Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước đi kèm với việc ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường (BVMT). Nhờ đó, công tác BVMT đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như hệ thống chính sách, pháp luật BVMT đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, ngày càng phát huy hiệu lực trong các hoạt động quản lý BVMT. Đặc biệt, công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải ngày càng được quan tâm và có những chuyển biến nhất định.
Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn còn nhiều hạn chế. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục tăng, có nơi nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe của nhân dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn đang diễn biến phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường còn chưa đồng bộ, còn bất cập. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp đã được kiện toàn nhưng chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về môi trường...
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường (Trung tâm TT&DLMT), phụ trách Tạp chí Môi trường, trong công tác BVMT, cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về các chính sách của nhà nước về BVMT, xây dựng văn hóa BVMT, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Chính vì vậy, sự kiện được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường sự kết nối, đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường của các cơ quan báo chí.
PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường đã phổ biến về những điểm mới trong luật BVMT về bồi thường thiệt hại về môi trường như bổ sung nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, quy định chủ thể có trách nhiệm về yêu cầu bồi thường, bổ sung thêm phương thức giải quyết bồi thường…Bên cạnh đó, việc giám sát xã hội của cộng đồng dân cư về hoạt động BVMT cũng cần được lưu ý.
Tại hội thảo, TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ ra những thách thức cho nhà báo môi trường như áp lực thương mại của báo chí, áp lực kinh tế của người viết, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức, hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường. “Cơ quan quản lí nhà nước về môi trường: cần có bộ phận chuyên trách có kĩ năng hợp tác với báo chí trong cung cấp thông tin, xử lí thông tin một cách chuyên nghiệp… Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cung câp thông tin…”- Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất.
Nhà báo Trần Bá Dung cũng trao đổi một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý của sự phối hợp giữa báo chí và môi trường, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung của Luật Tiếp cận thông tin, quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhà báo Trần Bá Dung cũng nêu một số nội dung trong luật bảo vệ môi trường. Đó là quy định cung cấp công khai thông tin về môi trường, gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.
Trong nội dung cuối cùng của hội thảo, nhà báo Trần Bá Dung đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên, nhà báo, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp về vấn đề cung cấp thông tin về môi trường cho báo chí, cách thức tác nghiệp, lấy một số dẫn chứng cụ thể về vai trò phát hiện, phản ánh, giám sát của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường….
Trước đó, ngày 26/11 các đại biểu, nhà báo có chuyến tham quan thực tế công trình cải tạo phục hồi môi trường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Theo Lê Tâm/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên