Phóng viên thường trú vùng cao: Sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của trái tim

Thứ năm - 25/02/2021 10:12

Tác nghiệp ở vùng cao phải đối mặt với nhiều thử thách, mùa hè là cái nóng cháy, mùa đông là lạnh cắt da cắt thịt. Nhưng theo nhà báo Phan Tuấn Anh: “Mỗi nhà báo nên một lần trong đời đi thường trú, bởi bên cạnh sự vất vả còn có niềm vui là sự trải nghiệm và cống hiến”.

Vào lãnh địa vàng thổ phỉ

Làm phóng viên thông thường luôn vất vả vì phải xa nhà, đi nhiều địa bàn miền núi, tuy nhiên khi được giao nhiệm vụ từ Hà Nội lên thường trú tại một tỉnh miền núi nhà báo Phan Tuấn Anh (phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN ở Điện Biên) vẫn nhiệt tình lên đường, dù anh biết rằng khó khăn, các điều kiện tác nghiệp thiếu thốn đang ở phía trước.

Anh Phan Tuấn Anh cho rằng: “Tác nghiệp tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa rất khác biệt với lý thuyết, với bàn giấy, với những cuộc họp báo loanh quanh trong thành phố. Đến với vùng cao là dấn thân trong những vụ cháy rừng, đột kích vào khu vực hoạt động của bọn buôn lậu hay có mặt tại những vùng rốn lũ đem lại cho bạn rất nhiều trải nghiệm, giúp các bạn rút ra những kinh nghiệm quý và càng cảm thấy yêu nghề báo hơn”.

Năm 2017, nhận được thông tin về một khu vực khai thác vàng trái phép ở một xã miền núi, anh và đồng nghiệp đã di chuyển từ thành phố Điện Biên về xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông hơn 70 km. Đến xã rồi, nhưng để đến được mỏ vàng bản Háng Trợ phải đi thêm khoảng 9km nữa, mất 2h đi bộ đường núi, dốc thẳng đứng và phần lớn là những đoạn đường đất trơn trượt không thể di chuyển bằng xe máy.

Ngay khi đến khu mỏ vàng, anh mới nhận thấy quy mô của khu khai thác vàng trái phép này. Những lán trại phủ kín bạt nằm rải rác dưới bãi hoặc vắt vẻo cheo leo ở độ cao khác nhau trên lưng núi. Khu vực này nhìn từ xa như một thung lũng mênh mông với bốn bề trùng điệp những vách núi sừng sững, dựng đứng. Nơi đây có nhiều hố rộng sâu hàng chục mét là điểm trước đây các “phu vàng” đào bới; những cửa hầm hàm ếch sâu hoắm trên vách núi... Sau quá trình vật lộn với gần 1km đường đất dốc, bùn nhão nhoét, anh cũng đến được khu vực khai thác chính, nằm lọt ở giữa mỏ vàng Háng Trợ.

111
Những vách núi dựng đứng bị sạt lở, nứt toác tại mỏ vàng Háng Trợ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Thấy nhiều phu vàng đang khai thác, anh làm quen, bắt chuyện và xin phép được chụp ảnh, quay phim, khai thác nhiều thông tin mới. Theo đó, từ 2008 Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Điện Biên được phép khai thác tại mỏ vàng này với rất nhiều vỉa. Đến năm 2016, khi Công ty này không khai thác ở đây nữa thì tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm tìm về đây để khai thác “chui” khoáng sản, tìm kiếm vận may ngày một nhiều. Hễ có mưa thì lượng người ở các bản tìm về đây nhiều hơn vì khi đó đất đá dễ đào bới. Con suối lại thêm nước, tiện lợi cho việc rửa đá, đãi sa khoáng. Tuy nhiên, thời tiết mưa cũng rất dễ xảy ra sạt lở đất núi, tiềm ẩn những nguy cơ chết người.

Nhà báo Phan Tuấn Anh nhớ lại: “Khi quay trở ra, đi qua một lán trại, chúng tôi “chạm trán” với một số người đàn ông là nhóm người thu mua quặng vàng của người dân. Sau một thời gian dài nói chuyện, thể hiện sự thân mật như người dân sinh sống ở đây chúng tôi mới được “cho qua”. Vẫn biết là trong rừng sâu, ít người dân sinh sống dễ gặp nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn chọn phương án tự đi mà không báo chính quyền, tất cả để đảm bảo mọi thông tin, sự kiện diễn ra đều khách quan chân thực”.

Sau khi trở về cơ quan, anh và đồng nghiệp đã có loạt bài và phóng sự ảnh về “Khai thác vàng “chui” ở Điện Biên: Hiểm họa khôn lường” loại bài đã có tác động tích cực tới các cấp chính quyền. Các điểm thu mua quặng vàng bị đóng cửa, người dân được hướng dẫn không đến khu vực này khai thác để đảm bảo an toàn lao động. Huyện Điện Biên Đông cũng có những đề xuất với tỉnh để trồng cây, phục hồi lại cảnh quan thiên nhiên nơi này.

111
Đường lên các thôn, xã miền núi ở Điện Biên có nhiều dốc thẳng đứng tạo ra thử thách đối cho nhiều phóng viên. Ảnh: NVCC

Loạt phóng sự ảnh “Hiểm họa khôn lường từ khai thác vàng chui” của nhà báo Phan Tuấn Anh sau đó tham dự cuộc thi ảnh, triển lãm “Khoảnh khắc báo chí” do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức. Các bức ảnh được ban tổ chức đánh giá có chất lượng tốt về bố cục, nội dung, sự đầu tư công phu, ban tổ chức lựa chọn vào top 50 giải “Khoảnh khắc Báo chí năm 2018”.

Phóng viên thường trú là đối mặt với nhiều thử thách

Phóng viên thường trú ở các tỉnh miền núi lâu năm sẽ không khác gì người bản địa, họ sẽ dần tiếp xúc và hiểu những phong tục, tập quán của từng dân tộc trên địa bàn. Tiếp xúc với đồng bào dân tộc, bạn sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thật thà và mến khách. Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt khác nhau, với trang phục, văn hóa ẩm thực, lễ hội khác nhau, tạo ra sự phong phú, đa dạng. Đây chính là những chất liệu vô cùng giàu có, hấp dẫn để phóng viên khai thác và tạo ra những tác phẩm báo chí riêng biệt.

Thường trú tại địa bàn vùng núi, bạn phải đi rất nhiều. Đường xa tuy vất vả khó khăn nhưng bù lại được vi vu trên những cung đường đèo núi, lúc lên lúc xuống hay chạy giữa những cánh rừng bạt ngàn cây cối, ngắm nhìn những mảnh ruộng bậc thang có lúa chín vàng cuốn hút, thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào dân tộc sau những ngọn núi đá cao sừng sững.

Điện Biên là tỉnh giao thông rất khó khăn. Một ví dụ nho nhỏ, từ thành phố Điện Biên xuống huyện xa nhất Mường Nhé gần 200km, đi một ngày đường. Từ trung tâm huyện Mường Nhé xuống xã xa nhất Sín Thầu khoảng 70km, đi mất vài giờ đồng hồ. Từ xã Sín Thầu vào các bản vùng cao hầu như phải đi bộ, leo trèo. Đó là những thử thách mà phóng viên thường trú gặp phải.

111
Nhà báo Phan Tuấn Anh - phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN ở Điện Biên đi tác nghiệp sạt lở tại huyện Nậm Pồ. Ảnh: NVCC

Tháng 8 năm 2017, huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, phải gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Những trận mưa lớn kéo dài làm xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở khiến các tuyến đường huyết mạch, độc đạo trên địa bàn huyện bị chia cắt. Nhà báo Phan Tuấn Anh nhớ lại: “Nhận được thông tin về sạt lở sáng hôm đó, 3 anh em “phi” vào luôn, vội vàng đi đưa tin nên cũng chỉ có thiết bị tác nghiệp, không chuẩn bị quần áo gì, đi xe máy mất 150km, hết cả buổi sáng mới vào tới điểm sạt lở, chúng tôi tranh thủ phỏng vấn người dân về tình hình thiệt hại, việc đi lại, sinh hoạt ra sao”.

Phóng viên miền núi, để có được những bài viết hay, hình ảnh sinh động, phóng viên phải xuống cơ sở, vào các bản vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc, tìm hiểu tập quán sinh hoạt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Đường vào các thôn bản quanh co, hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Có những con đường chỉ là lối đi chăn thả trâu bò, khúc khuỷu.

Phóng viên miền núi khi đi tác nghiệp khu vực biên giới thường sẽ phải ở lại, không thể về trong ngày. Đường xa, hành lý mang theo cũng đến hai, ba chục kg với máy ảnh, máy quay, máy tính xách tay… để phục vụ tốt cho vai trò phóng viên đa năng, đa phương tiện.

Có đi làm ở những vùng sâu vùng xa mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, khổ cực của bà con dân tộc. Ở lại, sinh hoạt cùng với đồng bào nhiều phóng viên càng thêm đồng cảm với cuộc sống của bà con, những khó khăn thiếu thốn hàng ngày họ gặp phải. Đó là câu chuyện về những chiếc bụng đói của những đứa trẻ, về kế sinh nhai cho đồng bào…

111
Nhà báo Phan Tuấn Anh tranh thủ phỏng vấn người dân về thiệt hại sau sạt lở. Ảnh: NVCC

Trong nhiều năm qua, nhà báo Phan Tuấn Anh cùng với đồng nghiệp Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Điện Biên luôn hướng đến việc tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc. Không chỉ tuyên truyền về những khó khăn của đồng bào gặp phải, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam còn tích cực tuyên truyền về những mô hình hay trong phát triển kinh tế, đưa các cây, con giống thích hợp vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ kinh nghiệm về nghề, nhà báo Phan Tuấn Anh chia sẻ: “Để tác nghiệp tốt, phóng viên cần trang bị cho mình một vốn kiến thức cơ bản để sống sót nơi núi rừng, từ việc đánh dấu để khỏi bị lạc rừng đến việc nhận biết loại rau rừng an toàn, cách lấy nước uống từ các dây rừng. Ngoài đồ nghề tác nghiệp như máy quay, máy ảnh, máy tính xách tay, thẻ 3G, 4G… phóng viên phải mang theo bộ đồ sửa xe cơ bản, dao, bật lửa, lương khô… Nếu đi tác nghiệp mưa lũ còn cần phải mang theo áo phao và áo mưa che cho máy ảnh, máy quay khi tác nghiệp”.

Đi nhiều nơi, nhà báo Phan Tuấn Anh đã in dấu chân của mình ở nhiều bản làng xa xôi, nhiều đèo dốc, nhiều con suối… Mỗi chuyến đi đối với anh là mỗi kỷ niệm và biết thêm kiến thức để rồi trưởng thành hơn trong hành trình làm nghề của người làm báo.
 

Theo Nguyễn Phong/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây