"Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương"- Thông điệp về tình yêu biển cả quê hương
Thứ ba - 16/06/2020 09:08
Nhà báo Nguyễn Tất Sơn, Thanh Hòa - Báo ảnh Việt Nam - TTXVN với bộ ảnh "Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương"- giải A, Giải ảnh "Khoảnh khắc báo chí 2019" do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức- đã được BTC đánh giá cao về tính thời sự và đầu tư công phu.
Với khả năng sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhà báo Nguyễn Tất Sơn, Thanh Hòa - Báo ảnh Việt Nam - TTXVN đã đi nhiều địa phương, tìm đến những "điểm nóng" ô nhiễm rác thải nhựa để có bộ ảnh với góc nhìn của riêng mình.
Dám nghĩ dám làm
Từ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa bằng những việc làm thiết thực, đã có nhiều nhà báo phóng viên thực hiện phóng sự, đi săn ảnh về bảo vệ môi trường, về thực trạng báo động của rác thải nhựa. Trong đó có nhiều phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia đã có những bộ ảnh gây tiếng vang lớn. Tuy nhiên, hai nhà báo Tất Sơn, Thanh Hòa nhận thấy mình phải nghĩ khác, làm khác.
Nhà báo Tất Sơn cho rằng: Để xây dựng một bộ ảnh phản ánh thực tế tình trạng báo động về rác thải nhựa việc lựa chọn địa điểm cần nghiên cứu kỹ. Trong đó cần chú trọng đến khu vực trước đây chưa bị ảnh hưởng, nay đã bị biến đổi toàn bộ hệ sinh thái bởi rác thải nhựa và việc xử lý trở thành cấp bách, từ đó để kêu gọi cộng đồng cùng vào cuộc.
Để chuẩn bị kỹ cho việc ra đời của bộ ảnh về rác thải nhựa, anh đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của Ban biên tập Báo ảnh Việt Nam cùng với những thông tin trên các báo địa phương có biển, các trang mạng xã hội và các nhóm chuyên về thu gom rác thải đại dương. Đồng thời đánh dấu những địa điểm cần đến, địa điểm thu hút khách du lịch nhưng cũng đang bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa.
Trong số danh sách các địa phương, anh đã lựa chọn Đà Nẵng là địa phương đến đầu tiên, vì đây là địa phương đang phát triển nhanh, trong đó du lịch là ngành mũi nhọn. Một thành phố biển thu hút nhiều khách du lịch nhưng đây cũng là địa phương bị hứng chịu nhiều rác thải nhất, đồng thời có nhiều hội nhóm tình nguyên tham gia để khắc phục nhất.
Hay lần tác nghiệp xã biển Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, ở khu vực này cứ sau mỗi đợt triều cường hay sóng lớn là hàng ngàn, hàng vạn chiếc túi nilon, bao tải nhựa…từ ngoài biển dạt vào bám kín lên những cành cây thuộc rừng phòng hộ ven biển. Biển Việt Nam mỗi vùng đều có những đặc điểm khác nhau, mức độ ô nhiễm cũng khác nhau và mỗi nơi anh đều muốn ghi lại hình ảnh xác thực nhất để truyền tải cho người xem có thể cảm nhận được tác hại của rác thải nhựa.
Đi nhiều nơi nhưng có lẽ anh ấn tượng nhất đó là xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, ở đây có vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Đây là nơi còn sót lại những rạn san hô quý, nơi đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác thải nhựa, nếu không có phương án làm sạch các bờ biển trên khu vực này toàn hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng.
Nhà báo Nguyễn Tất Sơn cho biết: Trong chuyến đi Cù Lao Chàm lần này anh may mắn gặp chị Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Chị là người có sáng kiến mở ra tour du lịch cho du khách vừa lặn biển vừa nhặt rác. Tham gia tour, khách du lịch sẽ thực hiện nhặt rác ở các rạn san hô dưới đáy biển và bọn tôi may mắn được đi theo…đây cũng là cơ hội để tôi tiếp cận được những hình ảnh thực tế và sống động nhất.
Phóng viên ảnh tác nghiệp ở độ sâu gần 10m dưới đáy biển
Để chụp được bức ảnh ở độ sâu gần 10m dưới biển, nhà báo Nguyễn Tất Sơn đã mất nhiều giờ đồng hồ để học lặn ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Nếu như ở phía trên mặt nước người lặn chỉ bị ảnh hưởng bởi sóng biển, còn khi lặn xuống ở độ sâu khoảng 10m thì chịu thêm áp lực của nước sẽ khiến bạn ù tai và hơi choáng váng. Việc này còn căng thẳng hơn khi anh vừa thực hiện chuyến đi tàu dài từ đất liền ra đảo.
Sau khi làm quen được với đáy biển vấn đề mang máy ảnh xuống chụp lại là câu chuyện khác. “Mình không phải thợ chuyên nghiệp nên phải học cách lặn trước, đầu tiên mình ù hết hai tai, cho máy ảnh vào túi chống nước, tuy nhiên đang chụp thì túi nổi bong bóng, nước vào túi sợ hỏng máy ảnh nên lại phải ngoi lên. Sau đó phải thuê máy ảnh có thể chụp dưới nước và cố gắng làm sao chụp được nhiều ảnh đẹp nhất có thể” anh Tất Sơn cho biết.
Mỗi chuyến đi đều mang lại cho nhà báo Nguyễn Tất Sơn những kỷ niệm riêng. Những khó khăn trong quá trình tác nghiệp cũng tạo ra thử thách thú vị. Đó là được sống, hít thở ở những vùng đất mới, hình ảnh về đất, nước, không khí, môi trường…tất cả đều được anh lưu giữ qua những bức ảnh.
Nhưng theo anh, điều quý giá hơn nữa là mỗi chuyến đi lại có thêm những người bạn mới. Lần này tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm lại cho anh có cơ hội để tiếp cận với “Đội tuần tra đáy biển” họ là những nhân viên của Khu bảo tồn sẵn sàng hi sinh lợi ích riêng để mang đến vẻ đẹp cho biển cả. Lượng rác thải dưới đáy biển được đội tuần tra này thu gom đã cho anh hiểu thêm về những con người thầm lặng và cho anh thêm động lực mới để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa.
Anh chia sẻ “Họ là những chiến binh miệt mài nhặt rác thải dưới đáy biển, nhặc rác xong họ còn cấy san hô ở những khu vực san hô đang chết hoặc đã chết, đó là công việc hàng ngày, qua đó tôi cũng thấy được sức tàn phá của rác thải và những hành động tiêu cực của con người với tự nhiên”.
Khủng hoảng rác thải nhựa - nỗi lo không của riêng ai
Khu vực bãi Đá Đen, một bãi đá tuyệt đẹp nằm khuất bên sườn núi phía Bắc bán đảo Sơn Trà. Rác từ cửa sông Hàn trôi ra, từ ngoài biển dạt vào phủ kín cả một góc núi. Túi nilon, bao bì, chai nhựa, giày dép, lưới rách, dây dợ, rồi cả mảnh vỡ tàu thuyền, những đoạn ống nhựa dài hàng mét… bị sóng biển đánh dạt lên bờ, giắt kín vào từng kẽ đá. Thậm chí nhiều mảnh xốp to chẳng hiểu bị sóng gió thổi thế nào mà bay tấp lên cả những vách núi cao nằm cách mặt biển hàng chục mét.
Nhóm thanh niên tình nguyện “Dọn rác Sơn Trà” chung tay dọn sạch một lượng lớn rác thải nhựa ở bãi Đá Đen, Sơn Trà, Đà Nẵng được thành lập, đi đến đâu nhóm cũng tích cực phối hợp với đoàn thanh niên và chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Xin vào làm thành viên của nhóm, nhà báo Tất Sơn và Thanh Hòa tham gia đầy đủ các hoạt động như là một thành viên trong nhóm, cùng đóng góp kinh phí, cùng mua các vật dụng thu gom rác, thuê xe, thuyền chở rác thải đến khu vực xử lý rác thải tập trung…
Nhóm tình nguyện “Dọn rác Sơn Trà” không chỉ là các bạn thanh niên, người lớn tuổi mà còn có các bạn trẻ nước ngoài, đến từ rất nhiều nước trên thế giới. Có thể khác nhau về màu da, về ngôn ngữ nhưng tất cả họ đều có chung một suy nghĩ, một lý tưởng là làm sao dọn rác càng nhiều càng tốt và mang về vẻ đẹp tự nhiên cho những bãi biển, cho thành phố đáng sống này.
Đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước để có được bộ ảnh, nhưng ít ai biết được đằng sau đó là cả thông điệp về tình yêu của anh dành cho những biển cả quê hương. Và hơn thế nữa rác thải nhựa đang từng ngày từng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Nhà báo Tất Sơn cho biết thêm: "Rác thải đi vòng quanh khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam nhưng cũng xuất hiện rác từ các nước khác tràn về, chính vì thế đây là vấn đề ý thức chung của người dân toàn cầu”.
Phóng sự ảnh “Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương” là hành động cụ thể đóng góp của nhà báo Tất Sơn, Thanh Hòa trên mặt trận truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng vào cuộc chiến chống rác thải nhựa. Nhưng đó không phải tất cả điều quý giá nhất mà anh muốn truyền tải mà là thông điệp về tình yêu biển cả, là tinh thần đoàn kết cùng chung tay giữ màu xanh của biển, vì màu xanh của quê hương.