Mặc dù hiện tại tôi đang là phóng viên chuyên mục, nhưng đã từng có thời gian dài làm thời sự và hiện thường xuyên cộng tác với phòng thời sự làm một số phóng sự ngắn. Bản thân tôi thấy rằng, dù là phóng sự ngắn hay phóng sự dài, dù là phóng sự chuyên đề hay phóng sự thời sự thì việc lựa chọn đề tài có vai trò đặc biệt quan trọng và luôn là công việc chưa bao giờ dễ dàng.
Trong chương trình thời sự, phóng sự là thể loại mũi nhọn, tạo điểm nhấn, sự hấp dẫn của mỗi bản tin. Chương trình thời sự hay là có những phóng sự hay và ngược lại. Nhưng để có phóng sự hay thì yếu tố đầu tiên không thể thiếu, đó là phải có đề tài hay. Điều này thì bất kể phóng viên nào cũng biết, nhưng để có được đề tài hay thì không phải nhà báo nào cũng có được.
Sẽ có người nghĩ, đề tài cho phóng sự ngắn thì có khó gì, vì chỉ với thời lượng 2-3 phút. Điều đó không sai bởi nếu chỉ làm các phóng sự phản ánh thông thường theo dòng thời sự hoặc phản ánh đơn thuần các sự kiện, hiện tượng đang diễn ra. Nhưng khi muốn mang đến cho khán giả cái nhìn sâu hơn, đa chiều về sự kiện đó thì lại không dễ dàng. Lúc này, yếu tố quyết định thuộc vào khả năng phát hiện vấn đề, hay đúng hơn là nhãn quan chính trị nhạy bén và óc sáng tạo của mỗi nhà báo. Tôi lấy ví dụ, khi một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra, đề tài dễ làm nhất sẽ là phản ánh về diễn biến của sự việc đó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, phóng sự sẽ chỉ như một cái tin có tiếng động. Lúc này, đương nhiên lãnh đạo sẽ yêu cầu làm phản ánh sâu hơn, rộng hơn. Vậy tiếp cận đề tài ở thuộc hoàn toàn vào tư duy nhạy bén, khả năng phát hiện của mỗi nhà báo.
Nghĩ ra đề tài để làm đã khó, nghĩ được đề tài hay lại càng khó hơn, bởi đề tài hay phải thể hiện cái mới, cái có vấn đề, được nhiều người quan tâm hoặc là phải thật gần gũi. Nhưng đôi khi, đề tài hay lại không hẳn phải là những thông tin mới, độc, lạ. Nó có thể là những thông tin đã qua nhưng được tái hiện và phân tích sâu hơn ở những khía cạnh khác nhau. Lúc này, người làm phóng sự phải hết sức nhạy bén và tinh tế khi nhìn nhận mọi vấn đề. Đặc biệt, chi tiết là thứ không bao giờ được bỏ qua. Chỉ một chi tiết nhỏ được phát hiện, đó sẽ là đề tài và là một phóng sự hay. Với phóng sự ngắn trong chương trình thời sự, thời lượng chỉ 2 đến 3 phút, cách này hoàn toàn có thể làm được. Tôi lấy ví dụ, khi thực hiện phóng sự tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC) của thành phố Bắc Giang trong chương trình thời sự, vì CCHC là một lĩnh vực rất rộng với nhiều nội dung, từ cải cách bộ máy, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới lề lối làm việc.… rất nhiều vấn đề có thể làm. Nhưng vì là phóng sự ngắn, nên tôi chỉ chọn duy nhất chi tiết chiếc kính lão và chiếc sạc pin điện thoại đa năng mà thành phố trang bị tại bộ phận một cửa để phục vụ người dân, làm đề tài cho phóng sự. Bởi chỉ từ những vật dụng rất nhỏ thôi nhưng nó cho thấy chính quyền thành phố quan tâm đến người dân như thế nào. Và rằng, CCHC không phải đến từ cái gì đó lớn lao, cao siêu mà chỉ cần từ những quan tâm rất nhỏ, để làm hài lòng dân từ những điều nhỏ nhất như thế.
Như các nhà báo khác, bản thân tôi thường xuyên gặp khó khăn khi lựa chọn đề tài cho phóng sự. Nguyên nhân thì có nhiều như do chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ nhạy bén hoặc do áp lực tin bài hàng ngày nên việc lựa chọn đề tài luôn khiến tôi trăn trở, “làm cái gì”, “làm như thế nào" luôn là những câu hỏi thường trực trong đầu tôi. Những lúc như thế, tôi thường tìm kiếm đề tài ở nhiều kênh khác nhau như: Xem, đọc, lục tìm lại báo cáo của các cuộc họp, trao đổi với đồng nghiệp, nhận hỗ trợ từ lãnh đạo phòng, lãnh đạo cơ quan hoặc vào website của các sở ngành, các huyện, thành phố để nắm bắt cách họ triển khai các hoạt động và kết quả họ đạt được. Tôi đặc biệt chú ý đến những cách làm mới và tính mâu thuẫn, hai mặt của một vấn đề. Bởi thông thường, phóng sự hay là phóng sự có vấn đề, nhất là những vấn đề nóng, sẽ rất thu hút người xem. Vì vậy, khi xem một báo cáo, thứ tôi quan tâm đầu tiên không phải là kết quả họ đạt được mà là những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị mà họ đưa ra. Từ đó, trả lời cho câu hỏi tại sao lại có những tồn tại và vướng mắc như vậy, tại sao họ lại có những đề xuất như vậy, vấn đề nằm ở đâu... chính là đề tài cho phóng sự của tôi.
Dĩ nhiên là để có phóng sự hay, hấp dẫn, đề tài thôi chưa đủ mà việc chuyển tải đề tài ấy đến cho khán giả như thế nào, bằng hình thức nào cũng là yếu tố quan trọng không kém. Theo kinh nghiệm tôi lĩnh hội được từ các đồng nghiệp đi trước thì cách chuyển tải đơn giản nhất, dễ hiểu nhất đó là hãy viết phóng sự dưới dạng kể một câu chuyện, trong đó không nên ôm đồm, mở rộng vấn đề mà nên chọn một lát cắt của vấn đề và bắt đầu phóng sự từ những tình huống cụ thể, nhấn mạnh vào chi tiết, kết hợp với hình ảnh minh họa và lời bình vừa phải. Như vậy thông điệp chuyển đi sẽ dễ hiểu, dễ nhớ cho người xem.
Một lần nữa xin khẳng định, với bản thân tôi, việc chọn đề tài làm phóng sự chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với những đề tài hay, mới lạ, hấp dẫn, đặc biệt là đề tài cho phóng sự chất lượng cao, phóng sự dự thi...
Bích Ngọc
(Người làm báo Bắc Giang)