Nhà báo Trần Nam Chung bật mí điều thuyết phục BGK thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm

Thứ hai - 14/12/2020 09:56
111
Nhà báo Trần Nam Chung (ngoài cùng bên trái).
Nhà báo Trần Nam Chung cho biết, với các tác phẩm thuộc thể loại Đối thoại - Tọa đàm, tính phát hiện đề tài, sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội của tác phẩm mới là yêu tố quan trọng nhất để đánh giá, tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất. Thủ thuật làm nghề, hình ảnh... xếp sau.

Nhà báo Trần Nam Chung - Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân là người đã có nhiều năm đồng hành với Liên hoan truyền hình toàn quốc trong vai trò giám khảo. Năm nay, nhà báo tiếp tục đảm nhận vai trò thành viên BGK ở thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm.

Nói về số lượng và chất lượng các tác phẩm năm nay, nhà báo Trần Nam Chung đã có những chia sẻ chân thành, thậm chí bộc bạch nỗi trăn trở của anh xung quanh chất lượng các tác phẩm dự thi thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm. Nhà báo Trần Nam Chung cho biết, so với mọi năm, số lượng tác phẩm tham gia thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm năm nay ít hơn nhưng thời lượng của mỗi chương trình lại nhiều hơn. Các đài lựa chọn tác phẩm đi thi đầu tư khá kỳ công, thời lượng từ 40 - 60 phút/chương trình.

111
BGK thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm xem và chấm tác phẩm dự thi

Đề cập tới chất lượng của các chương trình, nhà báo Trần Nam Chung nhận định sau nhiều kỳ Liên hoan, chất lượng tác phẩm do đài lớn và đài nhỏ tại địa phương sản xuất vẫn có khoảng cách lớn.

"Chương trình Đối thoại - Tọa đàm có nhiều điểm khó hơn, phải đầu tư nhiều hơn so với các chương trình chuyên mục khác nên các đài cũng đầu tư kỳ công, bài bản cho các chương trình tham gia thể loại này tại LHTHTQ. Tùy vào tiềm lực của đơn vị tham dự, như VTV, HTV hay Quân đội là những đài lớn nên có khả năng đầu tư các chương trình bài bản từ kịch bản nội dung, sân khấu, đến trường quay ảo... Với các đài địa phương, họ lại bị hạn chế về mặt kỹ thuật nên chỉ sản xuất các chương trình trong khả năng có thể của mình", nhà báo Nam Chung phân tích.

"Khi đưa đến một sân chơi chung, các đơn vị sản xuất đều bình đẳng như nhau, nhưng xét về nội dung, năm nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên các đài cũng bị hạn chế nhiều trong quá trình tác nghiệp, phóng viên không thể đi nhiều nơi hơn. Thực tế, chỉ có 2 tác phẩm liên quan phòng chống dịch COVID-19. Đối với các đề tài khác, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa thực sự phản ánh bao quát được như những năm trước".

"Một điều nữa là một số đơn vị bị phạm lỗi không đáng có. Trước đó, thể loại này có tên là Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, nhưng từ Liên hoan năm 2019, BTC đã quyết định bỏ phần Giao lưu trong đó. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn gửi tác phẩm thể loại Giao lưu tới, đương nhiên những tác phẩm này không được chấm. Số lượng những tác phẩm tính là phạm quy là 4, trên tổng hơn 20 tác phẩm thì tỷ lệ phần trăm khá cao".

111
Các tác phẩm dự thi thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm

Bên cạnh đó, nhà báo Nam Chung cũng bộc bạch về điều anh cảm thấy khó nhất khi chấm các tác phẩm thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm. 

"Khó nhất khi chấm các tác phẩm thể loại Chương trình Đối thoại - Tọa đàm với BGK nhiều năm trở lại đây không phải ở việc đánh giá chất lượng tác phẩm như thế nào. BGK bị đưa vào thế khó khi cân đối giữa các đơn vị sản xuất. Chẳng hạn cùng sản xuất chương trình Đối thoại - Tọa đàm, các đơn vị như VTV hay HTV đều có sự đầu tư bài bản về con người, kỹ thuật tiên tiến, âm thanh ánh sáng... Nhưng với những đài địa phương còn gặp khó khăn, khả năng đầu tư hạn chế, dù sản phẩm đem đi dự thi được đặt vị thế ngang nhau nhưng thực tế, chất lượng lại khác nhau. Có một thực tế là BGK luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm sao để năm sau số lượng tác phẩm đi dự thi năm sau nhiều hơn năm trước. Nếu BGK quá khắt khe với thể loại này thì các đài nhỏ sẽ rơi rụng dần, đây sẽ chỉ là sân chơi cho các đài lớn".

Mặc dù vậy, nhà báo Nam Chung cho biết với các tác phẩm thuộc thể loại Đối thoại - Tọa đàm, tính phát hiện đề tài, sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội của tác phẩm mới là yêu tố quan trọng nhất để đánh giá, tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất. 

"Chúng tôi đặt những tiêu chí đó lên trên hết, thủ thuật làm nghề, hình ảnh xếp sau", nhà báo Nam Chung khẳng định - "Khi một phóng viên phát hiện đề tài đầu tiên và tạo ra tác phẩm. Tác phẩm ấy có thể được quay vội vàng, không có thời gian chau chuốt hình ảnh nhưng khi phát sóng, tính hiệu quả xã hội lớn thì chúng ta vẫn trân trọng những tác phẩm đó hơn so với những tác phẩm được sản xuất sau khi sự việc xảy ra. Hình ảnh của những tác phẩm làm sau có chau chuốt đẹp nhưng vẫn phải xếp sau những tác phẩm đầu tiên. Tôi cho rằng ngoại trừ các hội đồng giám khảo nghệ thuật, những hội đồng giám khảo chấm tác phẩm mang tính báo chí đều phải đặt những tiêu chí trên làm hàng đầu".

 

Theo VTV

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây