Chúng ta có thể tạm hiểu, “tố chất” là những phẩm chất riêng của mỗi người Những phẩm chất ấy có thể do di truyền hoặc tự nhiên từ khi mới sinh ra đã được hưởng thụ, nói theo kiểu dân gian là “Trời sinh”. Bên cạnh, có những tố chất do quá trình rèn luyện, học tập, trau dồi mà hình thành nên những năng khiếu vượt trội, như khả năng tập hợp, điều hành tập thể; khả năng truyền đạt, chỉ đạo, làm việc nhóm; khả năng dám nghĩ dám làm và tự chịu trách nhiệm. . . Như vậy, với nghề báo, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Những tố chất nào để trở thành một nhà báo giỏi? Với câu hỏi này, chúng ta phải đặt ra hai vấn đề để giải quyết: Một là, tố chất của nhà báo là gì? Hai là, một nhà báo giỏi có những tố chất nào vượt trội?
Tố chất của nhà báo là gì?
Tổng hợp trong các giáo trình báo chí nước ta hiện tại, dù chúng ta đi theo chuyên ngành đào tạo báo viết, báo hình, báo nói hay báo điện tử thì có thể quy nạp về 4 tố chất cần thiết chung cho người làm báo, đó là: Trung thực, năng động; chịu đựng áp lực với công việc; có niềm đam mê truyền thông tin; có phẩm chất chính trị nghề báo chí thì nên tự kiểm tra lại vững vàng, trong sáng. Nếu quá trình học tập và trưởng thành ai đó có thiên hướng thích theo nghề báo chí thì nên tự kiểm tra lại mình có những đức tính nào phù hợp với nghề nghiệp mà chúng ta theo đuổi. Nên nhớ rằng, chúng ta không vì một mẫu hình nào đó ngoài đời mình thích hay vì chút hào nhoáng bên ngoài của nghề báo làm cho mình bị thu hút... mà quyết định chọn nghề, trong khi đó bản thân thiếu những tố chất cơ bản để trở thành một nhà báo đích thực. Tôi nghĩ, nếu một người, ở đời thấy việc khó khăn thì tìm cách lảng tránh; không có khả năng bảo vệ cái đúng, ít tranh luận để tìm ra lẽ phải, hoặc sợ mất lòng người khác khi tranh chấp một vấn đề nào đó; hay ai đó có cá tính an phận thủ thường, sống trầm lặng, ít muốn thể hiện mình trước đám đông, sống hưởng nội .. Đặc biệt là họ không có khả năng diễn đạt trôi chảy một vấn đề nêu ra, dây cà dây muống không biết đâu là trọng tâm của vấn đề cần trình bày; nói năng không thu hút người nghe, ít lợi khẩu; khi viết lách không gãy gọn, thiếu ngôn ngữ, bố cục rườm rà; quan trọng là kiến thức tổng hợp hay vốn sống không phong phú, kiến văn hụt hẫng. .. thì bước vào nghề báo khó có thể thành công. Điều quan trọng đối với người làm báo khi tác nghiệp “là khả năng phát hiện vấn đề, nhận ra đâu là thông tin mới trong một rừng thông tin được nghe thấy. Đối với một người có con mắt báo chí, thì phải có độ nhạy để phát hiện ra cái mới trong những góc quen thuộc đó. Chúng ta biết rằng, quy luật tự nhiên cũng như xã hội không bao giờ đứng yên một chỗ, mỗi ngày đều có sự đổi thay. Như vậy nhiệm vụ của người làm báo là tìm ra sự đổi thay ấy và thông tin đến mọi người.
Bên cạnh việc phát hiện thông tin, nhà báo còn phải có tố chất quan trọng khác là năng khiếu truyền tải thông tin đó đến người đọc, người nghe một cách thuyết phục nhất, kịp thời nhất. Một nhà báo thiếu kỹ năng viết lách, trình bày một vấn đề để người khác hiểu sự việc, sự kiện đang xảy ra thì không thể tồn tại lâu dài với ngành nghề. Đó là chưa nói đến các thể loại báo chí như phóng sự, phóng sự điều tra; ký báo chí hay ký chân dung. .. rất cần đến nhiều năng lực tổng hợp khác mà người phóng viên phải thực hiện trong thời gian nhất định. Một nhà báo lành nghề là người thể hiện được nhiều thể loại báo chí, trong đó có cả viết bình luận, xã luận. Muốn đạt đến khả năng đó, tất nhiên ngoài lập trường tư tưởng vững vàng, người làm báo phải chuyên tâm đọc sách báo, rèn luyện cho mình có phông văn hóa phong phú, hiểu biết nhiều lĩnh vực; đặc biệt là cố gắng đi nhiều viết nhiều, thử khả năng của mình ở nhiều thể loại khác nhau. Nhưng điều quan trọng là khi xác định mình đã đứng vững, tự tin với nghề báo thì cần chú ý đến rèn luyện phong cách, nét thể hiện riêng không lẫn lộn với người khác.
Chính phong cách báo chí là bước khẳng định thế đứng của một nhà báo trong lòng bạn đọc. Cùng một sự kiện, một vấn đề xảy ra nhưng có thể bạn đọc chỉ chọn đọc ở tác giả này của báo A mà không chọn đọc của tác giả kia của báo B. Điều đó để thấy rằng khả năng “viết lách” có tầm quan trọng dường nào đối với người cầm bút nói chung và người làm báo nói riêng. Nhiều phóng viên, ban đầu mới vào nghề chỉ là một “tay bút” bình thường nhưng quá trình rèn luyện qua thực tiễn họ trở thành một “cây bút” sáng giá được bạn đọc tôn vinh.
Một nhà báo giỏi có những tố chất nào vượt trội?
Ở đây, chúng ta cũng cần phân biệt khái niệm lành nghề và khái niệm giỏi. Trong thực tế báo chí ở nước ta cũng có nhiều nhà báo viết thành công trong một số thể loại, đạt được nhiều giải thưởng ở địa phương, ngành và trung ương nhưng chưa chắc đứng vững trong lòng bạn đọc với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên có một yếu tố căn bản mà theo tôi nó tạo ra hai cấp độ khác nhau, đó là phong cách báo chí hay phong cách ngôn ngữ báo chí, được hiểu một cách phổ thông là cách viết của người làm báo. Nhà báo giỏi là người đã xác lập được phong cách báo chí riêng. Họ đạt đến trình độ diễn đạt vấn đề theo lối ngôn ngữ đặc trưng nhưng đảm bảo tính chính xác, tính đại chúng, tính biểu cảm của ngôn ngữ báo chí, được công chúng chấp nhận và yêu mến. Còn ở nhà báo lành nghề chưa chắc tạo được phong cách báo chí.
Ngày nay, trong thời buổi hội nhập toàn cầu, người làm báo ngoài những điều kiện ắt có cần thiết trong nghề nghiệp còn phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để giao tiếp và đọc, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, đồng thời trình độ tin học phải đạt ở mức độ phục vụ tốt cho nghề báo.
Tóm lại, một người khi có chí hướng muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có niềm đam mê, sự kiên trì học hỏi, rèn luyện. Một người dù có tố chất thông minh, năng khiếu trời cho nhưng nếu không có môi trường rèn luyện thường xuyên hoặc không hoạt động thực tiễn để có điều kiện sáng tạo thì dễ bị thui chột. Trong thực tế, một người có năng lực trung bình nhưng có phương pháp rèn luyện tốt vẫn có thể thành công “có công mài sắt có ngày nên kim”. Nghề báo cũng vậy, không thoát ra ngoài các quy luật nói trên.
Bùi Quang Vinh
(Người làm báo Gia Lai)