Nhà báo Huỳnh Sơn Phước từng nói rằng, ông sẽ chẳng bao giờ có thể làm một chủ bút thành công nếu trong tay không có một đội ngũ có khả năng phát hiện, có thể đặt trên bàn ông những đề tài mà ông chưa từng nghĩ tới. Một ngày xuân năm 2004, sau khi sinh con đầu lòng, tôi nghĩ đến việc trở lại làng báo. Một tờ báo chính trị - kinh tế - xã hội hàng đầu là điểm đến tôi mơ ước sau gần bốn năm làm việc tại một cơ quan báo chí lớn chuyên về kinh tế. Sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định gọi cho nhà báo Huỳnh Sơn Phước một người tôi chưa từng quen biết trước đó. Sau vài câu hỏi, ông cho tôi lịch hẹn vào sáng hôm sau tại tòa soạn. Ở cuộc gặp gỡ này, ông vừa xoáy sâu vào nghiệp vụ của một phóng viên báo ngày - điều mà tôi còn chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa dành sự quan tâm đặc biệt đến quãng thời gian tôi tu nghiệp ở Học viện Báo chí quốc tế tại Berlin (Đức). “Ba ngày nữa, hãy trở lại gặp tôi với các bản photo những tin, bài hay nhất bạn từng viết, sản phẩm tốt nghiệp khóa học ở Đức, một báo cáo nhận xét về tờ báo Tuổi Trẻ hiện nay cùng những đề xuất cải tiến của bạn”, ông giao “bài tập”. Tôi nộp bài đúng hạn và đã gia nhập đại gia đình Tuổi Trẻ theo con đường “không chính quy” như thế! (thay vì phải qua thi tuyển và phỏng vấn trực tiếp của Ban giám khảo theo phương thức truyền thống).
Năm 2005, Tuổi Trẻ triển khai loạt bài “Điện kế điện tử: Tin cậy không?” -loạt bài đã mang lại cho Tuổi Trẻ giải báo chí quốc gia cao nhất trong năm về thể loại điều tra mà tôi có may mắn được tham gia cùng các đồng nghiệp. Loạt bài này cũng trở thành biểu tượng cho nghiệp vụ điều tra của Tuổi Trẻ với nhiều cái “nhất” trong lịch sử hình thành và phát triển của tờ báo: nhiều bài vở nhất, dài hơi nhất, nhiều phóng viên tham gia nhất, nhiều bạn tham gia nhất (lần đầu tiên với một tuyến bài điều tra, Tuổi Trẻ đã huy động sự
phối hợp của đội ngũ đến từ các ban khác nhau như Chính trị - Xã hội, Kinh tế, Quốc tế... và đặc biệt là các Trưởng ban, Tòa soạn và cả Ban biên tập). Và loạt bài này cũng ghi lại một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Tuổi Trẻ trên hành trình mà nhà báo Huỳnh Sơn Phước mô tả là “trao trang báo cho những người làm báo không chuyên”, khi triển khai điều tra từ những lá đơn của các bạn đọc tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh tình trạng chạy phi mã của điện kế điện tử được lắp đặt thí điểm thay thế điện kế cơ.
Sau khi tôi trở về từ Singapore cùng với cố nhà báo Võ Hồng Quỳnh trong chuyến đi điều tra chân tướng đối tác cung cấp điện kế điện tử cho Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và viết ba kỳ cuối cùng để kết thúc loạt bài này, nhà báo Huỳnh Sơn Phước gặp tôi, ông nói: “Tuyến điều tra đã thành công nhưng Tuổi Trẻ cần phải “chỉ mặt gọi tên" những giao dịch nội gián rút ruột doanh nghiệp Nhà nước cũng như những hợp đồng chuyển cơ hội kinh doanh cho các công ty sân sau. Ông yêu cầu phải gặp gỡ phỏng vấn các chuyên gia kinh tế hàng đầu để họ đưa ra những nhận định và giải pháp cho việc cải tổ quản trị ở các doanh nghiệp Nhà nước. Những khái niệm như “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, hay “doanh nghiệp “ngoài khơi” bơi trên doanh nghiệp Nhà nước” (TS Phạm Duy Nghĩa) lần đầu tiên xuất hiện trên Tuổi Trẻ từ những “thách thức” như thế với cánh phóng viên, trong đó có tôi với bài phỏng vấn TS Vũ Thành Tự Anh về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
Nghề báo đầy những áp lực và căng thẳng nhưng ông đã đi qua một cách thong dong. Ông bảo “hòa hợp công việc và cuộc sống” (work-life integration) là điều ông luôn hướng đến và áp dụng trong suốt quãng thời gian làm báo. Ở đó không còn những giới hạn, bởi ông đắm say với nghề báo và tận hưởng nó trong mỗi phút giây của cuộc đời.
Võ Như Hằng
Thạc sĩ Quản trị Truyền thông (Đại họcStir ling)