Mọi khó khăn sẽ vượt qua khi có lòng yêu nghề và sự sẻ chia

Thứ năm - 12/11/2020 15:41

“Biết là sẽ khó khăn nhưng vì lòng yêu nghề, đam mê và biết khán giả đang chờ những dòng tin nên bản thân vẫn luôn động viên chính mình phải cố gắng, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan giao. Không nên thấy khó mà chùn bước” - nhà báo Nguyễn Trung Đức (Đài PTTH Quảng Bình) khẳng định.

Luôn phải có tinh thần lên đường và đi tới

Thiên tai tạo ra những thử thách khó khăn cho người dân ở dải đất miền Trung phải hứng chịu những đợt mưa lũ kéo dài. Trong đợt mưa lũ năm nay, nhiều nhà báo, phóng viên luôn có mặt ở các địa phương, đối mặt với hiểm nguy để kịp thời có những thông tin thời sự gửi đến khán giả. Giống như nhiều tỉnh miền Trung, Quảng Bình thường xuyên phải hứng chịu trạng thái thời tiết khắc nghiệt, khi thì nắng gắt như lửa cháy, lúc mưa thì ngập trời. Khi đó, các nhà báo, phóng viên của Đài PTTH Quảng Bình đã tích cực thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao là phản ánh tất cả các mặt trong đời sống xã hội. Nhà báo Nguyễn Trung Đức (Đài PTTH Quảng Bình) cũng đã trực tiếp có mặt ở nhiều điểm mưa lũ lớn để cập nhật thông tin tới khán giả.

111
Phóng viên Trung Đức.

Nói về những lần tác nghiệp ở miền núi, anh Trung Đức cho biết:“Tôi nghĩ mỗi chuyến đi tác nghiệp mùa mưa bão thứ cần chuẩn bị đầu tiên là tâm lý, phóng viên luôn phải có tinh thần lên đường và đi tới. Biết được rằng diễn biến thời tiết sẽ rất thất thường và không có đợt mưa lũ nào giống đợt mưa lũ nào nên người phóng viên phải hoàn toàn bình tĩnh, chủ động xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra”.

Tác nghiệp trong mùa lũ, đã không ít lần anh và quay phim cùng phối hợp dùng laptop dựng clip ngay trên xe hay trên thuyền khi di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Có thể lúc đó hình ảnh không được sắc nét, chưa được chỉn chu nhưng quan trọng hơn là đã truyền tải được thông tin thời sự sớm đến khán giả.

Nhớ về lần tác nghiệp trong mùa mưa lũ gần đây nhất, nhà báo Trung Đức tâm sự: “Cách đây không lâu, tại thị trấn Phong Nha tôi cùng đoàn công tác thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đi đưa hàng cứu trợ, đến khu vực nước nông, đoàn xuống lội nước để đến từng nhà dân đưa quà.

Để tiện di chuyển, tất cả thành viên trong đoàn giao điện thoại cho tôi cầm, để tránh bị ướt. Không may, tôi bước sụt xuống một cái cống, nước chảy mạnh đẩy tôi ra xa một đoạn, tình huống khá nguy hiểm. Cũng may, tôi mặc áo pháo nên dễ dàng bơi vào bờ. Chiếc điện thoại may mắn không sao vì trước đó tôi có xin người dân được một chiếc túi ni lông bọc kín nên toàn bộ điện thoại đều không bị ảnh hưởng. Cũng qua đó mà những đợt tác nghiệp lần sau này tôi đều có kinh nghiệm hơn, luôn chuẩn bị rất cẩn thận và tính toán đến nhiều tình huống để ứng phó linh hoạt hơn”.

Tác nghiệp mùa mưa bão, không thể tránh khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm xảy đến với người làm báo. Nhưng với tinh thần dấn thân cống hiến, qua mỗi lần tác nghiệp ở vùng lũ những người phóng viên lại càng bản lĩnh hơn. Họ nắm vững và am hiểu địa bàn, cập nhật tình hình, giữ liên lạc với các ngành chức năng để có thông tin số liệu truyền tải kịp thời tới khán giả. Nhà báo Trung Đức tâm sự: “Trong đợt mưa lũ lần này, Quảng Bình có nhiều địa phương bị ảnh hưởng mưa bão, công việc thời sự rất gấp khi cơ quan chưa có xe sẵn sàng hỗ trợ, chúng tôi đèo nhau bằng xe máy. Biết là sẽ khó khăn nhưng vì lòng yêu nghề, đam mê và biết khán giả đang chờ những dòng tin tức của mình nên bản thân vẫn luôn động viên chính mình phải cố gắng, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan giao. Không nên thấy khó mà chùn bước”.

Giữ vững tinh thần, đi và đến để cống hiến

Khác với nhà báo Trung Đức, phóng viên Phạm Đức - báo Thanh Niên thường trú tại Hà Tĩnh thì cho biết trong quãng thời gian tác nghiệp ở địa phương anh cũng gặp những khó khăn nhất định. Phần lớn những tuyến đường giao thông trong thành phố Hà Tĩnh đều ngập và bị tê liệt hết. Nhưng để thông tin tới bạn đọc hàng ngày anh vẫn mặc áo mưa, xắn quần lội nước, đi ghi nhận và kịp thời thông tin tới bạn đọc về tình hình thời tiết cũng như cảnh báo nguy cơ tai nạn có thể xảy ra.

111
Phóng viên Phạm Đức thứ 2 từ trái sang.

Anh Phạm Đức cho biết: “Vì phụ trách Hà Tĩnh nên tôi phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, ghi lại video, chụp hình ảnh, đăng tải bài viết về những gì đang diễn ra. Cảnh báo cho người dân ở nơi khác đến, hạn chế đi vào khu vực đang bị ngập, thông tin về những thiệt hại mà người dân đang gặp phải. Đi bộ di chuyển liên tục trong mưa lũ, theo tôi quan trọng nhất vẫn là tránh bước vào chỗ đoạn ngập sâu hay có dòng nước chảy mạnh. Khi mưa nhỏ tôi vẫn sử dụng máy ảnh to, bọc trong bao ni lông, mưa lớn dùng điện thoại cho vào bao chống nước để tiện tác nghiệp”.

111
Phạm Đức và nhóm phóng viên VTC tác nghiệp tại Hà Tĩnh.

Mỗi ngày tác nghiệp trong mùa lũ là những kỷ niệm khó quên, đối với anh Phạm Đức, hình ảnh có lẽ làm anh nhớ nhất là khi tác nghiệp tại khu vực Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên. Nhiều sản phụ chuyển dạ đi đến, họ không có thuyền để di chuyển, họ cùng người thân tự lội nước một quãng đường xa để tới bệnh viện. Nhưng toàn bộ tầng 1 bệnh viện bị ngập, không điện, không có nước sạch, không đồ ăn. Khó khăn là thế nhưng các y bác sỹ vẫn tích cực hỗ trợ từng sản phụ. Mặc dù bản thân gia đình các y tá, bác sỹ cũng bị ngập, nhưng với tinh thần, trách nhiệm họ vẫn động viên nhau ở lại, vượt qua khó khăn.

Anh Đức nhớ lại: “Trong những ngày 19 và 20/10, Hà Tĩnh vẫn đang mưa to, Bệnh viện đa khoa huyện có 18 sản phụ chờ sinh, thời điểm đó có 7 sản phụ phải mổ gấp, không điện, họ chỉ có đèn ắc quy, nhưng các y bác sỹ vẫn đoàn kết cùng nhau thực hiện những ca mổ. Điều đáng mừng là tất cả ca sinh đó đều thành công. Tôi thấy rằng những lúc nguy nan tình đồng bào lại được nhân lên gấp bội. Và hình ảnh những em bé bên trong vòng tay của người mẹ giữa đợt mưa bão lịch sử lại càng đẹp hơn bao giờ hết”.

Những bài về “Vừa vượt lũ, vừa vượt cạn” hay “Bệnh viện bị ngập sâu nhưng vẫn đỡ đẻ thành công cho 18 sản phụ”, “Những đứa trẻ thiên thần sinh ra trong lũ dữ”… tất cả được đăng tải trên báo Thanh Niên đã tạo nên nhiều cảm xúc cho người đọc. Những y bác sỹ trước đây trong tuyến đầu chống dịch và trong bão lũ họ lại tiên phong đi đầu để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tác nghiệp trong mưa lũ nguy hiểm và thiếu thốn đủ đường, nhưng đội ngũ những người làm báo ở khắp nơi đều luôn tự khắc phục, họ giữ vững tinh thần đi và đến để cống hiến. Đằng sau mỗi dòng tin tức, mỗi hình ảnh là những giọt mồ hôi, những khó nhọc. Nhưng điều quan trọng hơn hết là qua mỗi đợt mưa lũ, người làm báo có cơ hội được sẻ chia với những mất mát đau thương mùa lũ, được góp phần đưa thông tin kịp thời để hỗ trợ người dân mỗi lúc nguy nan. Mỗi phóng viên nhà báo là những chiếc cầu nối tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, tất cả vì miền Trung thân yêu.

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây