong thời điểm Covid. Cũng theo lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lúc này những tấm gương vượt khó, những cách làm hay, đòi hỏi báo chí cần tiếp cận và nêu gương. Những tấm gương này chắc chắn trở thành kinh nghiệm tốt của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp khác học hỏi để vượt qua khó khăn, như cách thức làm marketing mới, cách bán hàng mới, cách thức tổ chức sản xuất trong điều kiện Covid… Bên cạnh những mặt tốt, những sai phạm, thiếu sót như trốn thuế, hàng giả hàng nhái, những thủ đoạn gây bất ổn, rối loạn cho thị trường, những điểm nghẽn làm hại doanh nghiệp… báo chí cũng cần vạch ra để khắc phục.

Trong bối cảnh hiện nay, theo nhà Hồ Quang Lợi, báo chí cần đảm bảo 2 yêu cầu quan trọng trong tác nghiệp: tính chính xác và kịp thời.

Trên thực tế, trong thời đại công nghệ 4.0, có nhiều cơ quan báo chí bị hối thúc quá mức để trở thành người số 1 trong việc đưa tin. Cho nên, đôi khi có thiếu sót, thậm chí có những sai lầm trong cung cấp thông tin ra xã hội. Đó là những thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu xác thực làm tổn hại lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.

111
Diễn đàn “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi” và “Lễ phát động Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”.

“Tôi cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số vấn đề sống còn với báo chí là phải cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy nhất. Chúng ta không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng phải vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức của những người làm báo. Chắc chắn, độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại kỹ thuật số”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo cũng chia sẻ hiện tượng đã xảy ra nhiều năm nay trong mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp. Đó là sự e dè, ngại ngùng và xa lánh báo chí. Bên cạnh đó, có tình trạng báo chí và doanh nghiệp bắt tay nhau theo lợi ích nhóm để đánh bóng thương hiệu, dùng báo chí làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp khác. Thậm chí che đậy sai phạm. Đây là những hiện tượng tai hại cần phải tránh, phải khắc phục. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Hội Nhà báo khuyến nghị, cần xây dựng mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên tinh thần chân thành, thông cảm, chia sẻ. Báo chí phải công tâm, khách quan và hoạt động phải chuyên nghiệp, chính trực, đặc biệt không vụ lợi. Trong thời đại công nghệ số, báo chí và doanh nghiệp càng cần hợp tác chặt chẽ hơn.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, diễn giả, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và các lãnh đạo báo chí chia sẻ những quan điểm, vai trò của báo chí và doanh nghiệp trong quá trình phát triển; đồng thời nêu lên những quan điểm, góc nhìn và đề xuất những giải pháp để tạo sự đồng thuận đồng hành chung sức vì lợi ích chung của doanh nghiệp và báo chí.

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh (lần thứ IX). Bài viết dự thi là tác phẩm đã được đăng chính thức trên các phương tiện báo in và báo điện tử từ ngày 13/10/2020 đến ngày 15/9/2021. Bài viết phải phản ánh được những chuyển biến, vướng mắc về môi trường kinh doanh nói chung và những cải cách kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện; phản ánh trung thực đời sống của doanh nghiệp, doanh nhân; thông tin chính xác và kịp thời và chân thực về cuộc sống, cách thức kinh doanh, kinh nghiệm của doanh nhân, doanh nghiệp.

Giải thưởng gồm: 01 giải A 20 triệu đồng + hiện vật; 02 giải B mỗi giải 10 triệu đồng + hiện vật; 03 giải C mỗi giải 5 triệu đồng + hiện vật; 05 giải Khuyến khích mỗi giải 2 triệu đồng + hiện vật.

 

Theo PV/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây