“Thằng nhỏ nhà em đau, khóc ngặt, tối về đến nhà em mới hay. Hơn chục ngày nay, ngày nào em cũng đi hiện trường làm tin Covid-19 từ sáng sớm tới tối mịt”.
Đó là dòng tin nhắn tôi nhận được vào lúc đêm muộn từ Khánh Hồng - nữ đồng nghiệp ở VP báo Dân trí tại Đà Nẵng - thành phố đang hứng chịu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường; kèm theo đó là áp lực tin, bài phục vụ bạn đọc nhanh chóng, đầy đủ nhất có thể từ nơi có thể nói là cả nước đang dõi tin.Nửa đêm mới về nhà, về rồi cũng không dám ôm con!
Khánh Hồng tâm sự: “Em mới xin bác sĩ tư vấn toa thuốc cho con. Em xem tình tình thằng nhỏ vẫn không ổn, có lẽ em tranh thủ đưa con đi khám. Trẻ con nhà em mới hơn hai tuổi, trường mầm non tạm nghỉ vì dịch, đâu biết gửi ai. Mấy hôm nay may nhờ có anh chị cùng ông xã trông chừng hộ, mà thằng nhỏ quấn mẹ, nên đi làm thì thôi, về nhìn thấy con là thương, nhưng không dám ôm con vào lòng ngay”.
Tâm sự của Hồng cũng là tâm sự của rất nhiều anh chị em đồng nghiệp ở các báo, đài đang trực tiếp ngày đêm có mặt tại hiện trường “điểm nóng” Covid-19 tại Đà Nẵng. Để đảm bảo an toàn cho gia đình khi tác nghiệp ở khu vực cộng đồng, đôi khi khó tránh được tiếp xúc nhiều người, khi đi làm về đến nhà, phóng viên phải ý thức tắm rửa ngay khi về nhà rồi mới ôm con hay lại mở máy tính tiếp tục viết bài, vì tin tức cần cập nhật liên tục.
Có một đồng nghiệp là phóng viên quay phim ở đài Truyền hình Thông tấn kể, về đến nhà,là người nhà để sẵn thau nước sôi để trụng hết quần áo cho sạch sẽ.
Thậm chí có phóng viên ở Đà Nẵng, có về nhà nhưng không gặp ai mà đi riêng một lối. “Tôi phải tự xem mình là một người mắc Covid-19, hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng ít, là cách phòng, chống dịch tốt nhất cho bản thân mình và cho người thân, bạn bè, cũng như mọi người xung quanh” - phóng viên này nói.
Cũng có những nỗi niềm “tiến thoái lưỡng nan”, như một bạn đồng nghiệp trẻ mới ra trường, rất xông xáo làm cộng tác viên hiện trường, kể rằng: Chủ nhà trọ tuyên bố cho ở, giảm miễn tiền phòng, hỗ trợ nhu yếu phẩm luôn trong những ngày dịch dã này, với điều kiện... “đừng có đi lấy tin, tiếp xúc nhiều người, không biết ai vào ai, nguy cơ cao thế lỡ mắc Covid-19 thì ảnh hưởng mọi người ở xóm trọ”.
Rớt nước mắt với hộp cơm treo lủng lẳng trước cửa nhà
Tác nghiệp ở hiện trường, đi từ thời điểm sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, khi mà hàng quán đều phải nghiêm chỉnh cửa đóng, then cài, không bán thức ăn chế biến sẵn, thì việc chế vội tô mì tôm, thậm chí cắn lương khô ăn tạm giữa lúc đang ngồi bệt trên hè phố để mở máy tính, gửi tin bài về toà soạn cho nóng là chuyện như cơm bữa ở phóng viên thời Covid-19 “nóng sôi” ở Đà Nẵng.
Đó là chưa kể có những đồng nghiệp mà gia đình cả hai vợ chồng đều làm báo, hoặc hai vợ chồng, mỗi người ở hai chiến tuyến nóng bỏng là chiến tuyến thông tin và chiến tuyến của y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Như nhà báo Nguyễn Đông ở báo VNExpress có vợ công tác ở Bệnh viện Đà Nẵng, nhà báo Thuỳ Trang ở báo Lao Động có chồng là bác sĩ...
Đông kể khi nghe một bác sĩ trên đường đi cách ly, không biết nói gì vì nghẹn, vì bao nhiêu thứ chưa kịp lo do phải đi đột ngột quá, bạn ấy thấy bóng dáng câu chuyện nhà mình trong đó. Hay Thuỳ Trang nghĩ mà thương anh chồng bác sĩ khi nghe ông xã nói bữa ăn là tô bún nước nóng hổi, xong việc mở ra ăn thì tô bún đã nguội ngắt...
Có hôm tôi đi làm về nhà mà thấy gai gai lạnh vì đường phố mùa dịch vắng tanh, một người, một xe, một phố. Thế nhưng về đến nhà, lòng ấm lại khi thấy trước cửa nhà treo lủng lẳng hộp cơm đầy đủ chất của một người chị gửi tới cho đứa em đang vất vả mùa dịch.
Đôi khi, trái tim nóng quá mà cái đầu khó lạnh
Cũng từ hiện trường tác nghiệp, trái tim của người làm báo không khỏi xót xa trước những điều trông thấy trong nghịch cảnh mang tên Covid-19. Như tiếng khóc xé lòng của người nhà bệnh nhân trong thời khắc bắt đầu phong toả khu vực xung quanh 3 bệnh viện được cho là tâm dịch, cái đấm tay vào ngực thình thịch vì phải tuân thủ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên không thể kề cận người nhà đang ốm đau “thập tử nhất sinh” ở bên trong bệnh viện. Chúng tôi rưng rưng với đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách” truyền thống của dân tộc, trước những tấn hàng nhu yếu phẩm trĩu nặng nghĩa tình của người dân gửi vào ủng hộ các y bác sĩ và bệnh nhân trong bệnh viện; hay hình ảnh người dân mang vội quả cam, ly nước mát đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Xúc động trước hình ảnh những người dân trong khu vực phong toả chuyển giúp đồ đạc của người nhà gửi cho bệnh nhân trong bệnh viện.
Nghề báo là như thế, buồn vui theo câu chuyện hàng ngày, buồn vui với từng tấm ảnh, từng con chữ, từng bài báo. Thầy tôi dạy, người làm báo phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Đó là một bài học khó, bởi lắm lúc trái tim nóng quá mà cái đầu khó lạnh để quyết định đưa hay không đưa thông tin này trên mặt báo; hay là kịp suy nghĩ cho kỹ tình huống này mình phải chọn phương án tác nghiệp nào cho vừa an toàn vừa đảm bảo thông tin đến bạn đọc nhanh, đúng mực, chuẩn xác thực tế từ hiện trường.
Khi đang viết vội lại đôi dòng nhật ký làm báo thời Covid-19 ở Đà Nẵng này, chiều 6/8, tôi nhận được một tin vui: Tất cả 40 mẫu xét nghiệm Covid-19 của 40 phóng viên tác nghiệp hiện trường ở Đà Nẵng cho kết quả âm tính. Một niềm vui rất con người, sau gần 2 ngày hồi hộp đợi kết quả.
Dù có thể tính đến yếu tố may mắn, theo tôi, đây chính là một sự ghi nhận có chứng cứ khoa học rằng các phóng viên hiện trường đều luôn ý thức rất cao trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch giữa “điểm nóng” Covid-19.
Mong Đà Nẵng và cả nước mạnh mẽ và bình an, cùng nhau chiến thắng Covid-19!