Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên, biên tập viên dù ở mảng nào cũng cần thêm “chút liều” để có được thông tin hay hình ảnh đắt giá phục vụ cho tác phẩm của mình.
Tôi còn nhớ, mùa khô năm ngoái khi cùng các phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông đến một số khu vực sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Krông Nô. Đoàn đi khá nhanh qua các điểm sạt lở dọc sông Krông Nô nên anh bạn quay phim rất vất vả để vừa bảo đảm hình ảnh vừa kịp với đoàn. Tại một điểm sạt lở khá nguy hiểm gần với một trạm bơm nước anh đã theo ống bơm đi từ trên xuống gần chân ống bơm phía dưới sông. Nhìn anh vác cái máy quay khá nặng, chân máy cồng kềnh lại phải di chuyển trên cái ống bơm nước bằng sắt tròn tròn, nhiều người trong đoàn hô lên “sao liều thế, té xuống sông luôn bây giờ”. Khi đã xong cảnh quay, trở lại trên bờ, anh mới phân trần vì một phần của điểm sạt lở nếu đứng xa thì bị che khuất nên phải liều để có hình ảnh đắt giá.
Lần khác, một phóng viên nữ của Báo Đắk Nông đi cùng đoàn kiểm tra của ngành chức năng tại công trình thủy điện bị kẹt van xả đập tràn. Tại cửa tràn có những khúc gỗ nhỏ bị vướng lại, nếu chỉ đứng đằng xa thì nhìn không rõ giữa dòng nước chảy. Do đó, phóng viên này đã đi trên một thanh sắt chắn ngang đến khoảng giữa cửa xả để chụp cận cảnh. Đến khi quay lại chị đã bị đội ngũ kỹ thuật của đơn vị và nhiều người trong đoàn mắng xối xả. Bởi chỉ cần một bước hụt chân thì chắc chắn sẽ bị rơi xuống cửa xả. Lúc đó thì có lẽ không ai dám liều mình nhảy xuống dòng nước cuồn cuộn để cứu chị. Sau này tôi theo dõi bài báo của phóng viên này so sánh với gần chục tờ báo khác thì quả đúng cô có được bức “ảnh độc” mà không có phóng viên tờ báo nào có được.
Đó là chưa kể, lần tôi có dịp trò chuyện với một anh phóng viên làm mảng điều tra. Để có được tác phẩm hay với những dẫn chứng sát thực nhất, anh đã phải cải trang, hóa thân để vào chính nơi xảy ra sự việc. Anh đối mặt với nhiều nguy hiểm, nếu không cẩn thận có thể bị những đối tượng xấu hành hung, thậm chí là bị giết.
Thế đó, mỗi phóng viên, biên tập viên, nhiều lúc vì đam mê với nghề nghiệp mà phải có đôi chút liều, đánh đổi sự an toàn của bản thân. Sự liều của họ được đền đáp xứng đáng bằng những chi tiết, nội dung báo chí chân thực, thời sự, phản ánh đúng bản chất sự việc, được bạn đọc đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nên cân nhắc kỹ, nhất là khi tác nghiệp trong các sự kiện có tính nguy hiểm như thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, cháy nổ. Phóng viên khi tác nghiệp trước tiên phải nghĩ đến bảo đảm an toàn cho mình và những người đi cùng.