Chất lượng, chuyên nghiệp và sự lan tỏa là những giá trị tạo nên uy tín, thương hiệu của Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Vị thế giải thưởng ngày càng được khẳng định từ chính các cơ quan báo chí và đông dảo những người làm báo trong và ngoài tỉnh, minh chứng rõ nét qua số lượng và chất lượng tác phẩm tham dự mỗi mùa giải. Cũng từ thực tế này và trong bối cảnh đời sống báo chí phát triển nhanh chóng, đa dạng dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đã cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, nâng tầm giải thưởng.
Giá trị của một “sân chơi”
Trong số các giải thưởng báo chí thường niên cấp địa phương, có lẽ Quảng Nam là tỉnh duy nhất giải thưởng được vinh dự mang tên chí sĩ, nhà báo lỗi lạc Huỳnh Thúc Kháng. Hơn nữa, ngay từ khi phát động (năm 2006), giải thưởng này không chỉ dành riêng cho báo chí địa phương và những người làm báo trong tỉnh, mà là “sân chơi” chung cho giới làm báo chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước, với các tác phẩm báo chí về vùng đất và con người Quảng Nam. Những yếu tố này đã làm nên sự khác biệt của Giái báo chí Huỳnh Thúc Kháng so với nhiều giải thưởng của các địa phương khác và tạo sức hấp dẫn ngay từ đầu.
Mùa giải năm 2006, lần đầu tiên phát động, Ban tổ chức nhận được gần 100 tác phẩm dự thi ở các loại hình báo nói, báo viết, báo hình và báo ảnh. Từ đó đến nay, quy mô (cơ cấu giải thưởng, loại hình, thể loại báo chí) liên tục được mở rộng; sức thu hút của giải thưởng ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi loại hình báo in và báo hình, đã được tách thành hai loại giải thưởng theo nhóm thể tài báo chí (báo in có 2 loại giải thưởng dành cho thể ký báo chí và nhóm thể loại: bài phản ánh, tường thuật, ghi nhanh, điều tra, chuyên luận, bình luận; báo hình có 2 loại giải thưởng dành cho phóng sự dài, phim tài liệu và nhóm các thể loại tin, phóng sự ngắn, tọa đàm trực tiếp, khách mời trường quay). Riêng báo ảnh và báo nói, mỗi loại hình chỉ có một loại giải thưởng chung cho các thể loại.
Tổng số giải thưởng và tiền thưởng mỗi mùa giải cũng tăng mạnh so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, công tác tổ chức cũng ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, khoa học; Ban giám khảo gồm những nhà báo chuyên nghiệp, có uy tín trong và ngoài tỉnh, luôn làm việc công tâm, khách quan, chấm chọn, đề xuất trao thưởng đúng với mục đích, yêu cầu và thể loại quy định. Vì vậy; Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng hằng năm là “sân chơi” chung, có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo những người làm báo trong và ngoài tỉnh. Điểm qua số lượng, chất lượng, danh sách tác giả, tác phẩm, loại hình, thể tài và số cơ quan báo chí tham dự giải hằng năm, cũng như tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, chấm chọn, trao thưởng, nhiều anh em trong nghề đều có chung nhận xét, Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một giải thưởng báo chí cấp địa phương. Tác phẩm được trao thưởng luôn là niềm vinh dự, tự hào của người làm báo.
Đổi mới là cấp thiết
Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng là hoạt động nhằm ghi nhận, biểu dương, động viên báo chí và những người làm báo hăng say lao động, sáng tạo, chung tay vì sự phát triển của Quảng Nam; góp phần giới thiệu, quảng bá lịch sử, truyền thống và những bước phát triển của Quảng Nam đến với công chúng trong cả nước và thế giới. Và thực tế qua nhiều năm tổ chức, trong một chừng mực nhất định, giải thưởng đã đạt được mục tiêu này, minh chứng là ở quy mô số lượng tác phẩm; sự hưởng ứng của nhiều cơ quan báo chí; tính đa dạng về đề tài, thể loại báo chí và chất lượng tác phẩm.
Các nhà báo nhiều năm tham gia thành viên Ban giám khảo đều khẳng định, giải thưởng hằng năm là bức tranh toàn cảnh, sinh động, chân thực về thành quả phát triển (và cả những tồn tại, hạn chế) của Quảng Nam, qua lăng kính của báo chí những người luôn theo dõi, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội ở khắp các vùng miền. Tổng hợp những tác phẩm qua nhiều mùa giải, sẽ là kho tư liệu quý giá về sự phát triển của nền báo chí đất Quảng, có giá trị phục vụ lâu dài cho việc nghiên cứu lịch sử báo chí Quảng Nam; nhưng đồng thời, cũng là tài liệu hữu ích về những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, sự chuyển động của đời sống và những bước phát triển của tỉnh nhà. Đặc biệt, với tính chất và mục tiêu của giải thưởng, có khá nhiều tác phẩm dự giải tập trung ở các mảng đề tài chủ đề lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, những mô hình, điển hình tiêu biểu về sự năng động, sáng tạo, gương tốt, việc tốt, ý chí vượt khó vươn lên của vùng đất và con người xứ Quảng, và được phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn qua thể loại được xem là thế mạnh của báo chí, như: ký sự, bút ký, ghi chép, bình luận, bài phản ánh (báo in); phóng sự, phim tài liệu (báo hình); ghi nhanh, tường thuật trực tiếp (báo nói), phóng sự ảnh (báo ảnh).
Từ chính mục tiêu và ý nghĩa nhiều mặt của của giải thưởng nêu trên, soi chiếu với sự phát triển của đời sống báo chí hiện đại và quy mô, thể lệ giải thưởng hiện hành, đã cho thấy Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng đang có nhiều bất cập cần được khắc phục. Cụ thể, trong khi loại hình báo điện tử đang phát triển mạnh mẽ và là xu thế chung của báo chí hiện đại, song Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng chưa có giải thưởng riêng cho loại hình báo chí này. Bên cạnh đó, so với quy mô số lượng tác phẩm tham dự giải hằng năm, thì số lượng tác phẩm được trao thưởng còn khá khiêm tốn; tiền thưởng dành cho tác phẩm đoạt giải ở các thứ hạng cũng thấp hơn so với giải thưởng báo chí của nhiều tỉnh, thành phố trong nước và khu vực, trong khi tính cạnh tranh cao hơn nhiều. Loại hình báo hình luôn chiếm số lượng tác phẩm áp đảo (hơn 50%) trong tổng số tác phẩm dự thi, nhưng số lượng giải thưởng cũng rất hạn chế và cơ cấu chung của giải thưởng theo thể lệ còn khá cứng nhắc.
Để tiếp tục nâng tầm Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Hội Nhà báo Quảng Nam và Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh thực hiện đổi mới toàn diện giải thưởng theo hướng, tăng số lượng và tính linh hoạt trong cơ cấu giải thưởng, bổ sung thêm loại hình báo điện tử với các thể loại chủ lực như: emagazine, infographic, videographic, tin, bài tổng hợp đa loại hình vào thể lệ giải thưởng, đồng thời nâng mức tiền thưởng của mỗi giải thưởng. Hy vọng, khi UBND tỉnh ban hành quy định mới về giải thưởng giai đoạn 2021-2025, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng sẽ tiếp tục có bước phát triển mới, tạo nên sức hút ngày càng lớn hơn, rộng khắp hơn đối với những người làm báo và các cơ quan báo chí; và quan trọng hơn là duy trì và phát huy tốt hơn giá trị nhiều mặt của giải thưởng quan trọng này đối với sự nghiệp phát triển báo chí và quê hương Quảng Nam.
Kết quả trao thưởng từ năm 2016 đến 2020: Giai đoạn 2016-2020, tổng số giải thưởng tối đa hằng năm là 44 giải (gồm 6 Nhất, 10 Nhì, 10 Ba và 18 Khuyến khích) theo từng loại hình và thể tài, thể loại báo chí. Trong đó, báo viết có 2 loại giải (Giải Ký báo chí và Giải Bài phản ánh, tường thuật, phỏng vấn, điều tra, tác phẩm chính luận); báo hình có 2 loại giải (Giải Phóng sự dài, phim tài liệu và Giải Phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến); báo nói có 1 loại giải (Giải Bài phản ánh, phóng sự, chương trình phát thanh trực tiếp, ghi nhanh, tường thuật) và báo Ảnh (Giải Phóng sự ảnh, bộ ảnh, ảnh đơn). Về cơ cấu giải thưởng, đối với báo viết và báo hình, mỗi loại giải thưởng có tối đa 8 giải thưởng, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyết khích; báo ảnh và báo nói, mỗi giải thưởng cơ cấu tối đa 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyết khích.