Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường: Ảnh báo chí ở thời kỳ nào cũng cần nhất tính hiện thực khách quan

Thứ hai - 22/02/2021 09:43
Trải qua hàng chục năm làm nghề phóng viên ảnh, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường vẫn tâm huyết, luôn giữ niềm đam mê với nghề. Theo ông, “Người làm báo ảnh ở thời kỳ nào đi nữa điều quan trọng nhất là tôn trọng hiện thực khách quan”.

Trưởng thành trong gian khó

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Mạnh Thường sinh năm 1938, tại Lệ Thủy - Quảng Bình, vốn là học sinh Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, được Nhà nước cử sang CHDC Đức học về nhiếp ảnh. Về nước ông công tác tại xưởng phim đèn chiếu, sau về làm việc ở nhà xuất bản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong thời kỳ chống Mỹ, nhà xuất bản Văn hóa có một bộ phận là phòng phóng viên, có nhiệm vụ chụp ảnh, làm tư liệu. Từ năm 1967 ông được cơ quan giao nhiệm vụ vào chiến trường từ Thanh Hóa và đến Quảng Bình để chụp ảnh.

Quãng thời gian từ năm 1967 – 1968 ông có nhiều bước ảnh về chiến sự, nói lên tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta, ngoài ra ông còn có nhiều ảnh về lao động sản xuất. Nhiều bộ ảnh nói về tinh thần thi đua lao động sản xuất, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vì miền Nam ruột thịt, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.

111
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường kể cho phóng viên báo Nhà báo và Công luận
nghe về những bức ảnh ông chụp và sưu tầm.

Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường nhớ lại, “Thời kỳ đó chụp bằng máy phim đen trắng, máy ảnh cũng ít chức năng, chụp xong một bức ảnh sẽ không biết được bức ảnh đó có bị hỏng hay không, chỉ sau khi mang về cơ quan bỏ phim trong buồng tối mới phân loại được cái nào hỏng cái nào không bị hỏng, số lượng ảnh được cơ quan chọn trong tổng số kiểu trong cuốn phim sẽ được cơ quan đánh giá hoàn thành nhiệm vụ tốt hay khá. Như một cuốn phim có 36 kiểu ảnh, mà chỉ chụp được 10 kiểu là thành tích của mình kém rồi, phim cơ quan cấp không dám sử dụng vào việc riêng”.

Người làm báo ảnh thời chiến chụp ảnh luôn có tâm trạng hồi hộp, không biết mình đã chụp được khoảnh khắc đó chưa, mang phim về bỏ ra xem lúc đó mới biết. Đã có nhiều phóng viên chiến trường chụp về đen thui, vì máy ngày đó không có chức năng tính ánh sáng để có thể điều chỉnh, đo bằng mắt.

Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường chia sẻ “Người chụp ảnh phải có kinh nghiệm sử dụng máy, biết được khẩu độ, tốc độ, khuôn hình…sẽ hạn chế được ảnh hỏng”

Hết chống Mỹ, những năm sau đó ông lại cùng lực lượng quân đội thực hiện tổng phản công, cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng. Những bức ảnh mang tính thời sự của ông lại tiếp tục khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng. Đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.

Mỗi chiến trường, mỗi nơi tác nghiệp ông đều lưu giữ lại bằng những phóng sự ảnh, là kho tư liệu ảnh hết sức quý giá cho thế hệ mai sau. Trong suốt hành trình đó ông luôn cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của những người lính, bộ đội cụ Hồ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho phóng viên tham gia chiến trường.

Những ngày tác nghiệp tại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979

Trong thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường được cơ quan phân công đi tăng cường cho biên giới phía Bắc. Sáng ngày 16 tháng 2 năm 1979, sau Tết Tân Mùi ít ngày, ông ra mua vé máy bay đi Cao Bằng (lúc này có đường bay Hà Nội Cao Bằng), người bán vé cho biết không bán vé khứ hồi, chỉ một chiều, ông vẫn quyết định đi để hoàn thành nhiệm vụ.

Máy bay vừa hạ cánh, ông vội vàng đi nhờ xe của lực lượng dân quân địa phương về huyện Hòa An. Về thị trấn Nước Hai và nghỉ qua đêm. Tờ mờ sáng hôm sau (17 tháng 2), ông tỉnh dậy vì nghe có tiếng đại bác nổ rền vang. Từng đoàn xe tăng giặc từ Thông Nông, nối đuôi nhau vừa đi vừa nã pháo loạn xạ, đốt cháy nhà cửa. Tới xã Bế Triều, huyện Hòa An, liền bị các chiến sỹ Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư 346 giáng cho một đòn chí mạng, bắt sống và tiêu diệt gọn 12 chiếc ngay loạt đạn đầu. Trong lửa đạn nổ liên hồi, ông đã kịp ghi được sự kiện xảy ra ngay ngày hôm ấy.

Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường nhớ lại, “Ngày đó nguy hiểm nhất là khi tác nghiệp cùng lực lượng bộ đội địa phương đến các ổ chiến đấu, đó là những điểm nhỏ lẻ có địch ẩn nấp. Mới đầu khi nghe thấy súng, pháo nổ thì có phần sợ, nhưng khi thấy bộ đội ta xông lên thì cũng chạy theo và không còn sợ gì nữa, cứ thế tiến công theo hướng dẫn của bộ đội”.

Cứ thấy chiếc xe tăng nào bị tiêu diệt là ông chạy đến chụp ngay, nghe tin nổ súng ở đâu là ông chạy bộ đến đó. Có nơi cách nhau cả mấy chục cây số không thấy mệt mỏi gì, cứ băng rừng mà đi từ Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng cho đến Nguyên Bình, Trùng Khánh…Cả đợt đó ông chụp hết tám cuộn phim, một số được rửa và đăng tải ngay trên Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân nhằm phản ánh kịp thời tình hình cuộc chiến.

Trong số hàng trăm bức ảnh nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường chụp tại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, bức ảnh có hình nữ chiến sĩ lưng khoác súng và ba-lô đang bế một em bé khoảng hai tuổi tại khu vực cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) là để lại ấn tượng hơn cả cho người xem.

111
Bức ảnh nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường chụp ngày 24 tháng 2 năm 1979.

Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường cho biết: “Lúc đó mọi việc diễn ra rất nhanh, khi tôi ra quốc lộ 3 để đi lên phía bắc, thấy cảnh tốp bộ đội đang đưa một em bé cùng bà mẹ bị giặc bắn bị thương rất nặng ra xe cứu thương, tôi xin chụp ngay rồi tất cả cùng rút nhanh vì địch đang ở gần nên cũng không kịp ghi tên tuổi của em bé và cô bộ đội, bức ảnh sau đó được đăng trên báo Quân đội Nhân dân”.

Trải qua mấy chục năm, hai nhân vật trong bức ảnh mới gặp lại nhau nhờ nỗ lực của một nhà báo. Bé gái trong ảnh là Hoàng Thị Hiền nay đã 44 tuổi, hiện là cán bộ địa chính xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng và cô bộ đội Bùi Thị Mùi ở Thanh Ba (Phú Thọ) cũng đã hơn 60 tuổi.

Chiến tranh đã lùi xa nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường sau này vẫn tiếp tục công việc của mình trong hành trình mới, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước. Ngoài làm ảnh báo chí, ông tiếp tục biên tập sách, dịch thuật tại nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin rồi làm giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh báo chí tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội….

Người phóng viên làm báo ảnh ở mỗi thời kỳ có những kỹ năng khác nhau, trang thiết bị khác nhau, nhạy bén để có những bức ảnh mang tính thời cuộc. Tuy nhiên theo nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường: “Thứ không được phép thay đổi đối với ảnh báo chí là tính tôn trọng sự thật khách quan. Người làm báo ảnh đầu tiên phải mang yếu tố tôn trọng hiện thực khách quan, tôn trọng một cách tuyệt đối, không tẩy xóa, không thêm bớt bất kỳ điều gì trong ảnh hay sự kiện diễn ra, bên cạnh đó người làm báo ảnh luôn phải hòa đồng với tất cả mọi người, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có thể”.
 

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây