Kỷ niệm làm nghề: “Tôi chỉ biết gọi cho cô vì cô là nhà báo”

Thứ hai - 25/01/2021 09:53
Gần 10 năm làm phóng viên, nghề đã cho tôi gặp gỡ rất nhiều nhân vật ấn tượng, biết những câu chuyện thú vị, những hành trình truyền cảm hứng… Đó là điều vô cùng may mắn khi tôi lựa chọn gắn bó với nghề báo. Nhưng có lẽ những số phận nhỏ nhoi, những cảnh người khốn khó lại là điều ám ảnh nhất trong tôi. Và niềm vui nho nhỏ khi giúp được họ chính là chất xúc tác giúp tôi thêm yêu nghề, trân trọng những điều bình thường của cuộc sống.
111
PV Ngọc Oanh

Đầu năm 2019, khi thực hiện phóng sự về những câu chuyện ấm tình người nơi bệnh viện, tôi được giới thiệu về  trường hợp của chị Vũ Thị Hương, hoàn cảnh gia đình khó khăn không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não nặng đã được các y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cũng như cộng đồng mạng xã hội giúp đỡ chung tay giúp đỡ.

Để làm phóng sự, tôi đã về gia đình chị ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi để ghi hình về khía cạnh nhân văn của câu chuyện đó. Khi đến nơi, đập vào mắt tôi là hình ảnh chị Hương, người phụ nữ nằm liệt nửa người, bên cạnh là người mẹ già mù lòa, mất trí, người bố ốm nặng trên giường và người chị bại não ngồi lê la dưới sàn đất lạnh… rồi lại 2 đứa con nhỏ dại của chị Hương. Tiếng tâm sự của chị Hương xen lẫn trong tiếng chửi rủa vì lú lẫn của mẹ chị, tiếng ú ớ của người chị bại não dưới gian nhà ọp ẹp ám ảnh tâm trí tôi mãi. Ghi hình xong, biếu chị chút tiền tôi để lại số điện thoại để cần gì thì gọi.

Bẵng đi 1 thời gian, nhận được điện thoại của chị Hương, chị nói là được một ngân hàng có tặng chút tiền sinh hoạt và hứa sau đó sẽ tiếp tục gửi hàng tháng nhưng nhiều tháng qua mà không thấy, hoàn cảnh gia đình thì ngày càng khốn khó. Đầu óc chị Hương cũng không còn minh mẫn, không biết đó là ngân hàng nào, không biết ai để liên lạc, không có bất kỳ 1 giấy tờ hay hình ảnh nào lưu lại để biết. Chị ấy tâm sự , anh em họ hàng cũng không nhờ cậy được ai, chỉ còn biết gọi tôi và nói “ chị chẳng biết nhờ ai, chỉ biết gọi cho cô vì cô là nhà báo chắc giúp được”

Cũng không dám chắc mình sẽ làm được gì nhưng tôi cũng đã tìm mọi cách, liên hệ các nơi để tìm lại xem ngân hàng nào đã hỗ trợ chị.  Cuối cùng cũng tìm được đó là một ngân hàng lớn tại Hà Nội. Họ đã tiếp nhận thông tin, kiểm tra lại trường hợp của chị. Sau đó là kết nối lại và mỗi tháng hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho gia đình chị Hương. Gần 2 năm qua nhận được tiền hỗ trợ hàng tháng, chị Hương đều gọi điện cho tôi. Hay bất cứ vấn đề gì, những khúc mắc trong cuộc sống chị đều gọi cho tôi để hỏi. Chẳng phải giỏi giang để điều gì cũng biết, cũng nhất là khi những khúc mắc về cuộc sống vì tôi cũng chưa đủ trải nghiệm giữa cuộc đời nhưng niềm vui khi bằng nghề mà giúp được thêm một hoàn cảnh, được thêm một người xa lạ tin tưởng, kết nối những yêu thương lại làm tôi thêm yêu nghề của mình.

Bên cạnh câu chuyện của chị Hương, trong những lần đi làm, cũng đã nhiều lần tôi đã kết nối được những nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn để họ trợ giúp, khi thì là người bị tai nạn, hoàn cảnh khó khăn, khi thì là ba bà cháu nghèo khó…. Và tôi dần cảm nhận nghề báo cho tôi thêm 1 “đặc ân” là có thêm uy tín và niềm tin với mọi người. Bằng những điều đó, có thể kết nối nhiều hơn nữa để không chỉ làm ra những tác phẩm báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền mà còn để sống một cuộc đời yêu thương và ý nghĩa hơn.

Mỗi kỷ niệm, mỗi yêu thương đều trân quý để thấy mình trưởng thành hơn với nghề, thấy nghề cho mình nhiều ý nghĩa cuộc đời. Đó là men say và cũng chất xúc tác để tôi thêm yêu những chặng đường phía trước.

 
Ngọc Oanh
Đài PT&TH Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây