Sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm của một phóng viên thường trú
Thứ năm - 02/07/2020 10:17
Phóng viên Nguyễn Dương được biết đến là luôn tận tâm với nghề, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có lẽ chính vì thế mà anh có nhiều tác phẩm ảnh để lại ấn tượng sâu sắc.
Tuổi trẻ là những ước mơ, là những khát vọng muốn chinh phục những khó khăn, đi tới những nơi hiểm nguy nhất để ghi lại khoảnh khắc giá trị nhất. Phóng viên Nguyễn Dương, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến một trong những phóng viên trẻ, xông xáo, không quản ngại khó khăn để mang tin tức về cho độc giả.
Băng rừng, lội suối hỗ trợ thôn bản cô lập
Là phóng viên thời sự, luôn đòi hỏi độ nhanh nhạy, đòi hỏi phải lắng nghe và sàng lọc để có nhưng thông tin độc đáo, sốt dẻo nhất. Hơn 5 năm làm phóng viên là chừng ấy năm anh tìm tòi và theo đuổi những đề tài mới, hấp dẫn, có sức ảnh hưởng tác động đến nhiều người. Phóng viên Nguyễn Dương nghe thông tin có sự kiện xảy ra ở đâu đó, sau khi xác minh thực tế là anh sãn sàng lên đường…gian nan là vậy, nhưng khi sách ba lô lên anh luôn hiểu rằng, hàng nghìn độc giả đang chờ đón.
Tháng 8 năm 2019, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 gây lũ dữ cuốn trôi 20 ngôi nhà và 15 người dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Trận lũ ống lịch sử đang khiến bản Sa Ná tan hoang, nhiều ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hàng chục người mất tích. Nghe được thông tin, ngay trưa hôm đó Phóng viên Nguyễn Dương tức tốc trên đường, quá trình di chuyển từ thành phố Thanh Hóa về đến huyện miền núi Quan Sơn cũng xa. Hơn 150 km số, mãi tới tối anh cùng một số đồng nghiệp mới đến mới tới UBND huyện.
Do từ huyện xuống tới xã là quãng đường dài hơn 20km nữa nên phóng viên không thể đi trong đêm, các tuyến đường xuống xã đều bị lũ cắt đứt. Tối hôm đó phóng viên Nguyễn Dương buộc phải ở lại huyện nắm bắt thông tin và chuẩn bị cho buổi tác nghiệp ngày hôm sau.
Quãng đường từ thành phố xuống tới huyện mặc dù xa, nhưng không thấm gì so với việc di chuyển từ huyện xuống xã Na Mèo. Phóng viên Nguyễn Dương cho biết “chúng tôi (một số phóng viên báo khác) di chuyển bằng xe máy, nhưng nhiều đoạn bị sạt lở, không thể di chuyển được, buộc phải gửi xe máy để đi bộ. Mấy khoảng 4 tiếng đi bộ chủ yếu là đường đồi, có những đoạn xuống dốc bị trượt, mấy anh em phải dùng gậy để di chuyển, may mắn là mấy anh em đã mua dép cao su trước đó rồi, nền việc đi bộ gặp thuận lợi hơn”.
Cả đoàn đi, tới bản Sa Ná hiện ra là cảnh tượng đổ nát, cơn lũ dữ cuốn đi cả một bản làng, những tiếng gào khóc tìm người thân mất tích, những cụ bà ngồi khóc trong đống đổ nát, tan hoang… Phóng viên Nguyễn Dương nhìn những cảnh tượng đó anh hiểu rằng mình phải nén đi cảm xúc, tập trung cho việc đưa tin, bằng mọi cách phải cho ra được những hình ảnh chân thực nhất.
Là phóng viên thường trú tại, nên mọi sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh đều được anh cập nhật thường xuyên, đối với sự kiện thiên tai ở xã miền núi này anh cũng thực hiện phóng sự ảnh, dựng video và có những bài viết ghi nhận chuyên sâu. Tất cả để cho mọi người hiểu được những gì đang diễn ra ở bản làng bị cô lập này.
Ấn tượng từ bộ ảnh "Bản làng tan hoang, người dân gào khóc sau trận lũ dữ"
Tỉnh Thanh Hóa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhưng chưa năm nào thiệt hại về người ở một thôn bản lại nhiều như như năm 2016 ấy. Tuy nhiên, nếu không có những thông tin phản ánh từ hiện trường, ít ai có thể hình dung sức ảnh hưởng của đợt lũ quét đó khủng khiếp như thế nào. Nguyễn Dương chia sẻ “phóng viên chúng tôi xông pha chính là để truyền tải những hình ảnh rõ nét, đa chiều ở bản đó ra để cho mọi người thấy và hình dung”. Từ tờ mờ sáng, nhóm phóng viên xuất phát, thời gian di chuyển vào bản đã mất một buổi sáng, trưa đến nơi nên tất cả phải tranh thủ, chụp ảnh, phóng vấn để có thông tin sớm nhất. Phóng viên Nguyễn Dương kể: sau vài tiếng tác nghiệp mình phải tính làm sao từ bản đó ra đến xã làm sao không bị tối, bởi quãng đường 3 tiếng về nữa vẫn phải tính tới.
Về tới trung tâm xã Na Mèo, bài toán đặt ra là phải tìm được nơi có sóng điện thoại, 3G để còn biên tập gửi về cho cơ quan. Trước đó trên đường vào bản đều không có sóng điện thoại. Theo PV Nguyễn Dương “may quá về tới xã thì trời bắt đầu tối, tôi và mấy anh em phóng viên tìm được một quán ăn ven đường, gọi được bát mì tôm, mọi người vừa ăn vừa chọn ảnh, gõ tin. Đoàn có 5 anh em phóng viên, ai cũng cố gắng gửi về tòa soạn một tin trước, sau đó cập nhật sau".
9h đêm từ xã, tất cả anh em phóng viên lại di chuyển về UBND huyện để ngủ nhờ, 11h đêm ai cũng thấm mệt, vì một ngày di chuyển, quần áo, đồ nghề, mọi thứ đều lấm lem. “Dù mệt nhưng tôi cũng mong muốn tin bài sáng sớm hôm sau phải có, nên 2h sáng hôm đó tôi mới hoàn thành một bài viết và dựng xong một video gửi tòa soạn. Trong nội dung bài viết tôi đã lựa chọn những nhân vật “đắt” những nhân vật chịu thiệt hại nặng nhất để cho vào bài, làm sao để mọi người hiểu, đồng cảm và chia sẻ những mất mát của họ” PV Nguyễn Dương tâm sự.
Luôn đi đến tận cùng của vấn đề phóng viên Nguyễn Dương sau đó còn tiếp tục quay lại bản Sa Ná để đưa tin về công tác khác phục hậu quả. Đặc biệt là dành những bài viết về tinh thần đoàn kết, sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, ủng hộ giúp đỡ bà con vùng lũ.
Là phóng viên theo dõi địa phương có diện tích rộng và nhiều thiên tai như tỉnh Thanh Hóa, PV Nguyễn Dương cũng không ít lần đối mặt với những hiểm nguy. Ngày 07/06/2016, khi nghe về việc 3 phu vàng bị ngạt khí bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, anh đã một mình phóng xe máy di chuyển quãng đường dài gần 200 km để tới điểm tác nghiệp.
Đến được bản Kịt, xã Lũng Cao trời đổ mưa, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Nhớ về ngày đó, PV Nguyễn Dương tâm sự “có những anh em truyền hình tôi thấy khổ hơn, họ phải mang theo rất nhiều dụng cụ, trong đó chân máy quay là nặng nhất…sau những lần đó tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn. Mang máy móc thiết bị cần tính kỹ, nếu mang máy ảnh thì không nên mang máy tính vì đi như thế sẽ không đủ sức, lượng thức ăn, nước uống cũng không có nhiều, nên cố gắng đơn giản là tốt nhất”.
Gần 5 năm theo dõi thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, PV Nguyễn Dương đã nhiều lần được tỉnh ủy, UBND tỉnh khen thưởng cho những thành tích về công tác tuyên truyền của tỉnh. Đó là thành quả xứng đáng cho những cố gắng nỗ lực của anh trong suốt thời gian dài.
Nhưng theo anh qua những sự kiện, những tin bài và trải qua những khó khăn thách thức trong những chuyến đi càng khiến tình thần đồng nghiệp lại càng gắn bó keo sơn hơn bao giờ hết. Và điều quan trọng nhất là bằng sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh muốn đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.