Trong thể loại phóng sự, cái tôi được bộc lộ rõ nét trong văn phong cũng như trong câu chữ của bài viết. Cái tôi tạo nên sự khác biệt mang tính bản chất đặc thù của tác phẩm, lẫn phong cách của tác giả. Tác giả Đức Dũng thì lại cho rằng: “Cái tôi tác giả trong phóng sự là sự pha trộn trong việc tạo ra những giá trị của tác phẩm”. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu trước, chúng tôi mạn đàm vài nét về sự xuất hiện cái tôi trong phóng sự, bằng các dẫn chứng minh họa.
1. Cái tôi tổng hợp. TS. Trương Thị Kiên cho rằng, có lẽ không trong một thể loại nào, cái tôi lại xuất hiện trực tiếp, đa diện và mạnh mẽ như trong thể loại phóng sự. Thật vậy, khác với cái tôi trong nhiều thể loại vốn thường chỉ xuất hiện ở một hoặc hai tư cách, hoặc là nhân chứng, trần thuật, hoặc là thẩm định, cảm xúc cái tôi trong phóng sự là cái tôi tổng hợp (pha trộn). Đó là, cái tôi nhân chứng, trần thuật giúp tăng độ tin cậy; cái tôi thẩm định giúp câu chuyện trở nên minh bạch, rõ ràng; cái tôi chính kiến, bản lĩnh đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp làm vấn đề có thể được giải quyết tích cực; cái tôi cảm xúc thẩm mĩ làm người nghe rung cảm.
Chẳng hạn, “Trò chuyện với ông, tôi cảm nhận một người tuổi đã xấp xỉ 80 như ông, nhưng tinh thần ngùn ngụt, tâm huyết với công việc, không khác gì tinh thần của lứa tuổi thanh niên hăng say với lí tưởng sống của chính mình. Tôi hỏi nhỏ, sao ông không dành thời gian an hưởng tuổi già, mà phải dốc sức cho công việc hiện tại. Ông cười khà, rồi nói: “Có lẽ tôi nợ ân tình với dân, với quê hương Bến Tre Đồng Khởi. Từ khi đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 1992, được nhân dân tin yêu, ủng hộ nhưng tôi thấy ray rứt vì chưa làm được gì nhiều cho quê hương mình..." (Phóng sự Ông Hai cầu đường Báo Sài Gòn Giải Phóng).
2. Cái tôi tác giả. Chính là khả năng xử lí thông tin, khả năng nắm bắt những thông tin, chi tiết hay, đặc sắc. Cái tôi tác giả ở đây là cách tiếp cận vấn đề, cách chọn vấn đề, cách chọn nhân vật, cách chọn tiếng động âm thanh thể hiện tác phẩm. Cái tôi tác giả trong phóng sự vừa là người dẫn chuyện, người trình bày, người lí giải, người kết nối các dữ kiện mà tác phẩm đề cập tới. Chẳng hạn, Chúng tôi quan sát, thắc mắc sao cụ tuổi cao mà vẫn đi làm khổ cực, cụ cười đáp: “Tôi ở với con trai. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt, chỉ tiêu con tôi lo cho hết, không cần làm gì cả. Nhưng tôi thích đi vì muốn kiếm thêm ít thu nhập để giúp đỡ cho người khó khăn hơn mình. Tiền bán đậu, tôi dùng hết để giúp người khó, con tôi chẳng bao giờ hỏi tới, thậm chí còn cho thêm” (Phóng sự Cụ ông 90 tuổi mê làm từ thiện Báo Sài Gòn Giải Phóng).
Mặt khác, ngôn ngữ tác giả thể hiện rõ ở khả năng phản ánh hiện thực qua cái tôi chứng kiến, cái tôi thẩm định và cái tôi cảm xúc của người viết. Chính ngôn ngữ tác giả tạo ra cái riêng, cái độc đáo cho phóng sự. Nó tạo nên sự đa dạng, phong phú trong thể hiện và sự “biến hóa” của ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh trong phóng sự. Những yếu tố đó, tạo ra dấu ấn, tên tuổi của tác giả phóng sự. Chẳng hạn, “Việc may khẩu trang tưởng dễ nhưng có vài chi tiết nhỏ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nên mẹ Quýt tập trung rất kỹ. Có khi mẹ phải đưa mắt vào gần để nhìn rõ đường may đã đúng nếp hay chưa. Dáng mẹ nhỏ nhắn, khi ngồi trên ghế may thấy rõ tấm lưng đang còng xuống. Đôi tay mẹ gầy guộc, ngỡ yếu đuối là vậy nhưng lại thoăn thoắt ráp từng miếng vải, xếp li tỉ mẩn từng nếp khẩu trang, rồi xoay trục máy may. Phía dưới, đôi chân vẫn nhịp nhàng đạp bàn máy. Lạch cạch, lạch cạch... Cứ vậy mà những chiếc khẩu trang nên hình nên dạng” (Phóng sự Tấm lòng của mẹ Báo Sài Gòn Giải Phóng).
3.Cái tôi trần thuật. Trong thể loại phóng sự, cái tôi trần thuật mới xuất hiện với bề dày và có bản sắc. Đó là, cái tôi vừa lô-gích, lí trí, giàu lí lẽ và trong chừng mực nào đó còn sử dụng sức mạnh của cảm xúc thẩm mĩ. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc thẩm mĩ trở thành động lực đưa tác phẩm đạt tới những phẩm chất khác lạ. Cái tôi trần thuật bao giờ cũng là tác giả chứ không phải là thủ pháp nghệ thuật như trong chuyện ngắn hay tiểu thuyết. Tác giả kể lại rõ rành mạch những sự kiện đã xảy ra với tư cách là người trực tiếp chứng kiến và trình bày sự kiện. Điều đó ấn định kênh giao tiếp giữa tác giả và người đọc. Công chúng luôn có cảm giác có mặt trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất và kể lại cho họ toàn bộ những gì tác giả mắt thấy, tai nghe. Chẳng hạn, “Theo Long, lá sen khô khi dán lên để viết chữ thư pháp thì công đoạn viết rất khó. Bởi lẽ, lá sen có gân nên khi viết phải đòi hỏi một kĩ thuật nhất định và nội dung thì phải định hình trước. Chất liệu mực viết chữ cũng phải khác với chất liệu trên giấy, sao cho không bị phai, lem và phải nổi lên trên lá sen cho đẹp hơn” (Phóng sự Dùng thư pháp biến lá sen khô thành... tiền- Báo Người Lao Động).
Cái tôi trần thuật còn góp phần tạo ra giọng điệu của tác phẩm xuất phát từ đối tượng mô tả và nhằm thẩm định đối tượng đó, giọng điệu của phóng sự rất sinh động khi nghiêm túc, lí lẽ, hài hước và khi lại tràn đầy cảm xúc.
4. Danh xưng “tôi”, “chúng tôi”. Để nhấn mạnh vai trò đặc biệt của tác giả là điều cần thiết, hiển nhiên. Nếu bỏ danh xưng thì có thể gây nên một số bất cập: tạo cho người nghe cảm giác giữa tác giả và sự kiện có một khoảng cách nhất định, tác giả ở xa sự kiện, hoặc gần như lùi xa sự kiện, sự dấn thân, nhập cuộc nhiệt huyết của tác giả bị mờ nhạt, tính thuyết phục về độ chính xác của thông tin chưa cao. Sự trống vắng danh xưng khiến nhiều bài phóng sự nghèo về giọng điệu, nhòa về phong cách cá nhân, lời văn ít nhiều thiếu mềm mại, biểu cảm. Việc không hiện diện trực tiếp danh xưng khiến đoạn văn có thể bị thiếu chi tiết quan sát hoặc có thể vẫn có đó những chi tiết tả, nhưng giọng văn lại lạnh lùng, xa cách.
Chẳng hạn, “Năm nay đã 81 tuổi nhưng đôi mắt bà Tám còn đọc được chữ, đặc biệt nhớ rất tốt. Hôm tôi ghé thăm, gặp lúc bà đang cặm cụi đọc từng lá đơn yêu cầu hòa giải, ngồi ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết vụ việc để chuẩn bị cho cuộc hòa giải sắp diễn ra” (Phóng sự Bà Tám dân vận khéo! Báo Người Lao Động) hay “Hôm chúng tôi ghé, ông Út cùng nhóm cần thủ đang câu tôm càng xanh. Khoảng 10 cần đặt cạnh mép sông ngay cầu phà. Theo ông Út, muốn câu được tôm phải chọn mồi trùn biển vì tôm rất khoái món này. Tuy nhiên, giá trùn này khá đắt (800.000 đồng/kg) nên cần thủ chỉ dám mua chút ít để câu” (Phóng sự Gặp các “cần thủ miền Tây hàng sư phụ, Báo Tuổi Trẻ).
Thật vậy, thiếu “cái tôi”, bài phóng sự có thể bị thiếu chi tiết, đặc biệt là những chi tiết quan sát, phỏng vấn đắt giá; khó khơi gợi chiều sâu nhân văn và định hướng nhận thức, hành vi; khó đặc tả được sinh động, chân xác hiện thực thông qua hệ thống ngôn từ vừa hàm xúc, chính xác, khách quan, vừa đậm chất văn; dễ nghèo nàn về giọng điệu, tẻ nhạt về phong cách cá nhân.
Theo Dương Út/NLB Đồng Tháp
Tài liệu tham khảo 1. Đúc Dũng “Viết báo như thế nào?”
2. Th.S Lê Thị Kim Thanh “Ngôn ngữ lô-gíc và cái tôi tác giả để phản ánh sự kiện một cách khách quan của phóng sự truyền hình”.
3. TS. Trương Thị Kiên “Danh xưng “tôi” Yếu tố quyết định thành công của phóng sự”.