Nhà báo Hoàng Lâm – Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao Động, Thư ký Chi hội báo Lao Động:

Thứ ba - 23/06/2020 19:04
Lên ý tưởng, tìm đề tài có ý nghĩa quan trọng bậc nhất

 “Đối với một tác phẩm để có thể dự Giải Báo chí Quốc gia thì hiển nhiên những yêu cầu còn cao hơn rất nhiều. Việc lên ý tưởng, tìm đề tài có ý nghĩa quan trọng bậc nhất để tạo nên sức sống và quyết định tầm vóc của một bài báo”.

Nhà báo Hoàng Lâm – Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao Động, Thư ký Chi hội báo Lao Động đã khẳng định như vậy khi bàn về vấn đề làm thế nào để có tác phẩm giành được Giải Báo chí Quốc gia.
 

“Viết cho ai?”, “viết để làm gì” - hai yếu tố bắt buộc khi lên ý tưởng, tìm đề tài

 
+ Có nhận định rằng, việc lên ý tưởng, tìm đề tài cho bất kỳ một thể tài báo chí nào đều là việc đầu tiên và quan trọng bậc nhất trong quá trình viết một bài báo, quyết định đến 50% giá trị tác phẩm. Quan điểm của anh như thế nào?

- Tôi nghĩ một công thức quen thuộc mà bất kỳ nhà báo nào khi tiếp cận đề tài bao giờ cũng phải trả lời được, đó là lời dạy của Bác Hồ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Trong đó, “viết cho ai?”, “viết để làm gì” chính là hai yếu tố bắt buộc khi lên ý tưởng, tìm đề tài cho bài viết.

Có những ý tưởng, đề tài thoạt nghe tưởng chừng rất hay, rất êm tai nhưng lại không thể dùng được. Chẳng hạn như đề tài đó lại chưa đúng với tôn chỉ mục đích, chưa đúng với bạn đọc, đích đến của mình thì vi phạm câu hỏi “viết cho ai”. Hoặc đề tài có vẻ như rất được nhưng cuối cùng cũng không biết là “để làm gì”, có lợi cho dân, cho nước, cho bạn đọc hay không thì cũng không thể dùng được.
111
Nhà báo Hoàng Lâm – Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao động, Thư ký Chi hội báo Lao động.
Tình trạng hiện nay một số bạn trẻ khi tiếp cận đề tài thì nghĩ ngay đến việc “viết như thế nào” để có thể câu view, để có lượng truy cập nhiều nhất. Nghĩa là đã đẩy yếu tố kỹ thuật, thậm chí áp dụng cả công nghệ lên trên cả yếu tố nội dung. Điều này tôi nghĩ là không được và cần có sự uốn nắn của những phóng viên, BTV có kinh nghiệm.

Còn đối với một tác phẩm để có thể dự Giải Báo chí Quốc gia thì hiển nhiên những yêu cầu còn cao hơn rất nhiều. Việc lên ý tưởng, tìm đề tài có ý nghĩa quan trọng bậc nhất để tạo nên sức sống và tầm vóc của một bài báo. Nó sẽ quyết định tầm vóc của bài báo.

Tôi nghĩ rằng việc xác định đúng ý tưởng đề tài đã tạo ra 30% thành công của tác phẩm rồi. Tất nhiên quá trình thực hiện, triển khai các ý tưởng đó cũng đòi hỏi công sức rất lớn.

Có nhiều ý tưởng hay, đề tài tốt nhưng khi triển khai lại “tắc”, vì nhiều lý do. Chẳng hạn như việc tiếp cận hồ sơ bị hạn chế, hoặc việc liên hệ với nhân chứng vì lý do nào đó không thể thực hiện được, hoặc vụ việc đang trong quá trình xử lý của các cơ quan chức năng nên chưa thể thông tin.

Quá trình tác nghiệp của phóng viên sẽ chiếm 50%, 20% còn lại tôi cho rằng là cách thể hiện, cách chọn thể tài, cách gây ấn tượng của bạn đọc. Một đề tài tốt, một quá trình tác nghiệp công phu nhưng chọn sai thể loại, hoặc lên báo điện tử không được “media hóa” bằng video clip, file âm thanh, hình ảnh thì sẽ thiếu đi độ thuyết phục, nhất là với các giám khảo chấm thi Quốc gia.

+ Chi hội Báo Lao Động nhiều năm nay luôn được đánh giá cao ở Giải Báo chí Quốc gia với những loạt tác phẩm được dư luận quan tâm. Công tác lựa chọn đề tài được triển khai như thế nào ở đơn vị, thưa ông?

- Thực ra, công tác chọn đề tài ở Báo Lao Động tôi cho rằng cũng giống như ở nhiều tờ báo lớn. Tuy nhiên điều chúng tôi quan tâm nhiều khi lựa chọn đề tài thể hiện ở mấy điểm sau.

Thứ nhất, đề tài đó phải là đề tài có tính phát hiện, đề tài riêng. Nếu không phải là đề tài riêng thì phải có góc tiếp cận, thông tin mới so với những thông tin đã được các báo bạn đăng tải. Tính phát hiện, độc đáo được đánh giá rất cao.

Thứ hai, đề tài đó có phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo hay không, có phù hợp với đa số đối tượng của báo hay không. Trên thực tế, với Báo Lao Động thì đề tài đó còn phải phù hợp với quan điểm của cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐVN. Slogan trên trang nhất báo in Lao Động là “Tờ báo số 1 bảo vệ quyền lợi người lao động”. Những đề tài bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người lao động sẽ nhận được mức độ ưu tiên cao hơn.

Thứ ba, khả năng triển khai đề tài đó có thực hiện được hay không và phù hợp với khả năng, trình độ của phóng viên hay không. Chưa kể một số đề tài còn phải tính toán đến phương án, hiệu quả tài chính nữa. Ví dụ đề tài xuyên quốc gia thì yếu tố tài chính cũng cần phải cân nhắc. Đề tài đó, để được triển khai nhất thiết phải thông qua kiểm duyệt của Ban Biên tập và lãnh đạo các ban chuyên môn, TKTS sẽ tham gia quá trình giám sát thực hiện đề tài.
111

Tính phát hiện, tư duy mới thậm chí cả tư duy mang tính phản biện

 
+ Ở góc độ này, những vấn đề mà Báo Lao Động quan tâm đầu tư cần có những tiêu chí như thế nào để được đánh giá là đề tài hay, đặc sắc và được Chi hội cũng như BBT báo lựa chọn tham dự giải, thưa ông?

- Như tôi nói ở trên những tiêu chí như tính phát hiện, tư duy mới thậm chí cả tư duy mang tính phản biện sẽ là những yếu tố cho một đề tài hay. Đó còn là sự phù hợp về tôn chỉ mục đích và quan điểm tờ báo. Chúng tôi nghĩ ra, việc chọn ra đề tài nào thì cũng phải hướng đến kết quả. Đó là nó có thể tác động đến đâu vào cuộc sống, tác động thế nào vào quyết định ra chính sách của cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho quá trình quản lý đất nước, có lợi nhất cho người dân, đặc biệt là người lao động.
111
Hình ảnh phóng viên báo Lao Động đang tác nghiệp.
Tôi có thể lấy ví dụ ngay đề tài về Bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam nước ngoài bị đối xử tệ bạc, thậm chí bị tử vong. Khi tiếp nhận những lá đơn kêu cứu của người lao động, Ban Biên tập đã họp nhanh để cùng triển khai đề tài, liên hệ với cơ quan chức năng, người nhà bệnh nhân. Loạt bài đó chúng tôi cho rằng đã tác động rất lớn đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có trách nhiệm của đơn vị làm dịch vụ Xuất khẩu lao động. Loạt bài đó báo Lao Động đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2018.

+ Tôi nghĩ rằng, để có một đề tài hay, không hẳn chỉ là sự chắt lọc từ dòng chảy thông tin mỗi ngày, từ thực tế sinh động ở cơ sở mà còn là sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm của mỗi phóng viên. Là Tổng Thư ký tòa soạn với nhiều năm làm nghề, quan điểm của ông như thế nào?

- Xin nói ngay là chúng tôi không có chủ trương đào tạo “gà nòi” hay xây dựng những loạt bài điểm chuyên để đạt giải, tuy nhiên báo cũng luôn cố gắng khuyến khích phóng viên có những loạt bài tốt, đạt giải báo chí nhất là Giải Quốc gia.

Quan điểm của tôi là mỗi thế hệ báo chí đều có những thế mạnh riêng. Thế hệ các phóng viên trẻ có ưu thế là tiếp cận công nghệ nhanh, tư duy sáng tạo, khả năng xả thân vào những vấn đề nóng cao hơn.

Trong khi đó những phóng viên có kinh nghiệm lại mạnh về kiến thức, tích lũy, khả năng phân tích, nhận định, đánh giá xu hướng. Chính vì thế khi triển khai các đề tài lớn, chúng tôi cũng có những đan xen, giao việc cụ thể giữa các thế hệ phóng viên sao cho có được hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, Báo Lao Động thường xuyên cử phóng viên tham gia các lớp đào tạo do Trung tâm Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Các lớp đào tạo này sẽ trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ làm Báo Lao Động, nhất là đội ngũ phóng viên trẻ, yêu nghề. Từ đó, chúng tôi sẽ có một lực lượng trẻ tuổi đời nhưng có kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh thực hiện những đề tài có thể tham dự Giải Quốc gia.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Hà Minh
(Báo Nhà báo và Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây