Xuân Tân Sửu sẽ là mùa xuân của khát vọng và bứt phá

Thứ năm - 11/02/2021 14:56
Những động lực mới với nhiều dự cảm mới tươi sáng không chỉ là khát vọng mà còn là niềm tin cho sự bứt phá của năm Tân Sửu 2021. Mong muốn của người làm báo về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ bắt nguồn từ không chỉ những thành công mà từ những thiếu hụt, những thách thức như là một tất yếu của sự phát triển...

Đặc điểm nổi bật nhất của tình hình thế giới năm 2020 theo các nhà phân tích là năm của sự sợ hãi! Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống con người trên phạm vi toàn cầu, trong đó kinh tế thế giới đã phải trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Tình hình an ninh thế giới tiềm ẩn sự bất ổn sâu sắc. Việt Nam, đương nhiên không thể nằm ngoài vòng xoáy thử thách khắc nghiệt ấy.

Ở miền Trung, đại dịch Covid-19 cộng thêm lũ lụt những tháng cuối năm đã khiến mảnh đất “sánh 2 đầu đất nước” oằn cong trong đau thương, mất mát. Lũ lụt không chỉ cướp đi tài sản mà còn cướp đi tính mạng của chiến sĩ, dân thường, nhà báo. Nước mắt đã rơi hòa vào trắng trời nước lũ và sền sệt bùn đất sạt lở. Những giọt nước mắt đau thương, tức tưởi. Những giọt nước mắt gửi gắm yêu thương và chứa đựng sự can trường muôn thuở của miền đất túi mưa, ống gió. Trong khó khăn, thử thách ấy, những người làm báo nói chung và các Hội Nhà báo 6 tỉnh Bắc miền Trung nói riêng đã đồng hành hiệu quả và đầy tâm cảm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Có thể nói bằng tấm lòng vì nghĩa cả, bằng cái tâm trong sáng của những người cầm bút, các nhà báo đã không nề hà gian khổ, thâm nhập thực tế để từ đó tạo nên những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống và mang đậm tính nhân văn. Tổ chức các Hội Nhà báo đã được kiện toàn theo hướng hiệu quá, chất lượng và khát vọng phát triển sau Đại hội nhiệm kỳ 5 năm (2015 -2020).

Riêng Hội Nhà báo Hà Tĩnh, có thể tự hào khẳng định: Tiếp nối truyền thống những năm qua, năm 2020, Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng vào việc tổ chức, động viên, cổ vũ các nhà báo - hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm báo; đồng thời góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đổi mới, kiện toàn tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Cùng với việc kiện toàn tổ chức, Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, hướng hoạt động của Hội về các Chi hội, tới tận hội viên với các nội dung trọng tâm: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo

đức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Phương thức hoạt động chủ yếu của Hội là giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên; phát động các đợt thi đua, các cuộc thi báo chí, giải thể thao trong giới báo chí và nhiều cuộc hội thảo để hội viên thể hiện được khả năng, năng lực của mình...

Có thể khẳng định: Năm 2020, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Hà Tĩnh có những chuyển biến rõ nét; vai trò của Hội được nâng lên, tổ chức Hội ngày càng được củng cố và hoàn thiện, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, phong phú, hiệu quả hơn, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hội chủ động, tích cực tham gia vào công tác phối hợp quản lý, chỉ đạo báo chí, đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng chủ trương, chính sách đối với báo chí. Chất lượng hội viên nói riêng và đội ngũ người làm báo nói chung được nâng lên. Nhìn chung, 6 nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 37-CT/TW nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới đã được Hội Nhà báo tỉnh triển khai nghiêm túc, đạt nhiều kết quả. Cùng với sự lớn mạnh của Hội Nhà báo tỉnh, nền báo chí Hà Tĩnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của tỉnh.

Yêu cầu nhiệm vụ của báo chí trong tình hình mới đòi hỏi Hội Nhà báo Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đẩy mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Triển khai toàn diện các mặt công tác, đảm bảo các hội viên, nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt công tác thông tin báo chí, nghiêm túc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của các cấp Hội, tạo sự gắn kết trong hội viên; tổ chức tốt các hoạt động thường xuyên về xây dựng tổ chức Hội, công tác nghiệp vụ, các hoạt động xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại để học tập, trao đổi kinh nghiệm, đổi mới công tác Hội...

Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại được các hội viên, người làm báo háo hức mong đợi bởi nó mang niềm hy vọng về một sự phát triển, bứt phá trong hoạt động Hội và góp phần cho sự phát triển vững mạnh của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Việc Đại hội chậm hơn so với dự tính không làm các tổ chức Hội, các hội viên lo lắng mà ngược lại đem đến niềm kỳ vọng lớn lao hơn về một sự đổi mới được chuẩn bị kỹ lưỡng, dung chứa khát vọng về một tổ chức Hội đoàn kết, vững mạnh, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; Xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.


Các tổ chức Hội và hội viên mong muốn và hy vọng sau Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và thể chế hóa các nội dụng liên quan đến tổ chức, biên chế, Kinh phí, chế độ chính sách để thực hiện thống nhất trong toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nhà báo các địa phương hoạt động hiệu quả, Để nền báo chí cách mạng phát triển vững mạnh theo hướng giàu tính chiến đấu và nhân văn, hội viên và người làm báo khá băn khoăn khi một trong những chức năng quan trọng tạo nên hồn cốt và sinh khí của báo chí đó là chức năng giảm sát và phản biện xã hội nhưng chức năng phản biện xã hội của báo chí mới dừng lại ở chủ trương, đường lối của Đảng, mà chưa được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, vì vậy cơ chế pháp lý cho hoạt động phản biện của báo chí chưa được xác định một cách rõ ràng và đầy đủ. Cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phản biện xã hội của báo chí theo hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, cần thiết phải nêu rõ về cơ chế phản biện xã hội của báo chí như một điều luật cơ bản, để bảo đảm và thực thi giám sát và phản biện xã hội của báo chí...

Tiễn năm cũ, đón năm mới trong niềm tin tưởng vào con đường phát triển, đi lên của đất nước, sự phát triển của Hội Nhà báo và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo chúng ta tin tưởng và có quyền hy vọng rằng Đại hội XI sẽ là Đại hội mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, của tổ chức Hội Nhà báo. Đó không chỉ là hy vọng, là niềm tin mà chính là trách nhiệm của khát vọng đổi mới trong mỗi hội viên Hội Nhà báo chúng ta .

 
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải (Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh)
Nguồn Nhà báo & Công luận 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây