Nhà báo là nhà báo suốt đời

Thứ hai - 27/07/2020 15:16
Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng tham luận của nhà báo cao tuổi Khiếu Quang Bảo, Hội viên CLB nhà báo cao tuổi tại Đại hội Hội Nhà báo Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội Nhà báo Tp Hà Nội thành lập vào năm 1989, Ban liên lạc các Nhà báo cao tuổi Hà Nội ra đời sau đó, ý tưởng của Chủ tịch Hồng Lĩnh, về tâm lý, không muốn để các nhà báo Hà Nội có cảm nhận mình không còn là nhà báo nữa. Đầu tiên có tên “Các nhà báo hưu trí Hà Nội”. Hai từ “hưu trí” với nghề báo nghe buồn. Bởi họ vẫn làm nghề, mới đổi tên “Các nhà báo cao tuổi” cho đỡ…tủi thân. 5 năm sau tôi mới “nhập môn” tổ chức này.
111
Nhà báo lão thành Khiếu Quang Bảo tham luận tại Đại hội Hội Nhà báo TP Hà Nội lần thứ VII
Ban liên lạc Các nhà báo cao tuổi Hà Nội chia 3 nhóm. Nhóm 1 là các nhà báo từng làm việc ở Báo Hà Nội mới. Nhóm 2 là các nhà báo từng làm việc ở Đài PT-TH Hà Nội. Nhóm 3 là các nhà báo từng làm việc ở báo ngành, đoàn thể của Hà Nội.

Con số này nay lên tới trên 160 hội viên. Rất nhiều nhà báo cao tuổi Hà Nội ở vào tuổi 70 vẫn viết khỏe còn hơn những ngày tại chức. Viết bằng kinh nghiệm và trải nghiệm cả một đời nghề.

Khi còn đặc san “Nhà báo Thủ đô” có tới 70% lượng bài là của các nhà báo cao tuổi “nuôi” tờ đặc san này trong suốt nhiều năm qua. Đến đội ngũ biên tập, Hội cũng “cậy nhờ” các nhà báo cao tuổi. Lại có hơn chục nhà báo lứa 65 – 75 còn đi làm như công chức ở cương vị cố vấn thẩm định các tác phẩm báo chí cho các cơ quan truyền thông. Thu nhập cao hơn cả hồi chưa “hưu”. Một số nhà báo có viết văn còn “sòn sòn” ra tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập bút ký, tập thơ và văn học dịch nhữ các nhà báo Bắc Sơn, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Chiến, Nguyễn Trọng Văn, Cao Ngọc Thắng, Khiếu Quang Bảo... Và thật vinh hạnh, nhà báo Giang Quân còn được thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Công dân ưu tú” vì những cống hiến của ông trong sự nghiệp báo chí và văn hóa của thành phố khi ông bước sang tuổi “cụ”.

Những năm đầu chúng tôi ra sách “Những kỷ niệm một thời làm báo” mỗi năm 1 cuốn đã ra tới tập 6 phải dừng vì tài chính khó khăn. Nhà báo Thọ Cao “cây đi xin tiền” mà anh rất tài bởi anh vốn theo dõi công nghiệp Hà Nội nên các doanh nghiệp vị nể hỗ trợ ra sách, đến nỗi “cưa” được cả UBND TP cấp 20 triệu để ra sách. Cũng trước đây các cuộc tham quan, nghỉ mát tổ chức thường xuyên nhưng nay cũng khó vì tài chính. 5 năm nay chúng tôi buộc phải thu hội phí 100.000 đồng / người mỗi năm. Số tiền này chi cho các việc thăm hỏi hội viên mỗi khi ốm đau, có việc tang kể cả vợ cùng “tứ thân phụ mẫu”. Và cũng để có tiền “chúc thọ”, “mừng thọ” vào dịp Tết mỗi năm khi các hội viên “lên tuổi chẵn” chu kỳ 5 năm. Lại còn phong bao “tiền xe ôm” mỗi năm 2 lần họp mặt.

Vào mỗi dịp Kỷ niệm Ngày BCCMVN 21-6 “3 bác lớn” (Hà Nội mới – Nhân Dân – Đài PT-THHN) thay nhau đăng cai một buổi họp mặt cực kỳ vui, chia sẻ - hội thoại – ngâm thơ – thông tin nội bộ. Tất nhiên không thể thiếu bữa tiệc đứng sang trọng có bia hơi nồng ấm âm vang tiếng “keng” chạm ly thủy tinh trong. Tôi nói điều này là để tỏ lòng biết ơn lãnh đạo “3 cơ quan truyền thông lớn” đã dành sự quan tâm đặc biệt đem lại cho các nhà báo cao tuổi những buổi gặp mặt vui thường niên này.

Tôi nghỉ hưu 19 năm nay nhưng chưa có một ngày nghỉ hưu. Liên tục làm việc cho các cơ quan truyền thông VTC, QPVN và giờ là Truyền hình Nhân Dân. Đồng hành với thế hệ các nhà báo kém tôi 2-3 giáp. Buộc phải thích nghi.

Báo chí đang sống trong kỷ nguyên số, đó là cơ hội cho báo chí phát triển, nhà báo tự khẳng định nghề nghiệp mình, nhưng đó cũng là thách thức với giới báo chí trong dòng chảy lớn, thậm chí là “thác lũ” của truyền thông.

Báo chí, với trọng trách xã hội là thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội mà ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội tích cực và chống tiêu cực, được xã hội yêu quý xem như... Quyền lực thứ tư - Quyền lực tạo dư luận xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà có các cuộc tọa đàm “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp”, Cuộc thi viết về “Tam nông”, và các nhà báo tham gia rất sâu vào các đề tài kinh tế - thương mại trong kích thích chuỗi cung ứng, liên kết từ xản xuất đến tiêu thụ, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.    

Các nhà báo ngày nay được đào tạo rất cơ bản, không những về nghiệp vụ báo chí, mà còn được đào tạo cả một chuyên ngành nào đó thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội đủ khả năng theo dõi chuyên biệt. Báo chí ngày nay còn tổ chức tập hợp được một đội ngũ chuyên gia đủ lĩnh vực làm cộng tác viên góp cách nhìn đa chiều phản biện xã hội cùng đánh giá những vấn đề cần tranh cãi cho sáng rõ hơn để Chính phủ nghiên cứu tham khảo có quyết sách chính xác. Ví dụ “gói cứu trợ” các doanh nghiệp nên hay không nên? Bởi nó được chuyên gia nhìn nhận như là để “phúng viếng” chứ không phải là “cứu sinh”, thay vì hãy giảm thuế cùng các nghĩa vụ khác để các doanh nghiệp bán được hàng tồn kho, thu hồi vốn tái sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, người lao động có thu nhập kích cầu tiêu dùng. Những bê bối về tham nhũng đã trở thành vấn nạn trong phân bổ đất đai cho dự án, quản lý đấu thầu, chính sách giá, quản lý tiền tệ, chi tiêu công, cải cách hành chính… được báo chí nêu ra gần như thường nhật. Sự bảo thủ trong đường hướng giáo dục và đào tạo, cũng như quản lý yếu kém trong y tế, văn hóa, xã hội dưới cách nhìn “giải phẫu biện chứng” của báo chí, cho thấy báo chí thực sự đóng vai trò quan trọng trên mặt trận dư luận. Tuy nhiên, hoạt động tác nghiệp báo chí không dễ dàng gì mặc dù có Luật dành riêng cho báo chí. Những hành động thiếu hợp tác, chống đối hành hung nhà báo ngày một nhiều và nghiêm trọng. Báo chí vào cuộc những vấn đề nhạy cảm càng khó khăn hơn.

Báo chí có sai lầm không? Chính xã hội phong cho Báo chí danh hiệu “Quyền lực thứ tư” mà nhiều khi chức trách định hướng dư luận, hướng dẫn dư luận đã mất hướng, lạc hướng. Báo chí đôi khi thiếu đồng nhất cảm nhận cùng bạn đọc và đối tượng bị phê phán. Trong hệ thống báo chí, phát thanh và truyền hình có lợi thế nhất trong việc cập nhật tin tức trong bản tin thời sự hai giờ một lần. Các báo điện tử nhanh hơn có thể “post” lên mạng ngay khi làm xong tin nhất là tin nóng. Các báo in phải đưa sự kiện vào sáng hôm sau nhưng có lợi thế khác là có điều kiện kiểm chứng cùng cân nhắc kỹ càng và viết sâu hơn. Đưa tin nhanh là một trong những tiêu chí hàng đầu có giá trị tuyệt đối đối với mỗi tờ báo hằng ngày. Nhưng tính chính xác của sự kiện lại cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu. Những thông tin liên quan đến đời sống, sức khỏe mà không kiểm chứng, cân nhắc, tai họa khó lường. Cách nay chưa xa, báo chí đưa tin vải thiều bị côn trùng xâm hại ăn vào tác động xấu gây viêm não làm cho 18.000 héc-ta vải thiều huyện Lục Ngạn với sản lượng 120.000 tấn một năm giữa mùa thu hoạch không ai dám mua ăn nữa. Mà thu nhập từ vải thiều chiếm 60% tổng thu nhập nông nghiệp toàn huyện Lục Ngạn. Sau vải thiều đến bưởi gây ung thư. Rồi gạo giả, trứng giả. Các loại thông tin không chính xác ấy đẩy nông dân tới khốn cùng.

Cũng giống như nhân gian thôi. Quyền lực và chứng nghiện quyền lực có những tác động gần giống như cocaine, và việc có quá nhiều quyền lực dẫn đến những tác động tiêu cực, chẳng hạn như sự hung hăng và tâm lý nóng vội. Và đó cũng là cách giải thích hành vi khác lạ và bốc đồng ở người và tổ chức khi được trao quyền lực, sẽ dẫn đến những sai sót thô thiển trong đánh giá cũng như không chấp nhận rủi ro, thất bại, chưa kể xem mình là trung tâm của vũ trụ và thiếu đồng cảm với người khác. “90 giây để hút bất  kỳ ai” (How to Make people like you in 90 seconds) của tác giả Nicholas Boothman đã gợi mở những kỹ thuật đơn giản nhắm tới sự hòa hợp: Chọn lựa thái độ thực sự hữu ích (thái độ tích cực); Hiểu rõ về lời nói, giọng điệu và cử chỉ điệu bộ của mình khi nói ra bất cứ điều gì; Đồng bộ thái độ và những chuyển động cơ thể của bạn với người khác. Chính điều này sẽ khiến người đối thoại với bạn cảm thấy thoải mái, dù rằng họ không biết được nguyên do tại sao. Cách thức phát hiện giác quan ưu trội của người khác: là kiểu người Thị giác, Thính giác hay Xúc giác, cần sử dụng phát hiện này tốt nhất có thể trong nghiệp vụ.

Cái lỗi của truyền thông là tự cho mình cái gì cũng đúng. Lẽ ra là giúp người đọc có một nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về biện luận, chứ không phải chỉ đơn thuần là việc đưa ra những ý kiến của mình dưới một dạng thức mới, mà là việc đưa ra hàng loạt lý do hay bằng chứng để củng cố cho kết luận. Biện luận không phải là tuyên bố hay tranh cãi về một quan điểm hay vấn đề nào đó, mà là cố gắng bảo vệ cho một quan điểm nhất định với các lý lẽ và bằng chứng rõ ràng. Và báo chí hãy làm sáng tỏ nhiều hơn chân lý đó. Cần nhớ rằng báo chí không có “bạn thân”. Cũng như không có “kẻ thù”. Có bạn thân ngòi bút thiếu công bằng. Có kẻ thù là phải quyết chiến quyết thắng bằng bất cứ cách nào, đơn thuần là ý chí mà thiếu lý trí. Báo chí cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Một người không đúng đắn không thể làm được việc đúng đắn. Không thơm như hoa không cao như cây thì chỉ là cành cỏ không ai biết đến. Báo chí truyền thông là diễn đàn công chúng dành cho. Phải học cách tôn trọng người khác. Đẩy cho người ta ngã xuống đất, đạp thêm một cái, làm cho người ta vĩnh viễn không đứng lên được nữa. Thời đại bây giờ ít niềm tin hơn. Ít tín nhiệm hơn. Khi báo chí không tin người trong cuộc, thì đến lúc bạn đọc không tin vào báo chí nữa. Báo chí sẽ sống với ai và bằng cái gì?

Giống như ra gió ra mưa phải đi ô. Báo chí muốn được “nổi tiếng” trong bạn đọc cần cẩn trọng. Báo chí là diễn đàn của nhân dân hoạt động vì quyền lợi của độc giả, khán - thính giả đồng thời hòa đồng với lợi ích quốc gia mà không vụ lợi với mục tiêu dân chủ và công bằng xã hội. Nhân dân kính trọng những nhân vật vì dân vì nước mà “phong Thánh” chứ không phải nhà nước phong. Báo chí dùng quyền lực dư luận làm được nhiều việc có hiệu quả được nể trọng mà dân phong “Quyền lực thứ tư”. Nhưng Thánh thì ở cõi vĩnh hằng mà Báo chí thì đồng hành cùng độc giả, khán - thính giả mãi mãi.

Trong Tọa đàm trực tuyến gần đây của Hội Nhà báo Việt Nam  mang tên khá hấp dẫn “Vai trò của Báo chí –Truyền thông trong phòng chống suy thoái”. Phần 1 có bàn tới cái sự “Chạy”: “Chạy tiền – Chạy quyền – Chạy tình” làm cả xã hội cùng “chạy” loạn lên. Và phần 2: “Sáng đăng – Chiều gặp – Tối gỡ”. Ấy là báo điện tử “nhận chạy”. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó là những điểm nhấn trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.  Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Giới báo chí có thể tự hào hàng loạt các vụ tham nhũng nghiêm trọng hàng ngàn tỷ lại do báo chí, các nhà báo phanh phui. Để sau đó các cơ quan thanh tra, kiểm tra mới vào cuộc. Thế nhưng chưa bao giờ trong 3 năm nay số báo bị đình bản có thời hạn hoặc vô thời hạn, cùng các nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo lại nhiều đến thế. Tôi nhớ  trên Đặc san Nhà báo Thủ đô có in một tranh vui vẽ năm cây bút: chiếc cong, chiếc uốn lượn như con giun, chiếc phình ra như có khối u ác, chiếc cuộn tròn và có chiếc thẳng ngay, với lời chú "Nhân cách nhà báo nằm ở đâu?". Hoá ra nhân cách nhà báo nằm ở cây bút.

Vậy nhà báo anh là ai? Một kỷ niệm với tôi khó quên. Vào một buổi sáng đang chuyện với nhà thơ Lã Vọng, ông Tổ trưởng dân phố bước vào cửa nói lớn: “- Này nhà báo Bảo. Anh là ai? Anh là chàng nói láo!”. Ông đập xuống bàn tờ báp Pháp Luật có bài “Thánh vật sông Tô Lịch”. Ông tiếp: “- Chưa hết đâu. Anh còn là anh Ba Phải”. Ông đập tiếp số báo thứ hai có bài “Không có Thánh vật sông Tô Lịch. Chỉ có Trận đồ Bát quái của Cao Biền thôi!”.

Tôi và bác Lã Vọng ngớ ra. Ông tổ trưởng ôm lấy tôi: “- Đùa nói thế để nói rằng Báo chí anh có vấn đề. Cần cẩn trọng. Hằng tháng tôi mua 5 tờ hằng ngày và hằng tuần. Tin yêu báo-chí mới mua thế chứ!”.

Vậy nhà báo anh là ai? Là người làm truyền thông có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân khi tác nghiệp. Có bản lĩnh vững vàng để nói không với “chạy”, để không “Sáng đăng - Chiều gặp - Tối gỡ”. Nếu như chúng ta đã chọn nghề báo là nghề vinh quang nhất đời mình, thì xin hãy sẵn sàng để đón nhận một nghiệp báo mà đa phần là nghiệp chướng.

Trong một bài viết giới thiệu sách của tôi, Nhà báo Phạm Thị Thu Hoài viết: “- Nếu quả thực Trời bắt tội những người cao tuổi phải ốm đau, thì xin, với Khiếu Quang Bảo, chỉ bắt đau từ cổ tới ngang thắt lưng thôi. Để cái đầu còn minh mẫn, đôi chân dẻo mềm để Khiếu Quang Bảo còn đi và viết cho chúng ta đọc!”.

Tôi mong lời nguyện cầu ấy ứng nghiệm với tất thảy những nhà báo cao tuổi Hà Nội.
 
Nhà báo Khiếu Quang Bảo
(Ban Liên lạc Các Nhà báo cao tuổi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây