Nhà báo phải có tâm, có tầm, có trách nhiệm với xã hội
Thứ năm - 28/05/2020 15:56
Bác Hồ Người sáng lập Báo chí Cách mạng Việt Nam, đương thời bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn thường xuyên giành thời gian viết báo và chăm lo tới sự nghiệp báo chí của chúng ta, Người khẳng định báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước để góp phần “Chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ”. Báo chí thực chất là hoạt động chính trị, thông tin trên báo chí quan trọng nhất là thông tin chính trị. Để đảm bảo tính tư tưởng, tính Đảng của báo chí thì trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí. Người dạy: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, và cách viết ”.
Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, nhưng với một số nghề có vị trí quan trọng đặc biệt và mối quan hệ rộng rãi tới nhiều người trong xã hội như nghề giáo, nghề báo, nghề y, luật, an ninh, toà án...thì đạo đức nghề nghiệp càng phải được đặc biệt coi trọng. Tính chính xác, công bằng và khách quan luôn là vấn đề cốt lõi là tiêu chuẩn cao nhất của người làm báo. 35 năm theo nghiệp làm báo bản thân tôi nghiệm ra rằng: Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trước tiên yêu cầu mọi nhà báo phải có tâm sáng, dạ trong. Có như thế người viết mới đảm bảo chính xác, khách quan công bằng. Tuyên ngôn về những nguyên tắc đạo đức báo chí của Liên đoàn Báo chí Quốc tế đã khẳng định: “Tôn trọng sự thật và quyền của công chúng được biết sự thật là nghĩa vụ đầu tiên của nhà báo ”. Đây cũng là một trong những quy định chủ đạo của 9 điều đạo đức báo chí Việt Nam. Mỗi nhà báo theo nghề báo hàng ngày phải tự răn mình , soi mình để làm cho đúng. Việc đưa tin thiếu chính xác, thiếu công bằng sẽ gây hậu quả khó lường. Vừa không động viên khuyến khích cổ vũ những nhân tố điển hình mới, lấy cái tốt để xây, để sửa cái xấu mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của họ. Như thế là chính người viết báo đã vi phạm pháp luật. làm mất lòng tin của khán thính giả, bạn đọc với tờ báo của mình và với chính mình. Trong những năm qua, nhiều nhà báo trong tỉnh đi sâu đi sát cơ sở, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân bằng cái tâm trong sáng và cái tầm của người làm báo cách mạng đã viết nên những tác phẩm báo chí có trách nhiệm với công chúng, có trách nhiệm với xã hội, thực sự là chiếc cầu nối giữa Đảng với Dân và Dân với Đảng, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên những nhà báo, tác phẩm báo chí chất lượng cao có giá trị giáo dục và phản biện xã hội tốt như thế chưa nhiều. Trong một vài số báo, chương trình PTTH vẫn còn có những tác phẩm báo chí mang tính dễ dãi, rẻ tiền, vô cảm với xã hội, thậm chí gây phản cảm với khán thính giả. Công luận và nhân dân trong tỉnh đang cần và mong đợi sự vượt lên về chuyên môn cũng như nghiệp vụ từ chính mình ở mỗi người làm báo chúng ta. Bởi vậy với đặc thù là báo chí ở cấp địa phương, cấp cơ sở thì nhà báo cần sự cân nhắc. Viết làm sao cho công bằng, khách quan và công minh, đúng mực. Đưa sự việc này, vấn đề này đăng trên báo, phát trên sóng thì có lợi gì cho dân, có lợi gì cho Đảng , có hiệu ứng gì với công luận xã hội, cần phải chín chắn. Chớ vì một động cơ gì mà làm tổn hại thanh danh nghề báo và tờ báo của mình, cũng như đừng đánh mất mình với đọc giả, khán thính giả.
Nhân ngày kỷ niệm 50 năm Báo Bắc Ninh ra số đầu tiên (19/8/1962 -19/8/2012) và 58 năm Ngày thành lập ngành PTTH Bắc Ninh (12/8/1954 -12/8/2012), chúc các đồng nghiệp báo chí của tôi “Làm nghề báo phải có tâm, có tầm và có trách nhiệm với xã hội ”.
Rút trong Cuốn "Làm báo phải được Đảng tin, Dân trọng"
của Nhà báo Huy Chương, Nguyên Trưởng phòng Thời sự, Đài PTTH Bắc Ninh