Những món nợ của nhà báo

Thứ sáu - 17/07/2020 09:29

Khi nào bạn hạnh phúc? Đìều gì làm bạn hạnh phúc? Có lẽ đối với mỗi người câu trả lời sẽ không hoàn toàn giống nhau. Đối với riêng tôi, hạnh phúc là được thực hiện ước mơ từ thuở nhỏ: lớn lên làm phóng viên, làm nhà báo. Và hơn 20 năm qua được sống với nghề, tôi đã có nhiều món “nợ"…

a111
Ảnh minh họa

Trước tiên là tôi nợ những ly nước đến bữa cơm đạm bạc của người dân ở những nơi mà tôi đã từng đi qua khi tác nghíệp. Giữa những buổi trưa nắng chói chang, đổ lửa, tôi và đồng nghiệp được ngồi trong những căn nhà lá mát rượi ở một vùng quê nào đó, hớp một ngụm nước dừa mát rượi để nghe biết bao câu chuyện vui, buồn của cô bác nông dân, sau đó mang kể lại cho mọi người cùng biết, cùng nghe. Thế là tôi đã nợ!

Hay những buổi xế chỉểu ngả bóng trên đường tác nghiệp thưa người, không quán xá, tôi và đồng nghiệp được dùng bữa cơm đạm bạc, được nghe nông dân kể chuyện vất vả nơi đồng ruộng để lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, thế nhưng học xong rồi thì tìm việc làm cũng không dễ. Vậy là chúng tôi tìm cách để giúp nhà nông, nhưng không phải lúc nào cũng được.Thế là tôi đã nợ!

Hơn 20 năm làm nghề, đeo bám nghề, có những lúc vì hoàn cảnh gia đình, vì cuộc sống quá khó khăn, tôi đã từng có ý định ngả sang một hướng đi khác. Những lúc ấy hình ảnh của một cô bé đem nhẻm, tràn đầy năng lượng băng qua cánh đồng giữa trưa hè nóng bức hái những cọng năn để mưu sinh không chỉ là những thước phim đẹp cho tác phẩm báo chí của tôi và đồng nghiệp, mà còn là động lực để tôi vượt qua những khó khăn, trong cuộc sống. Thế là tôi đã nợ em!


Tấm gương của một cô gái tật nguyền, đã đứng lên từ bài vọng cổ của quê hương làm tôi rơi nước mắt về cách em vượt qua bất hạnh để đối mặt với cuộc sống hiện tại như thế nào. Tôi hạnh phúc vì đã gặp em và được em truyền năng lượng để vượt qua những sóng gió của cuộc sống. Ngày em lập gia đình, tôi đã đến chung vui cùng em. Khi gia đình em đã có thêm niềm vui mới là em bé kháu khỉnh, tôi hứa đến thăm mẹ con em nhưng chưa thực hiện được. Tôi lại mắc nợ em!

Còn nhớ trong một lần về xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) tìm hiểu về quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, tôi được nghe và chứng kiến những câu chuyện đẹp của đội ngũ cán bộ cơ sở. Ví dụ như chuyện làm tốt công tác hòa giải, nên xã là một trong số ít địa phương không có vụ thưa kiện kéo dài, vượt cấp. Hay chuyện cải cách thủ tục hành chính, đối với UBND xã gần như không có giấy hẹn vì hồ sơ được giải quyết trong ngày.

Lý giải vì sao làm được việc này, ông Nguyên Hồng Thái nguyên Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, bởi vì đã là "công bộc" của dân thì phải nắm vững trong xã có bao nhiêu ấp, bao nhiêu hộ, thậm chí cách ăn, nết ở của từng nhà, từng người. Vì thế khi có trường hợp gì cần xác minh thì việc kết nối giữa xã với các ấp rất nhanh và đặc biệt là cán bộ nhiệt tình nên không có  gì để dân chờ nếu việc đó có thể giải quyết trong ngày. Trong những câu chuyện ấy, những cán bộ ở xã cũng hỏi thăm nhà báo về chính sách cho cán bộ ở ấp. Thế là tôi tìm hiểu và biết sắp tới vấn đề này sẽ được kỳ họp HĐND tỉnh thảo luận và bàn bạc. Và lại lật đật điện thoại cho mấy chú biết tin vui ấy. Đôi khi nhà báo chỉ có cách trả nợ đến thế thôi!

Làm sao kể hết những món nợ khi nghề báo đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc. Có lẽ khi còn làm nghề tôi vẫn sẽ còn nợ, nợ ân tình, nợ trách nhiệm với công chúng, bạn đọc.

Xuân Triều



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây