Tết của những người làm báo

Thứ sáu - 05/02/2021 14:43
Tết với “nhà” nào cũng đều quan trọng cả. Nhưng với cánh nhà báo, nhà đài thì Tết còn có không khí riêng của nó. Những ngày giáp Tết, trong khi cán bộ-nhân viên ở các cơ quan khác thảnh thơi sắm sửa cho gia đình thì cánh báo chí vẫn đầu tắt mặt tối chạy tin bài. Ngày Tết, người ta nghỉ ngơi, ngao du đó đây thì những người làm báo vẫn không ngừng tác nghiệp...

Cha tôi vốn công tác trong ngành báo. Suốt hơn hai chục năm làm việc ở Đài truyền hình, chưa một cái Tết nào cha không bận rộn với các chương trình ghi hình, thời sự, văn nghệ, giải trí.... Câu nói quen thuộc của cha mỗi khi Tết đến là: Năm nay mẹ nó chịu khó dọn nhà, sắm tết một mình nhé, anh lại bận việc cơ quan rồi! Có năm, đêm 30 Tết, cơ quan cha huy động toàn bộ lực lượng đi làm truyền hình trực tiếp không khí đón giao thừa, khi chương trình kết thúc, cha trở về nhà cũng là 1-2 giờ sáng mùng Một. Bận rộn, vất vả là thế mà cha vẫn tươi cười và không quên mừng tuổi, vỗ về hai chị em tôi.

Ngày còn bé, nhìn cha tất bật khi năm hết Tết đến, tôi lắc đầu: Sau này con không làm nghề như bố đâu, khổ lắm, Tết cũng không được nghỉ! Vậy mà run rủi thế nào, lớn lên, cả hai chị em tôi đều theo ngành báo. Và tính ra cái Tết này là cái tết thứ tư tôi được nếm trải cảm giác của người làm báo mỗi dịp xuân về. Còn nhớ năm đầu tiên ở Toà soạn, trước Tết chừng hơn 1 tháng, trong lúc tôi còn đang tung tăng đi viết bài cho số báo thường đã thấy các cô chú, các anh chị xì xầm to nhỏ chuyện làm báo Xuân, báo Tết. Rồi ai nấy hì hục đăng ký, tìm đề tài, đi cơ sở săn tin, bài, ảnh. Bộ phận biên tập cũng bắt tay lên lịch xuất bản, làm maket và không quên hối thúc anh em phóng viên mau mau nộp tác phẩm để sớm lên khuôn. Cả Toà soạn ai cũng hối hả, nhộn nhịp như thể Tết đã đứng ngay trước cửa cơ quan rồi. Bắt kịp guồng quay ấy và theo lời chỉ dẫn của các “lão làng”, tôi cũng tít mít đi cơ sở, quan sát, nghe ngóng, hỏi han rồi lồng không khí “xuân mới”, “xuân về”, “hoa đào khoe sắc”, “nhà nhà chuẩn bị gạo nếp, lá dong”… để bài viết của mình mang hương vị ngày xuân, ngày Tết. Toà soạn có gần hai chục phóng viên, gom lại cũng được ngót nghét 40-50 tin, bài, ấy là còn chưa kể sưu tầm, thơ ca, hò vè, câu đối rồi bài vở của cộng tác viên từ khắp nơi gửi về. Cánh phóng viên xong bài Tết thì cũng là lúc bộ phận biên tập bù đầu với việc soát xét, lên trang, trình bày sao cho đẹp, hài hoà, bắt bắt. Còn phóng viên, xong bài Tết cũng không có nghĩa là hết việc vì còn phải chạy tin, bài cho số báo thường và tích luỹ “lương khô” để dành ra Giêng lại tiếp tục ra báo. Thành thử ngoài hai mươi tháng Chạp mặc dù ông Công, ông Táo đã về trời tổng kết năm thì cánh báo chí vẫn hoạt động sôi nổi, ồn ào. Và trong khi cán bộ, công chức các cơ quan khác dư dả thời gian đi sắm Tết thì những người làm báo vẫn chạy đôn, chạy đáo khắp nơi sao cho thông tin vẫn được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Tết đến xuân về còn là thời điểm lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các ngành đi thăm, chúc tết, tặng quà các cơ quan, đơn vị, bà con nhân dân. Và những phóng viên trẻ, chưa vướng bận gia đình như chúng tôi luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” tác nghiệp bất cứ lúc nào. Bốn năm làm báo, Tết năm nào tôi cũng có vinh dự được đi làm những tin lễ tân, thời sự như thế. Có khi là đi theo các đoàn tặng quà tết cho trẻ em nghèo, đồng bào khó khăn, có khi là chuyến đi lên các đồn biên phòng, chia sẻ với các chiến sỹ bộ đội đang đóng quân nơi biên thuỳ, có khi là buổi tiếp các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, chúc tết địa phương… Phải nói là vinh dự bởi đó là trọng trách được cơ quan tin tưởng giao phó, và mỗi người làm báo, từ phóng viên cho đến biên tập, kỹ thuật viên, ai cũng cố gắng làm thật tốt phần việc của mình để những tin giờ chót kịp lên trang mà không chút sơ sểnh, sai sót nào. Có buổi, cả Ban biên tập ở lại Toà soạn tới tận tối mịt chờ phóng viên tác nghiệp về để kịp đưa tin lên số hôm sau, giao báo cho nhà in xong xuôi rồi ai nấy mới về nhà nấy.

Trong ký ức của tôi bây giờ và cả sau này có lẽ không bao giờ quên được những ngày giáp Tết, trời lạnh cóng, gió thổi vù vù, mưa phùn lất phất, thức dậy từ 4 rưỡi, 5 giờ sáng để kịp theo đoàn lên thăm các chiến sỹ biên phòng, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc ở vùng xa, vùng biên giới; không quên ánh mắt, nụ cười của những em bé khuyết tật, mồ côi, của những người dân nghèo khi được nhận quà tết, được tặng chăn, áo ấm mùa đông để họ có được một cái Tết vui tươi, ấm áp như bao người; không quên hình ảnh các anh chị công nhân vệ sinh môi trường ngày Tết vẫn miệt mài quét rác, làm sạch đường phố để mọi người vui xuân. Và tôi cũng không quên kỷ niệm lần đi đưa tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lên chúc tết tại tỉnh nhà, một mình tôi là phóng viên nữ lọt thỏm giữa các anh đồng nghiệp ở truyền hình, báo quân khu, trung ương, sau một hồi tác nghiệp, được Bộ trưởng tặng bó hoa to hơn cả người kèm theo lời động viên hóm hỉnh: Cô nhà báo này bé như cái kẹo mà nhanh nhạy không kém gì phóng viên quân đội nhỉ.

Ngày áp Tết, bù đầu với công việc, cánh báo chí chẳng có nhiều thời gian mà dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa cho gia đình. Có năm, 29,30 tháng Chạp, hàng xóm, bạn bè ai nấy đều đã sẵn sàng đón Tết thì chị em tôi vẫn cuống quýt đi làm, bụng bảo dạ “gác việc nhà, làm việc nước”, để rồi xong cái tin cuối cùng năm âm lịch mới “vắt chân lên cổ” về dọn nhà, đi chợ sắm đồ. Ngày còn bé, tôi thích được cùng mẹ gói bánh chưng Tết nhưng từ lúc đi làm báo thì tôi chưa có dịp đụng tay vào làm bánh chưng nữa. Tết năm ngoái, sáng 30, tôi vẫn rong ruổi trên xe đi làm tin chúc tết, đẩy tin bài lên mạng xong trở về nhà thì đã quá trưa, mẹ đã chuẩn bị bữa cơm tất niên, hai chị em chỉ còn mỗi nhiệm vụ đi mua hoa về cắm. Nhìn hai đứa con “nhà báo” sau mấy ngày xoay như chong chóng với bài vở giờ ngượng ngùng vì chẳng giúp được gì cho mẹ, mẹ tôi đùa: Đúng là Tết của nhà báo, Tết người ta nghỉ ngơi còn mình thì tất bật hơn cả ngày thường, may mà có mẹ ở nhà không thì ai lo Tết cho các cô cậu đây?

Một mùa xuân mới lại đến. Nhà báo, nhà đài lại bước vào vòng quay hối hả, miệt mài để mang đến cho độc giả, khán, thính giả những trang báo xuân, báo Tết, những chương trình truyền hình, phát thanh phong phú, đặc sắc. Với những người làm báo, Tết đến từ khi hoa đào còn chưa nở, và trong khi “đang Tết”, “chính Tết”, họ vẫn không ngừng nghe ngóng, quan sát, tác nghiệp để cho “ra lò” những tác phẩm nóng hổi, mang hơi thở cuộc sống. Cái Tết thứ tư làm báo cũng là cái Tết thứ hai, tôi không còn có cha ở bên để hàn huyên, chia sẻ tâm sự của người làm báo khi Tết đến xuân về. Ngước lên bàn thờ cha, tôi lại nhớ câu nói năm nào: “Sau này con không làm nghề như bố đâu, khổ lắm, Tết cũng không được nghỉ” và tôi tự cười mình: Nếu cho tôi chọn lại, chắc chắn tôi vẫn chọn nghề báo.

 
PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây