Giá trị cốt lõi của Đài PT&TH Đồng Tháp là đậm bản sắc văn hóa miền Tây, xây dựng giá trị nhân văn và khai phóng sức sáng tạo với Slogan: “Đậm chất miền Tây”.
Bác Hồ căn đặn: “Cán bộ báo cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén... bài báo là tờ hịch cách mạng”.
Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo in ở nước ta hiện nay, thường thấy các tác phẩm báo chí đạt Giải quốc gia hay các cuộc thi lớn tầm quốc tế chỉ vinh danh tác giả hoặc nhóm tác giả là những phóng viên trực tiếp làm ra tác phẩm, nhưng chưa thấy ghi nhận công sức trí tuệ của người biên tập người đầu bếp góp phần không nhỏ mang lại sắc màu đậm đà rực rỡ cho tác phẩm. Do vậy biên tập viên vẫn cứ là người “vô danh”, trên tác phẩm báo chí. Tuy nhiên không có một cơ quan báo chí nào mà không có người biên tập, thậm chí đội ngũ này còn khá là đông đảo. Thế nhưng hiện nay ở nước ta vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo bài bản chuyên nghiệp cho riêng Nghề biên tập báo chí.
Nghề biên tập là một nghề khó, nhưng có vai trò quan trọng làm cho tác phẩm báo chí hay hơn, hấp dẫn hơn khi ra mắt công chúng. Lao động biên tập là lao động phức tạp, thầm lặng, đòi hỏi người đảm nhận công việc này phải hội đủ rất nhiều phẩm chất năng lực cần có. Bác Hồ đã căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén... Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Mỗi khi bắt đầu công việc biên tập tin, bài, phóng sự hay tác phẩm báo chí nào đó, người biên tập không chỉ phải tỉnh táo, cẩn trọng, xem tác phẩm như đứa con tinh thần của mình, để cảm nhận, thấu hiểu và tìm ra những điểm yếu, những điểm mạnh của tác phẩm. Nếu yếu, sai thì cần chỉnh sửa cho vừa đúng, đạt; nếu viết tốt chắc thì cần làm bật điểm mạnh ấn tượng của tác phẩm. Tránh chủ quan duy ý chí, tránh tô hồng hay bôi đen, suy diễn sự việc, làm mất đi tính khách quan của sự kiện cần phản ánh, thậm chí làm sai lệnh thông tin.
Phẩm chất năng lực của người biên tập và đội ngũ biên tập viên báo chí không phải tự nhiên hoàn thiện, mà rất cần có thêm sự bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện từ bản thân biên tập và các cơ quan chuyên môn. Cơ quan báo chí muốn có đội ngũ biên tập viên giỏi, cần phải tăng cường nhiều hình thức bồi dưỡng lòng yêu nghề, ý thức rõ sứ mệnh của báo chí, trang bị cho biên tập viên lập trường chính trị vững vàng, am hiểu chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rèn luyện tính cẩn trọng, khéo léo. Xây dựng nên đội ngũ biên tập viên có tâm, có tầm với nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ “đầu bếp” “gác cổng” cho cơ quan báo chí và là ''bà đỡ” cho từng tác phẩm báo chí.
Thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng và tiến bộ vượt bậc; công nghệ 4.0 đang cho ra đời nhiều thiết bị truyền dẫn tin tức hình ảnh tối tân; các loại hình phương tiện truyền thông mới như: Internet, truyền hình cáp, điện thoại di động kết nối Intenert,... ngay cả các tòa soạn báo in cũng phát triển thêm báo điện tử, Online, Cổng thông tin điện tử của tính cũng phát thêm trên kênh Youtube, Zalo, Facebook; các Đài PT&TH đều có thêm trang Web, hoặc facebook, Youtube, Zalo,... Nhưng mỗi thể loại đều cần có lối biên tập riêng.
Từ đầu năm 2020, Đài PT&TH Đồng Tháp đã mở ra thêm rất nhiều chương trình trực tiếp trên truyền hình, phát thanh. Riêng mảng truyền hình lúc trước chỉ có thời sự tối trực tiếp thì nay sáng, trưa, tối đều thời sự trực tiếp. Buổi sáng thì có “Sáng miền Tây” gồm tin tức thời sự + 2 mục: “Mua gì hôm nay”, “Chuyện nắng chuyện mưa”. Thời sự trưa là “Nhịp sống 24 giờ”, Thời sự tối thực hiện tổng hợp trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Do vậy, lực lượng biên tập được huy động đông nhất từ trước tới nay. Ngoài lực lượng biên tập viên sẵn có, nhiều bạn phóng viên, phát thanh viên, thậm chí lãnh đạo cũng được “biên chế” vô làm biên tập mới đáp ứng kịp cho guồng máy chạy hết tốc độ. Ngoài đội ngũ biên tập chính còn có thêm lực lượng biên tập phụ. Có êkíp 2, 3 giờ sáng đã phải ngồi vào bàn gõ phím biên tập. Số lượng đã tăng cao thì yêu cầu chất lượng biên tập cũng càng đòi hỏi phải tăng theo. Tính chung từ khi Đài phát sóng đến nay chưa xảy ra trường hợp nào sai sót lớn trong công tác biên tập phải bị truy cứu trách nhiệm dân sự, hình sự như xảy ra ở một số cơ quan báo chí khác. Tuy nhiên những sai sót nhỏ, hay phải “nhặt sạn” sau mỗi chương trình phát sóng vẫn còn xảy ra.
Trong điều kiện hiện nay chưa có trường lớp đào tạo bài bản chuyên nghiệp cho nghề biên tập thì mỗi cơ quan báo chí, hội nhà báo địa phương cần tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho nhà báo nói chung, những người làm công tác biên tập nói riêng. Như Đài PT&TH ĐT cần phát huy thêm giải pháp “bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ” như nhàĐài đã làm mấy năm trước: mời những người đảm trách công việc tổ chức sản xuất, biên tập viên chính, biên tập viên chuyên đề của VT9, HTV, VOV, VTV Cần Thơ,... đến Đài PT-TH Đồng Tháp để trao đổi nghiệp vụ chung cho phóng viên, phát thanh viên, và nói riêng cho biên tập viên truyền hình đa phương tiện, phát thanh liên kết, giao lưu tương tác,... Đây là cách đào tạo ngắn, tiết kiệm chi phí, nhưng hiệu quả, bởi được hướng dẫn kèm thực hành thiết bị phương tiện và tác phẩm cụ thể; giúp việc tiếp thu nhanh chóng, dễ dàng. Hội Nhà báo tỉnh bên cạnh việc mở các lớp bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo Chuyên đề nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong tỉnh cần chú trọng bồi dưỡng thêm nghiệp vụ biên tập báo chí; không chỉ cho những biên tập viên, mà còn cho cả tổng biên tập, phó tổng biên tập, người tổ chức sản xuất của Báo, Đài. Bởi đây là những người “bếp trưởng”, “nhạc trưởng” không chỉ có quyết định trực tiếp đến chất lượng của từng tác phẩm mà còn cho cả chương trình đăng, phát, cũng như định hướng truyền thông của các loại hình báo chí.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống kết nối thông tin điện tử, tạo hành lang thông thoáng để các nhà báo, và đội ngũ biên tập viên thuận lợi hơn trong việc tra cứu cập nhật thông tin, chính sách, chủ trương mới ban hành, nhằm giúp cho công tác Biên tập chuẩn xác hơn, kịp thời hơn và đúng định hướng. Và sau nữa chính các Biên tập phải luôn cần tự mình học hỏi, rèn luyện để làm tốt vai trò “Đầu bếp thầm lặng” mỗi ngày, để từng tin, bài, phóng sự, Chương trình đăng, phát đến người nghe, người xem, không bị nhạt nhẽo, đầy sạn.