Để có tác phẩm chất lượng tốt dự thi báo chí

Thứ ba - 16/02/2021 09:57
Những năm gần đây, Đài PT&TH Bắc Giang có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, trong đó đáng chú ý nhất là chất lượng các tác phẩm báo chí được thể hiện ở các cuộc thi, liên hoan, giải báo chí quy mô quốc gia, các bộ, ngành Trung ương và Giải báo chí Thân Nhân Trung của tỉnh.
111
Đồng chí Trịnh Văn Ánh, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, 
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giải cho các tác giả đoạt giải B - giải Báo chí Thân Nhân Trung.
Làm thế nào để có tác phẩm báo chí tốt để tham gia và đạt giải cao tại các giải báo chí. Có lẽ, đây là câu hỏi mà mỗi phóng viên, nhà báo đều đã từng ít nhất một lần đặt ra cho bản thân mình khi lựa chọn và quyết định gắn bó với nghiệp báo. Tuy nhiên, với thể loại truyền hình, để có được tác phẩm báo chí ( chất lượng tham gia các cuộc thi và đoạt giải là điều vô cùng khó khăn. Bởi thể loại này là làm việc, sáng tạo theo ê-kíp: Từ đạo diễn, kịch bản, quay phim, kỹ thuật dựng, kỹ thuật đồ họa... Chính vì vậy, một tác phẩm báo chí thể loại truyền hình là sản phẩm “tập thể” do ê kíp thực hiện.

Để thực hiện một tác phẩm tham gia các giải báo chí thì yếu tố đầu tiên là xác định được đề tài và ý tưởng. Bởi từ đề tài và ý tưởng là cơ sở để quyết định sẽ thực hiện ở thể loại nào như phóng sự, phim tài liệu, phim khoa giáo, truyền hình tiếng dân tộc... Khi lựa chọn đề tài, các tác giả, nhóm tác giả quan tâm đầu tiên là yếu tố có tính thời sự, được công chúng quan tâm, có bị trùng với những đề tài cũ không? Đây là công việc đặc biệt quan trọng bởi đề tài tốt là bước khởi đầu để thực hiện tác phẩm báo chí thành công.

Sau khi xác định xong đề tài, một bước quan trọng kíp thực hiện phải đi thực tế, khảo sát hiện trường để xác định tốt góc tiếp cận và khả năng thực hiện tác phẩm. Quá trình nghiên cứu thực tế, khảo sát, liên hệ cơ sở, chúng ta có thể kiểm tra được những yêu cầu đặt ra cho tác phẩm đồng thời có cơ hội nảy sinh nhiều ý tưởng để thực hiện tốt tác phẩm. Sau khảo sát thì việc xây dựng kịch bản - kết cấu của tác phẩm truyền hình đòi hỏi sự đơn giản, dễ hiểu nhưng phải hấp dẫn, ấn tượng. Đặc biệt về hình ảnh, phóng viên quay phim sẽ bám chắc vào nội dung kịch bản và sẽ ghi cái gì, hình ảnh nào minh họa cho vấn đề này, vấn đề kia; nhân vật nào sẽ được ghi hình phát biểu, phỏng vấn, diễn tả thái độ, cảm xúc nhân vật trong câu chuyện... Hay nói một cách khác, cần hình ảnh hóa những ý tưởng chính để hình dung những chi tiết đặc trưng, cận cảnh, đặc tả thể hiện cảm xúc của nhân vật...

Ví dụ Phim tài liệu “Những cây cầu lịch sử” của nhóm tác giả: Quang Hà, Duy Tùng, Hữu Tuấn vừa giành Giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về thông tin đối ngoại, được nhận Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, thành công của phim này có 3 yếu tố:

Thứ nhất, Đề tài đi dọc miền đất nước để kể lại câu chuyện quân và dân ta anh dũng, kiên cường bảo vệ những cây cầu, bến phà để bảo vệ huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho miền Nam chống Mỹ là đề tài chưa từng được cơ quan báo chí ở trung ương hay địa phương đề cập.

Thứ hai, nhóm tác giả đã xây dựng kịch bản kỹ lưỡng, ở mỗi cây cầu, mỗi bến phà, trận địa đều có những câu chuyện xúc động được các nhân chứng sống kể lại. Nhiều nhân vật đã không giấu nổi cảm xúc và những giọt nước mắt nhớ về đồng đội đã được phóng viên quay phim ghi lại bằng chi tiết đặc tả ... Điều đó Đã mang đến cho người xem những cảm xúc sâu sắc về sự anh dũng, kiên cường của quân và dân ta chống lại những ngày đế quốc Mỹ tàn phá miền Bắc.

Thứ ba, bộ phim 10 tập chủ yếu là những câu chuyện được kể lại nhẹ nhàng, khéo léo bằng nghệ thuật sắp xếp của biên tập viên với việc sử dụng âm nhạc, hình ảnh tư liệu đã mang lại tính chân thực, mộc mạc nhưng rất xúc động của tác phẩm.

Với Phòng Chuyên đề - Đài PT&TH Bắc Giang, các phóng viên, BTV không chỉ trách nhiệm, thường xuyên nâng cao chất lượng các chương trình sản xuất hàng tháng, hàng quý mà mỗi kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc, mỗi giải báo chí, các phóng viên của phòng luôn tìm tòi, khai thác những đề tài mang tính thời sự, nhân văn để khai thác, sản xuất các tác phẩm tham dự. Mỗi phóng viên, BTV Phòng Chuyên đề luôn tâm niệm dù thể loại nào, giải thưởng nào thì tác phẩm báo chí cũng phải hướng về người dân, vì lợi ích chung của đại đa số người dân, của tỉnh, của quê hương. Trước mỗi chương trình được sản xuất để dự thi, ở phòng chuyên đề, nhóm sản xuất chương trình luôn nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ sát sao, định hướng kịp thời từ lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo phòng, để tác phẩm được đầu tư hơn, chất lượng hơn.

Điểm mấu chốt trong thành công của các tác phẩm truyền hình đó là phần hậu kỳ. Với lời bình sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, có tính cao trào theo diễn biến của nhân vật, sự kiện xuyên suốt tác phẩm và tùy theo thể loại truyền hình được kết cấu cho phù hợp. Đặc biệt quá trình dựng phim thì phần mở đầu phải khái quát được thông điệp của đề tài với hình ảnh ấn tượng để gợi mở sự tò mò, cuốn hút công chúng. Một tác phẩm được cho là thành công đó là sự kết hợp hài hòa giữa lời bình , ngôn ngữ hình ảnh, tiếng động hiện trường và âm nhạc. Nếu kết hợp không tốt các yếu tố trên, đặc biệt là thiếu tiếng động hiện trường, hoặc âm thanh hiện trường không phù hợp sẽ là “tai họa” hay nói cách khác là thất bại của một tác phẩm báo chí.

Thông qua các cuộc thi, liên hoan và các giải báo chí, những nhón tác giả và ê kíp làm việc đã tạo nên kỹ năng làm việc theo nhóm. Bên cạnh đó đã tạo cho mình một góc nhìn báo chí phong phú hơn, áp dụng vào các chương trình hàng ngày hấp dẫn hơn. Từ đó, những tác phẩm báo chí trên sóng Phát thanh – Truyền hình tỉnh Bắc Giang đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, góp phần đắc lực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình là mục tiêu mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Đài PT&TH Bắc Giang xác định từ năm 2019 đến nay. Với bất kỳ cuộc thi, liên hoan, giải báo chí nào từ cấp tỉnh đến trung ương, lãnh đạo cơ quan đều có kế hoạch tổ chức bài bản, phân công cụ thể cho từng phòng chuyên môn. Các đồng chí lãnh đạo phòng trực tiếp chỉ đạo, đồng hành với các tác giả, nhóm tác giả thực hiện tác phẩm dự thi từ khâu lựa chọn đề tài đến triển khai thực hiện, kiểm tra tiến độ công việc, duyệt tác phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy trong năm 2019, Phòng Chuyên đề đã đạt được nhiều giải thưởng tại các giải báo chí trong nước, trong tỉnh như Giải khuyến khích Giải báo chí quốc gia; Giải khuyến khích Giải báo chí Thông tin đối ngoại; Giải khuyến khích Gải báo chí tuyên truyền về biển đảo; Giải khuyến khích giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, 2 bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 và rất nhiều giải thưởng tại các giải báo chí khác trong tỉnh tổ chức.
 

Năm 2019, Phòng Chuyên đề đã giành Giải Khuyến khích Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí Thông tin đối ngoại, Giải báo chí tuyên truyền về biển đảo, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam; 2 bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 và nhiều giải thưởng tại các giải báo Chí khác trong tỉnh tổ chức.


Chu Ly
Người làm báo Bắc Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây