Để những con chữ biết... nở nụ cười

Thứ ba - 07/07/2020 14:42

Tùy mỗi nhà báo phụ trách từng mảng, lĩnh vực sẽ có cách viết khác nhau; hay tùy mục đích viết mà con chữ dần xuất hiện và đứng cạnh nhau để tạo nên một tác phẩm báo chí phục vụ bạn đọc.

111
Ảnh minh họa

Tôi mê viết mảng văn hóa xã hội từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Và sau gần 10 năm làm báo, tôi cũng ngộ ra được những điều mà nghề báo mang lại. Đó là những khi gặp được đề tài hay, đề tài tâm đắc, tôi say mê thu thập thông tin, hăng say lắng nghe và trao đổi với nhân vật... mọi thứ có đầy đủ trong chiếc sổ tay nhỏ, nhưng không hiểu sao có đôi lúc vẫn thấy đầu óc trống rỗng trước dấu nhấp nháy của màn hình máy tính. Cũng có những khi bật máy lên để viết bài, nhưng sau khi ngồi hàng gỉờ thì tiếp tục… tắt máy bởi chẳng “nặn” ra được con chữ nào. Hay có khi viết đã đâu vào đấy rồi, hôm sau đọc lại và... xóa sạch màn hình vì không ưng ý.

Đối với một người muốn viết về văn hóa, về con người Bạc Liêu như tôi thì nói thật yêu cầu con chữ mà tôi tự đặt ra cho mình có khi trở thành áp lực lớn nhất. Sau những gặp gỡ, trải nghiệm, đôi khi mình bật ra được nhưng khi mình lao vào với chính mình, lao vào những ước vọng, trăn trở, mục tiêu thì lại loay hoay khó rời ra được. Nhớ lại lời chia sẻ của những đồng nghiệp đi trước đã nói, tôi bắt đầu thấm thía được rằng, nỗi đáng sợ nhất trong đời mình không phải vẫy vùng hay lặn lộn với cuộc sống mà chính là những lúc đối diện với chính mình mới là điều sâu cay!
Tôi muốn viết về mảnh đất thẫm đẫm văn hóa, con người Bạc Liêu có cốt cách riêng, dáng dấp riêng để bất kỳ ai đó, từ nơi khác khi đọc được sẽ thấy được nét đặc trưng của một vùng đất như vậy trên trang viết của tôi. Chính khao khát đó trở thành áp lực trong sâu thẳm sắp xếp từng con chữ đứng cạnh nhau viết thế này thì nhân vật đó bị ảnh hưởng tiêu cực không; viết kiểu này, thể loại này có hay không; câu này có miễn cưỡng quá không; tình tiết này có nên thêm vào không; đề tài này của người ta viết rồi mình có nên viết lại không, nếu viết lại thì viết khía cạnh này có được không...? Hàng loạt những câu hỏi đặt ra để rồi trong vô vàn những suy tư... tôi lại đặt một dấu chấm cho mình sau những trăn trở. Tôi nhớ lại lời đã được khuyên rằng: “Cứ viết đi, mạnh dạn lên viết, cứ để mọi thứ tuôn ra theo cảm xúc và rồi chúng ta sẽ chắt lọc lại mọi thứ...”và điều đó giúp tôi giải tỏa rất nhiều khi đối diện với con chữ! Chỉ có những cảm xúc rất thật, sự thấu hiểu chân thành và cầu thị thì nhà báo mới trút được hết nỗi lòng của mình vào bài viết. Và những gì đi từ trái tim chắc chắn sẽ được cảm nhận từ trái tim!

Tôi luôn đinh ninh rằng sẽ có những xúc cảm riêng của mỗi người và câu chuyện nghề của mỗi cá nhân đều xứng đáng được trân trọng, cho dù là những việc lớn lao hay chỉ là những phút giây ngồi sắp xếp con chữ. Nhưng với người làm báo như chúng tôi, chính phút giây ngồi đối diện với con chữ mới là điều thiết yếu làm nên cốt cách, tâm hồn của một nhà báo. Bởi lúc đó, cái tâm của người viết thế nào thì con chữ mới được sắp xếp theo thế ấy. Trong suốt hành trình đi theo con đường đã chọn nghề báo, mong rằng chúng ta vẫn còn có những trăn trở, những ước vọng, mục tiêu để những bài báo được ra đời và dẫu cho bao năm tháng trôi qua, khi đọc lại, chúng ta đều thấy những con chữ nở nụ cười xứng đáng!

 

                                                                                                         Nam Kha
(Nhà báo và Nghề báo Bạc Liêu)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây