Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, báo chí Hà Nam luôn đồng hành cùng với sự phát triển chung của tỉnh và đã có những đóng góp tích cực đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo Hà Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về nhu cầu thông tin trong thời đại 4.0, người làm báo luôn phải đối diện với rất nhiều thách thức. Đó chính là lúc, lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo cần phải được phát huy cao nhất. Để làm sáng tỏ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi, mạn đàm cùng nhà báo Bùi Hữu Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, người đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp báo chí Hà Nam.
Có người nói, “Lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng chính là chiếc la bàn đạo đức của những người làm báo”. Là người niên hơn 30 năm gắn bó với công việc của những người làm báo, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này, thưa ông?
Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Sinh thời, Chủtịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tài và đức ở đây được hiểu là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau và chỉ khi có đủ cả đức lẫn tài thì con người mới trở nên hoàn thiện được; trong đó, đức là yếu tố quyết định nhất. Nếu chiếu sang nghề báo, cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định như xương sống, rường cột đảm bảo cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng của cả một nền báo chí nói chung. Thực tế cho thấy, người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại thuộc về tư chất cả nhân, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo đối với công việc. Điều đáng nói là những yếu tố này chỉ có thể hình thành trên cơ sở nhận thức và ý thức của người làm báo.
Đạo đức vốn là những tiêu chuẩn nguyên tắc được xã hội thừa nhận, qui định hành vi của con người đối với nhau, đối với xã hội các nguyên tắc đạo đức được hiểu như những chiếc máy điều chỉnh hành vi của con người, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà mang tính tự giác. Trên cơ sở lý tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của người làm báo chuyên nghiệp. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, người làm báo phải biết xấu hổ, tự lên án những hành vi trái đạo đức, lạm dụng hoạt động báo chí vì lợi ích riêng.
Hoạt động báo chí trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Điều đó, rất dễ dẫn đến sự lạm dụng của báo chí. Với mục đích tăng lợi nhuận cho đơn vị, nhiều phóng viên đã “câu view” bằng những thông tin phi nhân bản; nhất là đối với hệ thống báo điện tử. Theo ông, trong trường hợp này, làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa mục tiêu về lợi nhuận của tờ báo và vấn đề lương tâm, trách nhiệm, lòng tự trọng của người làm báo?
Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Thực tế, những năm qua, trào lưu hội nhập và toàn cầu hóa đã dẫn đến áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông trong nước. Các phương tiện truyền thông đang mất dần vị trí độc quyền về thông tin trong xã hội. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khuynh hướng thương mại hóa báo chí đang diễn ra khá phức tạp ở một số cơ quan báo chí. Nhiều loại hình tư liệu mang tính chất tiếp thị, quảng cáo xuất hiện trên các phương tiện thông tin nên nhiều cơ quan báo chí vì mục tiêu doanh số nên phải chịu rất nhiều áp lực từ đơn vị chi tiền quảng cáo. Điều đó, làm cho độ tin cậy đối với báo chí giảm đi một bộ phận công chúng vì thế đã quay lưng với phương tiện truyền thông. Thêm vào đó, những bài báo phê phán một chiều, thiếu khách quan, minh bạch của một số phóng viên vô trách nhiệm cũng gây tác động tiêu cực đến công chúng.
Vì vậy, để tạo dựng niềm tin bền vững với công chúng, trước hết, mỗi nhà báo cần có những ứng xử phù hợp với qui tắc đạo đức nói chung, qui tắc đạo đức người làm báo nói riêng. Đối với các cơ quan báo chí, bất cứ một tin tức nào thiếu chính xác đều không được chấp nhận và phải bị xử lý. Lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo phải được đề cao. Nên chăng, có những cuộc trao đổi thường niên về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo; đặc biệt là đối với các nhà báo trẻ. Đây phải được coi là vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí. Căn cứ vào nội dung 10 Điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” để rút ra những bài học thực tiễn. Một trong những chức năng cơ bản của báo chí Việt Nam là giáo dục. Nhà báo là nhà giáo dục bằng thông tin. “Nhà giáo dục cũng cần đến sự giáo dục“.( Mác và Ăng-ghen toàn tập).
Trong thời đại bùng nổ thông tin, rất nhiều nhà báo tham gia các diễn đàn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Một số người đã lạm dụng danh nhà báo đi ngược với con đường đạo đức nghề nghiệp chân chính, gây tác động tiêu cực vào dư luận xã hội, gây sự hoài nghi của một bộ phận công chúng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất đối với cá nhân tôi, đó là được làm báo. Quan điểm của tôi, trước hết làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng
Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì vậy, 95 năm qua, cùng với báo chí cả nước, đội ngũ những người làm báo Hà Nam luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Để xây dựng một đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh, có lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng, các cơ quan báo chí của tỉnh Hà Nam rất chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đầy đủ và sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về lĩnh vực báo chí nói riêng. Thực hiện nghiêm túc “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng với Luật Báo chí. Đặc biệt, cụ thể hoá điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”, quy định nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.
Bước sang thời đại công nghiệp 4.0, báo chí là kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có định hướng liên quan đến đất nước, đời sống nhân dân. Ngay khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, lực lượng báo chí của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung được ví như một “binh chủng” xung kích trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ngoài nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ dạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch, khi những tin đồn, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, báo chí cũng là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ đó, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chung sức đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh. Rõ ràng, ở trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những người làm báo cũng luôn luôn được phát huy.
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có điều gì muốn chia sẻ với các nhà báo trẻ?
Nhà báo Bùi Hữu Tuấn: Trước hết, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí thời gian qua vẫn còn một số bất cập, khuyết điểm. Trong hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí. Vì vậy, trong bất kỳ giai đoạn nào, đòi hỏi người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội phải khẳng định rằng thế hệ các nhà báo trẻ hôm nay rất giỏi. Họ có thế mạnh hơn các nhà báo cao niên ở năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện; ngoại ngữ “siêu” hơn; hiểu biết hơn về các phương tiện kỹ thuật công nghệ. Những điểm mạnh này giúp các nhà báo trẻ có khả năng phân tích, tổng hợp để thể hiện những tác phẩm báo chí tốt.
Tuy nhiên, để trở thành nhà báo thành công, các nhà báo trẻ phải có kiến thức, có tư duy trong đó quan trọng nhất là tư duy kết nối, tư duy phản biện và dẫn dắt dư luận. Những điều này có được khi các bạn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, có sự rèn luyện của riêng mình. Nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, “va chạm” nhiều; từ đó mới có được kiến thức, kinh nghiệm, kiến giải thuyết phục về vấn đề mình viết.
Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Bùi Hữu Tuấn! Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam chúc ông sức khỏe và tiếp tục có những cống hiến cho sự nghiệp báo chí Hà Nam!