Kỷ niệm nghề báo: Ký ức Trường Sa

Thứ sáu - 07/05/2021 15:01
                                                          Ghi chép của Nguyễn Viết Hiện
 
Cuối năm 2015 tôi và nhà báo Hoàng Công Sướng ( Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên) rất may mắn được đến Trường Sa, nơi những đảo xa tiền tiêu của Tổ quốc, ngày đêm những người lính trẻ phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt bão gió và kẻ thù luôn rình rập để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển  đảo của Tổ quốc thiêng liêng và trong chuyến đi thú vị này tôi được trải nghiệm cùng bộ đội câu cá đêm trên biển, xem hoa bàng vuông nở ban đêm, cùng lính đảo trồng rau… Kỉ niệm những ngày ấy còn nguyên vẹn trong tôi.

Câu cá đêm trên biển Trường Sa

Con tàu HQ 936 của Hải quân vùng 4 hú 3 hồi còi vang rền  báo hiệu cho các tàu bạn và quân dân vùng quân cảng Cam Ranh là được lệnh rẽ sóng ra khơi . Từ trên bờ hàng nghìn cánh tay và những bó hoa tươi của những đồng đội và những người thân đưa tiễn vẫy vẫy. Những hình bóng thân quen xa dần, bây giờ trên bong tàu chỉ còn lại những người lính và thủy thủ của tàu. Tiếng cười nói râm ran, những gương mặt đượm buồn của những người lính trẻ lần đầu tiên phải xa gia đình, người thân, bạn bè, người yêu để đi làm nhiệm vụ thiêng liêng cuả Tổ quốc. Tàu đi với tốc độ khoảng 6 hải lý một giờ và ra khơi trong một thời điểm hết sức thuận lợi, đó là trời yên, biển lặng. Thượng tá, Đảo Giang Hải, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Hải quân vùng 4 nói với tôi :

- Tôi đã đi biển hàng chục năm nay, kinh nghiệm vào mùa này (dịp cuối năm) thời tiết trên biển mà sóng yên , biển lặng là hiếm lắm. Hầu hết là dịp cuối năm, Trường Sa vào mùa biển động, có đoàn công tác phải neo đậu hàng tháng trời để tránh bão mới cập được đảo. Đúng như lời anh nói, sóng biển rất êm, gió chỉ độ cấp ba, cấp bốn nên đi trên con tàu có trọng tải hơn hai vạn tấn, cảm giác của tôi là như đi trên du thuyền. Đêm đầu tiên trên biển Trường Sa, tôi nằm thao thức không ngủ được, hết dậy uống trà, hút thuốc lá vặt rồi lại lên boong tàu ngắm sao trời và trò chuyện với bộ đội. Thú vị nhất trong chuyến đi dài ngày này là cùng bộ đội câu cá đêm trên biển. Ở vùng biển Trường Sa có rất nhiều cá như các loài cá thu phấn, thu bè, cá lượng, cá hồng, cá mú, cá mập, cá ngừ… và các đảo ngầm mới là nơi trú ngụ của muôn loài cá vì các loài cá rất ưa sinh sống và kiếm ăn ở những rạn san hô . Điểm đảo đầu tiên chúng tôi đến là đảo Đá Lớn. Cách đảo chừng 2 hải lý là tàu phải neo lại để sáng hôm sau mới xuống xuồng cập đảo. Khi tàu neo lại là bộ đội rộn ràng chuẩn bị câu đêm. Để chuẩn bị cho một đêm câu thành công thì những “cần thủ” phải chuẩn bị chu đáo từ dây câu, đến mồi câu và phải thả câu xuôi theo dòng nước với độ sâu từ 80 đến 100 mét thì mới có cá to. Để có mồi câu cũng không dễ, khoảng 7 giờ tối, bộ đội ta mắc đèn pha, thắp điện rực sáng hai bên thành tàu để bắt mồi câu. Thấy ánh sáng, những chú cá mực lao đến, những đàn cá chuồn phấn khích bay cả lên boong tàu, những “cần thủ” chỉ việc dùng vợt xúc hoặc tóm lấy những chú cá chuồn trên boong làm mồi câu. Người xem câu đông nghịt, thỉnh thoảng lại có tiếng hô : Lên rồi, lên rồi! Đó là những chú cá thu phấn , thu bè nặng cả chục cân, còn con nhỏ nhất cũng vài cân. Tuy thế không phải ai cũng có duyên, có người trong một đêm câu được vài chục cân, có người chẳng được con nào. Mỗi khi ai có cá mắc câu thì mọi người xung quanh hồi hộp theo dõi và trợ giúp, người cùng kéo cá lên, người thì chuẩn bị chiếc mấu ( một đoạn gậy dài tầm 3mét có gắn thanh thép nhọn hơi cong) để khi cá to vừa lên mặt nước là xiên và kéo lên boong tàu. Có đêm cả tàu câu được tới vài tạ cá. Nhưng thú vị nhất là có loài cá lượng vàng và cá hồng, cá mú cứ kéo  lên mặt biển là chết “lâm sàng” do thay đổi áp suất không khí nên nếu có tuột khỏi lưỡi câu thì bộ đội vẫn vớt được. Những đêm thu hoach thắng lợi, ngoài bổ sung cho bữa ăn trên tàu, số còn lại đều được cấp đông , đem tặng các đảo và gửi về làm quà cho người thân nơi đất liền… Ngoài câu đêm, để tăng gia cải thiện bữa ăn, bộ đội các đảo chìm còn tranh thủ đánh bắt cá. Đánh cá trên đảo san hô cũng khác với đánh bắt cá thông thường. Đó là sáng sáng khi thủy triều xuống, bãi đá san hô còn độ sâu khoảng hơn 1 m nước, khoảng 5, 6 chiến sĩ dàn đều đội hình lùa cá về phía lưới đã rải sẵn ở phía trước. Vì nước biển trong có thể nhìn thấy rõ từng chú cá nên cả đội hình phải  dàn đều và đuổi cá vào lưới, khi đến gần lưới thì nhất loạt chạy thật nhanh để không chú cá nào thoát khỏi. Vì đánh cá ở những rạn san hô nên người đánh cá phải mặc quần dài rất dày và đi dày cao cổ để không bị thương do đá san hô cứa. Nếu hôm nào nhiều cá thì chỉ vài mẻ lưới là được vài tạ, những chú các bò bọc thép, cá hồng, cá thu phấn cỡ dăm bảy cân là nguồn bổ sung vào các bữa ăn tươi cho bộ đội. Rau xanh, cá biển do bàn tay, mồ hôi công sức của những người lính đảo vừa góp phần cải thiện đời sống chiến sĩ vừa  là phương pháp rèn luyện , giáo dục chiến sĩ tình yêu lao động, thích nghi với cuộc sống để bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương…

Hoa quỳnh” Trường Sa

Ai đã đến Trường Sa một lần thì mãi khắc ghi hình ảnh một vùng biển trời mênh mông chỉ có sóng và gió, những trận bão biển kinh hoàng làm những con sóng to cao tới hàng chục mét có thể lật úp tàu, thuyền, gió biển táp suốt ngày mang theo hơi muối mặn chát…ấy vậy mà trên khắp các đảo nổi ở Trường Sa vẫn tồn tại một màu xanh mát mắt để che chắn bão gió và những người lính giữ đảo lại quây quần bên nhau đọc sách, chơi bóng chuyền, bóng đá và nghỉ ngơi sau những giờ luyện tập…Màu xanh thân thương ấy là những cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp và cây tra như một phần cuộc sống nơi này. Khi vừa đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông chúng tôi được các chiến sĩ mời đến bàn uống nước đặt dưới tán cây một cây bàng vuông vài chục năm tuổi che mát cả một khoảng sân rộng lớn. Trung tá, Lê Ngọc Dũng, chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Những người đi biển hay gọi Trường Sa là quần đảo của bão tố vì nơi này hay sinh ra bão, chỉ có mấy loài cây là sống được, bám trụ kiên cường như những người lính biển đó là cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp và sau này thêm 2 loài cây mới thích ứng được thời tiết, khí hậu nơi này đó là cây tra, cây mù u. Cây bàng vuông giống như bàng trong đất liền nhưng lá dày và dài hơn lá bàng thường. Mặc dù trong thời tiết khắc nghiệt nhưng cây vẫn phát triển tốt và đặc biệt loài cây này nở hoa rất đẹp. Hoa bàng vuông nở vào dịp cuối năm hay trùng vào dịp Tết Nguyên đán và chỉ nở vào ban đêm từ 11 h đến 2 giờ sáng. Những người lính đảo tự hào đặt cho nó cái tên mới rất mộng mơ là : Hoa quỳnh Trường Sa ! Thật cảm động giữa vùng biển bao la sóng gió này, những người lính trẻ ban ngày đi gác, luyện tập nhưng đêm đến có những chàng lính trẻ rủ nhau đi “rình” xem hoa bàng vuông nở ban đêm. Hoa bàng vuông khi mới nở trông giống như bông sen hồng, bốn cánh hoa nở bung ra bên trong có hàng trăm ngụy hoa tim tím có mùi thơm dịu ngọt và những dịp văn công đến đảo biểu diễn văn nghệ thì những chùm hoa bàng vuông sẽ là tặng phẩm duy nhất ở nơi này của người lính biển gửi người đất liền. Ngoài cây bàng vuông là biểu tượng của Trường sa thì các cây phong ba, bão táp, mù u, cây tra cũng góp phần đáng kể phủ xanh diện tích ở các đảo lớn nhỏ nơi này. Trừ những đảo chìm là không có cây xanh còn ở những đảo nổi, đâu đâu cũng có những loại cây trên. Cây phong ba có thân rất cao lá rất nhỏ  và dày để chứa nước, còn cây bão táp, cây mù u thì mảnh mai , xum xuê , đặc biệt hoa mù u có mùi thơm dịu ngọt ngan ngát như hoa sữa. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về những người lính Trường Sa lại cắt những nhánh mù u  để làm những cây quất đón tết. Còn loài cây tra mới được đưa ra đảo trồng độ chục năm nay, loài cây này chịu được thời tiết khắc nghiệt như khô nóng, bão gió. Lính đảo Trường sa rất khoái dùng lá tra non để cuốn với thịt lợn chấm nước mắm vì lá tra non có vị chát chát , chua chua và giúp cơ thể cân bằng tiêu hóa…

Công nghệ trồng rau sạch trên đảo chìm 
Có một nhà thơ khi ra Trường Sa đã viết:

Ngắm rặng mồng tơi nghe gà cục tác
Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở trường tồn…

Câu thơ đó ca ngợi sự kiên cường của những chiến sĩ nơi ngọn sóng tiền tiêu của Tổ quốc. Và thật kỳ diệu ở những đảo chìm , đảo nổi những người lính Trường Sa phải đối phó với thời tiết khắc nghiệt của bão gió, một năm có tới 8-9 tháng không mưa nên nước ngọt nơi này quý giá biết chừng nào. Mà đã thiếu nước ngọt là đồng nghĩa với thiếu rau xanh. Ấy vậy mà việc trồng rau xanh, tăng gia sản xuất như nuôi lợn, gà, vịt, đánh bắt cá ở nơi này gần như một kỳ tích. Trong một bữa chiêu đãi đoàn công tác tại đảo Đá Lớn chúng tôi thấy gần như có đầy đủ các đĩa hải sản tươi ngon , nào là cá thu phấn, cá bò bọc thép, cá hồng hấp, mực xào, mực luộc, ốc nhảy…bóc khói nghi ngút nhưng mỗi mâm chỉ vẻn vẹn một đĩa rau mầm và một bát canh mồng tơi.Trong bữa ăn, bộ đội chỉ gắp lấy lệ một chút rau còn nhường cho khách. Thấy vậy, tôi hỏi chính trị viên Nguyễn Văn Sinh ( vốn là đồng hương Hải Dương), anh thật thà: Ở đây quanh năm chúng em chỉ ăn rau hộp là chính, mỗi năm có 2 chuyến tàu từ đất liền ra tiếp tế cho các đảo rau xanh, lương thực thực phẩm. Rau xanh chủ yếu là bí đao, bí ngô, bí xanh thì các đơn vị phải để dành cho những lúc không tăng gia được. Để bảo đảm có rau xanh trong bữa ăn hàng ngày đơn vị nào tăng gia được rau phải chia đều ra trong tháng và lính đảo vẫn có câu cửa miệng “Quý nước như con, yêu rau như máu”. Có chiến sĩ được nghỉ phép, khi tàu vừa cập đến đất liền đã vào nhà hàng gọi mấy đĩa rau muống luộc ăn cho đã thèm. Trồng rau xanh trên đảo nổi cũng khó, nhưng ở những đảo chìm thì khó khăn gấp bội. Hàng năm cứ mỗi chuyến hàng cập đảo, bộ đội rất hồ hởi nhận được  những bao tải đất, phân vi sinh, con giống để trồng rau. “Công nghệ” trông rau ở những đảo chìm là làm nhà lưới, bộ đội chọn một chỗ kín gió, dựng vách cao độ 2 mét và ghép bất cứ thứ vật liệu gì như bao tải, bìa các tông, tre nứa để tránh gió biển, sau  đó đổ đất lên làm thành luống gieo hạt . Để tiết kiệm nước ngọt, mỗi khi vo gạo, rửa rau hoặc tắm rửa, chiến sĩ ta đều tận dụng nước thải để tưới rau. Hàng ngày, sau những giờ luyện tập căng thẳng, các anh phân công nhau đi chăm sóc rau, người nhổ cỏ, người tưới rau và bắt sâu. Cứ sáng sớm và chiều tối là bộ đội ta chăm chỉ bắt sâu vì thời điểm này các chú sâu bọ thường hay ra ăn. Việc tưới nước cũng phải cẩn thận tỉ mỉ, vừa bảo đảm cung cấp đủ lượng nước cho rau và còn có tác dụng rửa sạch lượng muối biển bám vào mỗi ngày.  Nếu ở các đảo chìm mà gặp những hôm thời tiết xấu hoặc có bão  thì việc quan tâm đầu tiên của các anh là cất hết những thùng xốp, chậu rau vào trong nhà và chằng buộc , gia cố thật chắc cho nhà lưới  vì chỉ sơ xuất một chút thì bao nhiêu công sức của bộ đội ta trôi xuống biển. Nhìn những luống rau mồng tơi, bầu, rau muống, rau sam ngay ngắn, xanh mướt ở các đảo chìm, đảo nổi giữa nơi trời biển mênh mông chỉ có nắng và gió thì mới thấy được sự kì công của những người lính biển và càng cảm nhận câu thơ : “ Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở trường tồn” là sâu sắc…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay3,918
  • Tháng hiện tại131,269
  • Tổng lượt truy cập3,232,024
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây