Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có sức tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí. Xu hướng cơ quan báo chí đa phương tiện và toà soạn hội tụ ngày càng rõ nét, đòi hỏi đội ngũ làm báo chính thống ngoài nắm chắc cách thức hoạt động, phương thức khai thác tư liệu, sáng tạo tác phẩm, sản xuất chương trình ứng dụng cho nhiều loại hình báo chí phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn đạo đức, bảo đảm tính Đảng, tính giai cấp, tính quần chúng, tính trung thực... Do đó, việc chọn lọc thông tin phù hợp từng đối tượng độc giả, kịp thời thay đổi, không bị lấn át trước những thông tin trên môi trường mạng là nhiệm vụ cấp thiết của báo chí hiện nay.
Là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, các nhà báo phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng để có các tác phẩm hay, đúng, trúng góp phần định hướng dư luận. Trước sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH), người làm báo càng phải trung thực với bản thân, tuyên truyền, phổ biến hiệu quả và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sức mạnh trong kết nối xã hội, tác động mạnh mẽ đến các cấp chính quyền, những nhà hoạch định chính sách, giám sát và phản biện xã hội sâu sắc hơn nữa. Ngày nay, báo chí đang được hỗ trợ mạnh mẽ về hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, các ứng dụng phục vụ hoạt động báo chí..., các nhà báo từng bước đổi mới tư duy làm nghề, nhanh chóng tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, trong thời đại số, đòi hỏi đội ngũ các nhà báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp.
Điều quan trọng nhất với báo chí là tâm thế của người làm nghề báo, là đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo, đây cũng là điểm khác biệt của báo chí với MXH. Vì MXH là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo, rất nhiều người đưa thông tin lên MXH thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Trong những trường hợp như vậy, báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các nhà báo cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà báo phải được thể hiện ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí: Từ thu thập tư liệu, xử lý thông tin, giao tiếp với nguồn tin, sử dụng các phương tiện kỹ thuật trợ giúp cho đến việc hoàn thiện tác phẩm báo chí… Nhà báo được giao nhiệm vụ gì thì phải thành thạo các kỹ năng có liên quan để hoàn thành nhiệm vụ đó. Có thể là kỹ năng của phóng viên, biên tập viên hoặc người quản lý tòa soạn… Và khi sản phẩm báo chí đến với công chúng, họ có thể đánh giá chính xác nhà báo đó là người có trình độ hay không? Có chuyên nghiệp không? Những yếu tố nói trên đòi hỏi nhà báo hiện đại phải được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và liên tục được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng để theo kịp yêu cầu của thực tiễn.
Trong thời đại 4.0, độc giả được tiếp cận nguồn thông tin từ nhiều phương tiện, góc độ khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu các nhà báo cần phải nhanh nhạy, có tri thức toàn diện và ý tưởng để tiếp cận thông tin và triển khai vấn đề sao cho đúng và trúng. Đây là điểm khác biệt để người làm báo chính thống tồn tại và khẳng định mình trong thời đại các nền tảng của mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay. Để tự ghi dấu ấn đến độc giả trong mỗi tác phẩm báo chí và không bị đào thải, các nhà báo cần lăn lộn với nghề, giỏi nghề từ thực tiễn, các nhà báo cũng cần trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa – xã hội để trở thành người có tri thức rộng, có lập trường, tư tưởng vững vàng, kiên quyết đấu tranh tiêu cực, phê bình cái xấu.
Thực tế cho thấy, mặc dù các quy định công khai thông tin được đưa vào luật báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến công chúng nói chung và các nhà báo nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tác nghiệp. Mặc dù báo chí được bảo đảm, được hưởng đặc quyền tiếp cận thông tin nhưng quyền này không có cơ chế nào giám sát người phát ngôn và người cung cấp thông tin. Người phát ngôn có quyền ban phát thông tin. Hiện nay chưa có chế tài, giám sát, đôn đốc, cũng như chưa có ai xử lý những người từ chối trách nhiệm phát ngôn không cung cấp thông tin hay cản trở cung cấp thông tin cho báo chí tác nghiệp. Trước thực tế này, nhà báo cần phải vượt qua giới hạn thông thường thì mới có thể thực hiện thành công bài điều tra, đặc biệt là các vụ việc tham ô, tham nhũng, phản ánh những mặt trái của xã hội. Trong trường hợp này, các nhà báo cần có kỹ năng tiếp cận thông tin đặt biệt trong quá trình tác nghiệp được trau dồi kinh nghiệm từ thực tiễn làm việc, học hỏi đồng nghiệp để cung cấp đến độc giả những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng cung cấp những thông tin “nóng” dư luận quan tâm. Có thể thấy rằng, việc đổi mới phương pháp tiếp cận thông tin báo chí của các nhà báo đã mang đến cho độc giả nhiều tác phẩm điều tra ấn tượng như: Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn (4 bài) đăng trên báo Kinh tế - Đô thị; truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng (5 bài) đăng trên Báo Lao động điện tử; Tham nhũng vặt: “Hậu quả không hề “vặt” (4 bài) đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam... Điều này góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng…