Trong gần 40 năm gắn bó với nghề làm báo, có rất nhiều sự việc, sự kiện liên quan đến nghề nghiệp mà đến tận bây giờ vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi. Bài học đầu tiên khi tôi mới bước chân vào nghề ở báo Thanh Hóa là việc chọn lọc và sử dụng tư liệu cho một bản tin. Hồi đó, tôi được phân công tới dự và đưa tin về cuộc họp tổng kết phong trào xây dựng điển hình tiên tiến của ngành nông nghiệp tỉnh. Tôi về cặm cụi viết liền một mạch, dài gần 4 trang viết tay, rồi háo hức cầm lên nộp cho tòa soạn. Thư ký tòa soạn lúc bấy giờ là bác Lê Nghĩa, vui vẻ đón nhận bài viết của tôi, xem qua rồi nói: “Sao tin mà viết dài quá vậy? Thôi được, để đây bác xem rồi sẽ trao đổi lại với cháu”. Tôi cảm ơn bác rồi về phòng ngồi đợi. Gần cuối giờ chiều, bác gọi tôi lên phòng tòa soạn, đưa lại bản thảo đã biên tập, bảo tôi “vui lòng chép lại, để kịp làm makét cho số báo ra ngày mai”. Cầm lại bản thảo, tôi không tin vào mắt mình: bản tin gần như chuyển thành màu đỏ của ngòi bứt biên tập, lại bị cắt bỏ đến 2/3. Tôi rất buồn, nhưng cũng đành ngồi chép lại và chuyển cho tòa soạn. Sáng hôm sau, đón tờ báo phát hành, bản tin ký tên tôi được in trang nhất. Cầm tờ báo lên xem, tôi vừa vui vừa buồn. Đúng lúc ấy, bác Lê Nghĩa đã gặp và trao đổi với tôi, bác ôn tồn nói: “Viết báo khác viết văn, là phóng viên mới, cháu phải tranh thủ đọc thật nhiều và chịu khó học tập các anh chị đi trước. Nguyên tắc của viết tin là phải thật ngắn gọn, phải biết khai thác, chọn lọc và sử dụng tài liệu sao cho thật hiệu quả. Rồi bác lấy bản tin của tôi ra phân tích để làm ví dụ, tôi chăm chú lắng nghe và coi như đó là bài học bổ ích đầu tiên trong đời làm báo. Một thời gian sau, tôi viết bài báo “Mấy ghi nhận về hiệu quả trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở huyện Triệu Sơn” rồi đưa nhờ bác Thư ký tòa soạn đọc và góp ý. Bác đọc ngay và hỏi lại tôi: “Cháu có tư liệu về sản xuất nông nghiệp của huyện này từ những năm trước đây không?” Tôi đáp: “Dạ, cháu có, nhưng không đầy đủ lắm”. Nghe tôi nói vậy, bác liền lấy quyển sổ ghi chép của mình và cung cấp cho tôi những số liệu tổng hợp kết quả sản xuất của huyện Triệu Sơn từ nhiều năm trước và khuyên tôi rằng: “Cháu nên xem kỹ các số liệu bác đã ghi trong quyển sổ này (đây là số liệu chính xác) và chọn kết quả của một vài mốc thời gian trước đó, so sánh với kết quả hiện nay, sẽ thấy rõ hiệu quả như thế nào trong quá trình sản xuất của địa phương này. Những con số mang tính chất tư liệu đó sẽ nói thay tất cả”.
Tôi mượn quyển sổ ghi chép của bác Lê Nghĩa về xem kỹ các tư liệu, số liệu mà bác đã dày công ghi chép từ nhiều năm trước và nhận ra một điều quan trọng rằng: Tư liệu chính là “kho báu” của người làm báo. Điều đó, càng được xác lập một cách khoa học qua các giáo trình nghiệp vụ trong những năm tôi theo học tại khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Nhưng phải ghi nhận rằng: từ khi được xem quyển sổ ghi chép tư liệu của bác Lê Nghĩa, tôi luôn có ý thức chăm chỉ sưu tầm, ghi chép, tích lũy những tư liệu cần thiết cho công việc của mình từ các nguồn thông tin trên báo chí, sách vở, tài liệu và trong cuộc sống. Nhờ thế, suốt hơn chục năm làm phóng viên tại Báo Thanh Hóa và hơn hai chục năm làm việc tại Báo Đồng Nai, tôi luôn chủ động sưu tầm, ghi chép, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu phong phú của mình cho công việc phóng viên. Những năm sau này, việc sưu tầm và lưu giữ tư liệu còn được thực hiện thông qua hệ thống máy tính, mạng internet, các nguồn xã hội khác, nhưng sổ tay ghi chép vẫn là một cách thông dụng và cần thiết đối với người làm báo.
Làm sống lại nguồn tư liệu cũ
Sau khi nghỉ hưu từ Báo Đồng Nai, tôi chuyển sang hoạt động công tác khuyến học và tham gia sáng tác văn học nghệ thuật rồi trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Tôi đã làm thơ và viết bút ký văn học nên lại có cơ hội làm sống lại nguồn tư liệu cũ, tích lũy từ thời làm báo. Bài bút ký “Khóc với người dưng” đăng trên tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, đã được tặng thưởng giải Ba trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Đồng Nai 30 năm đổi mới”(năm 2017). Nhân vật chính trong bút ký là Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến Vũ Ngọc Thuần, một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu nhiều năm tại vùng rừng núi chiến khu Ð. Ông Thuần là người sáng lập, “đứng mũi chịu sào” góp phần quan trọng đưa công ty từ một xí nghiệp nhỏ, đứng trước bờ vực phá sản trở thành công ty có quy mô lớn sản xuất ngày càng phát triển với hơn 3.500 công nhân, làm ra sản phẩm may mặc xuất khẩu có giá trị, thu nhiều ngoại tệ cho doanh nghiệp, không ngừng cải thiện đời sống người lao động. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tập thể CB-CNV của công ty đã trở thành đơn vị điển hình tiên tiến trong toàn ngành dệt may cả nước, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đặc biệt nổi trội là thành tích hoạt động từ thiện nhân đạo mà Tổng giám đốc Vũ Ngọc Thuần là người đi đầu trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Dựa vào nguồn tư liệu phong phú được ghi chép cẩn thận từ sổ tay phóng viên, tôi đã viết liền một mạch và hoàn tất bài bút ký hơn 3.000 từ chỉ trong vòng buổi sáng, trong đó, có những tư liệu từng được mắt thấy, tai nghe. Tôi đã ghi chép không sót một chi tiết nào khi được tháp tùng cùng ông về Đắc Lua, vùng miền núi khó khăn của huyện Tân Phú trong những ngày bão lũ, hay hình ảnh ông và tập thể cán bộ công ty về thăm, chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Nhơn Trạch do công ty trực tiếp phụng dưỡng. Rồi cách ông ân cần thăm hỏi tặng tiền, gạo, quần áo cho cháu Trương Đình Luyện, ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu; cháu Đại, ở phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa bị bệnh ung thư; các cháu học sinh khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, người già cả neo đơn ở trại nuôi dưỡng... Tất cả việc làm đó của ông đều với lòng cảm thông sâu sắc và không nén nổi sự xúc động, nhiều lần ông đã khóc…
“Phú Cường ngày ấy, bây giờ” là bút ký tôi viết năm 2018, tham gia cuộc thi chủ đề “Nông nghiệp, nông dân & nông thôn” do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp với sở Nông nghiệp & PTNT Đồng Nai tổ chức và đã đạt giải Nhì. Hầu hết tư liệu trong bài được tôi ghi lại từ những chuyến công tác về xã Phú Cường, huyện Định Quán khi còn là phóng viên của Báo Đồng Nai. Phú Cường ngày ấy còn là xã nghèo nhất, nhì trong tỉnh, nhưng hơn chục năm sau, khi tôi trở lại, bộ mặt của Phú Cường đã rạng rỡ, tươi tắn đúng như tên gọi; trở thành xã đat chuẩn nông thôn mới của huyện Định Quán. Tôi đã mở sổ tay phóng viên để sử dụng tư liệu cũ, làm cứ liệu để so sánh một cách thuyết phục cho bài bút ký của mình. Bài bút ký ấy sau khi đăng trên tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và trong tập sách của tỉnh đã được tập thể Đảng Ủy, UBND xã và nhiều bà con nông dân ở Phú Cường chuyền tay nhau đọc. Đó là phần thưởng ý nghĩa, góp phần khích lệ tôi tiếp tục cầm bút...