Dấu ấn nghề với đồng nghiệp Điện Biên: Cùng say với nghề nghiệt ngã

Thứ năm - 03/09/2020 15:15
Tháng 4/2014 sau 2 chuyến liên tiếp theo đường xe Hà Nội lên Điện Biên cùng Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam tác nghiệp và làm “cố vấn” phim “60 mùa hoa ban nở” cho Đài Truyền hình Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... thì tôi sang Praha thăm con cháu định cư bên đó.

Thật bất ngờ, thăm thú đất nước “giữa rốn trời Âu” này, gặp “Ta hay Tây” đâu đâu họ cũng nhắc tới Điện Biên, tới Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Nhớ, chiều tháng 6, thăm gia đình anh Đỗ Minh Quân và chị Bùi Thị Thu, gốc quê Hải Dương và Thái Bình định cư tại thành phố Velky Snov, tỉnh Ustecky kraj, Cộng hòa Séc (xưa là Tiệp Khắc). Nét Việt rất đầm trong trang thiết bị ngôi nhà mặt phố. Hai cháu Quỳnh Anh, Minh Ngọc sinh tại căn nhà này, cháu lớn nhất mới 10 tuổi. Thấy khách Việt, các cháu hoan hỉ mở Albun video Karaoke, rồi cầm micro hát vang bài “Tình ca Tây Bắc” tiếp nối là “Giải phóng Điện Biên” giọng Việt chuẩn từ ca từ đến âm điệu luyến láy, bổng trầm hệt như ca sĩ nhí Việt chính gốc khiến tôi cũng “tót” lên hòa lời ca cùng các cháu. Khách cùng tới hôm ấy có ngài Trung úy Cảnh sát hình sự Pavel, của tỉnh Usti n.l, cùng 2 cựu đảng viên Đảng Cộng sản thời Tiệp Khắc là ngài Slavek Sustr và ngài Tratec cùng ở thành phố Vilemov. Họ dán mắt lên màn hình nhìn minh họa ca từ, thưởng ngoạn lời hát, bắt mắt với hình ảnh của quần thể di tích chiến công xưa, của những bản làng, những nếp nhà sàn duyên dáng, những thiếu nữ tươi tắn, nếp tóc vun cao, khăn piêu, áo cóm, xà tích níu eo thon thả; những anh bộ đội Cụ Hồ quân phục màu lá cấy, mũ nan, dép lốp tưng bừng mừng chiến công... Chủ nhà Đỗ Minh Quân thao thao phiên dịch cho khách hiểu về lời ca, hình ảnh, sắc phục riêng có của mỗi dân tộc... khiến niềm vui ắp đầy trên khuôn mặt, ánh mắt của các vị khách...

111
Tác giả cùng khách vui bữa với gia đình anh chị Đỗ Minh Quân.

Bữa ăn, chúng tôi lại xoay vào chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ; về Điện Biên vươn lên đổi mới hơn nửa thế kỷ qua. Ngài Slavek Sustr hỏi tôi: Ông gắn bó với Điện Biên, hẳn cũng là lính của Cụ Hồ, là quân của Tướng Giáp? Tôi đáp: Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới 14 tuổi. Bố tôi và 3 người chú ruột đều là lính Cụ Hồ, cùng tham chiến tại Điện Biên Phủ. Hai người chú hy sinh trong cùng một tháng. Bố tôi bị mảnh lưu đạn của giặc găm vào bụng rồi bị kết mỡ, vết thương ấy theo ông cho tới khi từ giã cõi đời!... Là nhà báo, suốt mấy chục năm qua tôi luôn gắn kết với Điện Biên, thân thiết, gần gụi hệt như nơi sinh ra tôi. Năm nào tôi cũng đôi ba lần leo lên xe khách đến với những miền đất khó, đến với cái mới, cái hay của Điện Biên. Tôi đã viết tới trăm bài bút ký, phóng sự, chân dung tiêu biểu của người Điện Biên; xuất bản nhiều cuốn sách viết riêng về sức sống mới của Điện Biên, về tình người Điện Biên, về những tấm gương học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!... Ngài Slavek Sustr xen lời: Lớp đảng viên Cộng sản Tiệp Khắc thì dư âm Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp vẫn âm vang trong trái tim của mỗi chúng tôi. Thêm nữa, người Việt định cư ở đây, nay họ đã là dân tộc thứ 14 của Séc, vậy mà rất nặng tình, nặng nghĩa với Việt Nam. Năm nào chúng nó cũng tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Cụ Hồ; ngày Tướng Giáp từ giã cõi trần, thắp hương tưởng nhớ. Chúng nó khóc, khiến chúng tôi ai cũng mủi lòng! Tuổi cao, sức kiệt, tiền bạc có hạn... nhưng vẫn mơ một lần tới Việt Nam, đến với Điện  Biên! Nói rồi vị khách ngồi thừ ra. Đôi mắt già dõi về phía xa xăm...

Thế đó, người dưng và những người Việt định cư nơi xứ người còn quấn quyện với Điện Biên đến vậy; với tôi ấy là lẽ đương nhiên. Bởi gia đình tôi, đồng nghiệp trang lứa trên tuổi tôi đã đổ máu xương cùng Quân đội Nhân dân Anh hùng làm nên chiến tích Điện Biên Phủ. Bởi nơi đó tình người đầm ấm, trong trẻo như vòng xòe đêm hội, khiến bạn thơ tôi thốt lên ngay giữa đêm xòe: “Ở đâu người nhà như người dưng/Ở đây người dưng như người nhà/Trong vòng xòe không thừa một ai”! Cũng bởi, những người cùng làm công tác Hội với tôi trong vai Chủ tịch Hội nhà báo năng nổ hết lòng phát huy vai trò của tổ chức như các anh: Nguyễn Viết Điệu, Nguyễn Ngọc Kỷ, Hoàng Văn Thành (đều đã biền biệt ra đi), và nay là Nguyễn Vân Chương luôn tìm cách để hội viên coi Hội là mái nhà chung, là nơi để họ sáng đẹp, chắc khỏe hơn với nghề báo. Cũng bởi nơi đây đồng nghiệp của chúng tôi luôn biết cách để tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và quyết định loan tin rất trách nhiệm với người đọc, người nghe, người xem. Nơi đây đồng nghiệp của chúng tôi làm nên tin, nên bài, nên ảnh, nên chương trình truyền hình... nên một kỳ báo, tạp chí... họ đều phải đổi bằng mồ hôi, công sức, trí lực bởi dân trí đòi hỏi ngày một cao, bởi địa hình ngược xuôi chẳng khi nào là suôn sẻ. Bởi thế, họ luôn để tôi tin yêu, ngưỡng mộ, thậm chí kính nể và mến phục. Họ luôn năng nổ, trách nhiệm với nghề như Trần Toại; như nữ nhà báo Lê Thùy Lan viết truyền cảm cho người đọc bằng chi tiết “đắt” trong từng bài viết (nay là PV Báo Nhân Dân); là nhà biên tập kỳ cựu cặn kẻ, cẩn trọng, kỹ càng câu chữ, sự vụ sự việc trong từng tin bài như Trương Hữu Thiêm; là những hội viên rất giàu cảm xúc, đắc đạo chọn tứ để tạo nên cái hay, cái độc đáo trong thơ, trong nhạc như Vương Khon; là những hội viên tràn đầy bút lưc, tài quan sát, giỏi khám phá phát hiện, giàu sức sáng tạo để  tạo nên những áng văn, những truyện ngắn hấp dẫn góp sức làm tăng uy lực Hội tỉnh, như: Thùy Liên, Du An, Nguyễn Đức Lợi... Bởi thế, đến với Điện Biên, đến với đồng nghiệp, đến với nhân dân Điện Biên tôi luôn cảm thấy mình như được nạp thêm năng lượng để sáng tạo, để yêu nghề, say nghề, để thấy làm báo viết văn là nghề không có tuổi. Đến với Điện Biên là đến với kho tài liệu vô tận, đến với  cái mới cái hay để mà yêu mà say. Bởi “Tình yêu là vẫn mới” đúng như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã thay lời. Đến bởi yêu, đến để thêm đam mê, để tìm cái mới, cái hay, để làm mới bút pháp của mình nên chẳng khi nào thấy mình là cũ. Cho nên, chẳng ai bắt, không ai buộc tôi vẫn tự đến, tự đi. Có tiền là lên xe, có sức là lại đến, lại đi, lại viết. Nơi đây từ cuối tỉnh, đến thượng nguồn sông Mã, đến các cửa khẩu Tây Trang, Nậm Kè, Nậm Pồ, Apa Chải, rồi vượt sang Lai Châu với Thu Lũng, Ka Lăng... chúng tôi đều thân thiết với đồng bào, với các chiến sĩ biên phòng, và nhận ra rất rõ dân và chiến sĩ luôn bền chặt với “thế trận lòng dân”.

Báo chí muôn thuở là nghề khắt khe, nghiệt ngã nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Bởi chẳng ai khác, chính là nhà báo theo luật định được quyền tiếp cận với sự kiện, được quyền thông tin, thông tin chân thật, được quyền phản biện vì lợi ích tốt đẹp của nhân dân, của xã hội, của đất nước. Nhưng quyền ấy đầy tính khắt khe và nghiệt ngã, bởi dân trí mở mang, người đọc, người nghe, người xem đều được quyền phán xét và giám sát đạo đức nghề nghiệp và sự tác nghiệp của mỗi nhà báo thông qua tin bài. Cho nên, tôi yêu quý Hội Nhà báo Điện Biên luôn coi trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo, hội viên và cộng tác viên. Liên tiếp tổ chức các cuộc thi Báo chí để phát hiện, quảng bá và nhân lên những tài năng nghề nghiệp. Giúp hội viên thêm chắc tay nghề, thêm chuyên nghiệp với nghề ở thời hiện đại, thời công nghệ 4.0. Quý trọng Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ hiện nay như anh Phạm Ngọc Hân; Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lường Văn Xuyên và Thư ký các Chi hội nhà báo luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Hội, chú tâm bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tâm đức cho hội viên nhà báo, để họ luôn tự biết nhận ra tâm đức của mình, làm chủ cái tâm cái đức để tâm sáng, lòng trong, hướng theo cái thiện, cái tốt, cái hay để đem đến những điều tốt đẹp cho mình, cho xã hội và đất nước.

Với đồng nghiệp Điện Biên, tôi thực sự vui và tự hào, gần 150 hội viên ở 5 chi hội nhà báo, không ai để tiếng xấu cho Hội, cho chính giới báo chí của chúng ta, cho dù đời sống nhiều hội viên còn lắm nhọc nhằn. Say với nghề cũng bởi Hội luôn được Đảng bộ, Chính quyền tỉnh tin cẩn, nhân dân các dân tộc mến mộ, đồng nghiệp đó đây nể trọng. Bởi thế, trời thêm năm tháng, Hội Nhà báo Điện Biên có thêm những nhiệm kỳ đẹp, nhà báo thêm “bút sắc, lòng trong”, thêm đam mê với nghề “Khắt khe - Nghiệt ngã” mà cũng rất đỗi vinh quang!

Mùa thu - 2020
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển
(Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – HNBVN)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây