Được bạn đọc gửi gắm niềm tin là một niềm hạnh phúc lớn đối với người làm báo. Nhất là khi những oan sai, bất công của người dân được xử lý, giải quyết nhờ thông qua báo chí thì phóng viên, nhà báo lại càng hạnh phúc hơn...
Thời gian qua, Báo Đắk Nông đã nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc gửi đến tòa soạn để phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề. Công việc giải quyết đơn thư bạn đọc thường có nhiều nhạy cảm, khó khăn, phức tạp... Thế nhưng, tập thể lãnh đạo, phóng viên được phân công nhiệm vụ vẫn luôn nỗ lực, công tâm, khách quan giải quyết, xử lý đơn thư, đáp lại niềm tin mà người dân đã gửi gắm..
Giữa tháng 4/2019, người thân bà Phạm Thị Điệp, trú tại thôn Châu Thành, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), đã trực tiếp đến tòa soạn của Báo Đắk Nông để phản ánh có một nhóm thanh niên đánh đập bà Điệp đa chấn thương.
Nhận được tin báo trình bày sự việc, lãnh đạo Báo Đắk Nông đã nhanh chóng phân công phóng viên liên hệ với chính quyền cấp cơ sở, nạn nhân để xác minh nội dung vụ việc.
Kết quả tìm hiểu vụ việc cho thấy, bà Nguyễn Thị Năm, ở huyện Đắk R’lấp, trực tiếp dẫn theo khoảng 10 đối tượng thanh niên xăm trổ mang dây thép gai đến rào bao quanh 2 ha đất của bà Điệp.
Các đối tượng này còn nhặt điều đem bán, dựng một căn nhà nhỏ và tổ chức ăn nhậu ngay tại khu đất của bà Điệp. Chưa dừng lại ở đó, ngày 9/4/2019, nhóm người nói trên lại tiếp tục tìm đến đánh đập bà Điệp, khiến bà Điệp bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R'lấp...
Đối với vụ việc này, phóng viên Báo Đắk Nông đã nhanh chóng xác minh đa chiều các nguồn thông tin, từ Công an xã Đắk Ru, chính quyền UBND xã Đắk Ru cho đến Công an huyện Đắk R’lấp...
Khi có đủ thông tin, phóng viên nhanh chóng viết bài và đăng tải lên mặt báo. Từ thông tin phản ánh của Báo Đắk Nông, lực lượng Công an huyện Đắk R’lấp đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ.
Không lâu sau, Công an huyện Đắk R’lấp đã củng cố hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Năm (Năm “Lâm”) và chồng là Nguyễn Văn Thanh, trú tại tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Vừa hay tin cơ quan điều tra đã xử lý vụ việc, người nhà bà Phạm Thị Điệp đã gọi điện thông báo cho phóng viên Báo Đắk Nông. Họ rất vui mừng và cảm ơn Báo Đắk Nông đã đồng hành cùng họ trong những phút giây khó khăn, bị giang hồ vây đánh.
Gia đình bà Điệp đặc biệt cảm kích trước hoàn cảnh như vậy, nhưng phóng viên vẫn không suy nghĩ đến việc bảo đảm an toàn cho bản thân và đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh vụ việc.
Không riêng gì vụ việc này, hàng năm, Báo Đắk Nông tiếp nhận hàng trăm đơn thư, ý kiến phản ánh của người dân chuyển đến. Trong đó có nhiều đơn thư phản ánh về những sự việc phức tạp xẩy ra ở cơ sở.
Người viết đơn thư đa phần là công dân bình thường, có việc bức xúc chưa được giải quyết thấu đáo tại cơ sở, nên tìm đến Báo nhờ lên tiếng bảo vệ quyền lợi.
Thời gian qua, để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lốicủa Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt chức năng phản biện xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân, Báo Đắk Nông đã luôn lắng nghe người dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng.
Khi tiếp nhận đơn thư, ý kiến phản ánh, Báo Đắk Nông đã cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để tìm hiểu sự việc toàn diện, thấu đáo, từ đó tham mưu, giải quyết một cách khách quan, chính xác, hiệu quả.
Công việc giải quyết đơn thư bạn đọc phức tạp, nhạy cảm là vậy. Thế nhưng, sau mỗi vụ việc được sáng tỏ, công lý được thực thi, mỗi người làm báo đều cảm thấy hạnh phúc. Lúc này, phóng viên cũng nhanh chóng quên đi những gian nan, vất vả, nguy hiểm, có thêm động lực để gắn bó với nghề. Mặt khác, điều mà phóng viên vui nhất là khi đón nhận những lời cảm ơn, thông tin tích cực từ phía bạn đọc hay của cơ quan chức năng thông báo đã giải quyết thấu tình, đạt lý các vụ việc, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân...