Tôi “nên duyên" với nghề báo đến nay cũng đã 8 năm.Và cái duyên ấy tôi hay gọi vui là mối duyên kỳ ngộ sự gặp gỡ hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng lại tâm đầu ý hợp, bởi trước đó tôi đã từng rất nhiều lần tưởng tượng về nghề nghiệp của mình trong tương lai nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm báo.
Năm 8 tuổi, sau đợt nằm viện khá dài, tôi từng ước mơ sẽ trở thành bác sĩ, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng oai phong như những siêu anh hùng trong truyện tranh. Cũng có thời gian tôi ao ước được trở thành tiếp viên hàng không bay lên bầu trời cao xanh vời vợi sau khi xem bộ phim về cô nàng Matsumoto Chiaki tuy hậu đậu nhưng đầy khát khao và hoài bão. Đến khi trưởng thành, dưới sự định hướng của gia đình, tôi dự định trở thành cô giáo, gắn bó với bảng đen phấn trắng và bao lớp học trò. Nhưng rồi năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, khi là một sinh viên Ngữ văn, tôi có cơ hội gặp và tiếp xúc với những nhà báo kỳ cựu của tỉnh.Thông qua những tiết học thỉnh giảng, tôi được nghe họ tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, và mối duyên kỳ ngộ ấy bắt đầu từ đây. Được sự khích lệ của các thầy cô, tôi mạnh dạn viết bài gửi cộng tác với Báo Bạc Liêu, Tạp chí Văn hóa Văn nghệ. Những bài viết ngắn, những câu chuyện cảm động sau khi đăng báo nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của bạn bè đã giúp tôi nhận ra rằng báo chí chính là con đường mà tôi muốn bước đi. Bây giờ nghĩ lại, không phải là tôi đã chọn nghề báo mà có lẽ chính nghề báo đã chọn tôi. Trong khoảng thời gian gần mười năm, nghề báo đã cho tôi những chuyến trải nghiệm những cuộc gặp gỡ đầy ắp niềm vui và hẳn nhiên cũng không thiếu những băn khoăn, trăn trở.Tất cả những điều ấy đủ để tôi nhận ra rằng nghề báo với tôi là một mối duyên lành.
Do không học chuyên ngành Báo chí nên những năm đầu khi mới chập chững bước vào nghề với vốn kiến thức ít ỏi từ vài học phần về quay phim, chụp ảnh, cách viết tin, phương pháp biên tập... tôi đã gặp không ít khó khăn trong lúc tác nghiệp. Từ khâu phát hiện, triển khai đề tài đến cách phỏng vấn, thu thập thông tin... tất cả đều mới mẻ và đầy bỡ ngỡ. Nhưng với tình yêu dành cho nghề báo và trên hết chính là sự dìu dắt, giúp đỡ của những anh chị nhà báo đi trước đã giúp tôi làm quen và có những bước đi vững chải hơn. Là một phóng viên báo văn nghệ, mỗi khi dùng ngòi bút của mình để giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của quê hương như: nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương, các khu di tích, lễ hội… với tôi là một niềm vinh dự và tự hào.
Sau khi trọn duyên với nghề, cũng có những lúc tôi thấy mình như còn mắc nợ. Đó là sau những chuyến đi, khi trở về phải viết vội cho kịp in, để rồi khi đọc lại bài báo của mình thấy câu chữ còn chưa đủ “ngọt” so với tình người, tình đất mà mình nhận được. Cũng có những nhân vật với những câu chuyện kể khi nghe mình đã rơi nước mắt nhưng ngòi bút đôi khi đành bất lực, chưa chuyển tải hết được trên trang viết để gửi đến bạn đọc gần xa. Điển hình như câu chuyện về ông Nguyễn Việt Cường, người thương binh đã dành trọn những năm tháng tuổi trẻ của mình cho công cuộc đấu tranh giành độc lập; câu chuyện về Bà mẹ Vlệt Nam anh hùng bốn lần tiễn con ra chiến trường là bấy nhiêu lần nhận giấy báo tử của con; hoặc như chuyến đi đến với Hòn Khoai, Hòn Nghệ điểm đảo ở vùng cực Nam Tổ quốc, được gặp những người lính từ miền Bắc xa xôi vào đây canh giữ biển trời quê hương... vậy mà bút lực của mình trở nên nhỏ bé trước những tấm lòng cao cả, những mảnh đất thiêng liêng ấy.
Chính vì trân trọng chữ “duyên" và nặng lòng với chữ “nợ” nên tôi luôn tự nhắc nhở bản thân rằng mỗi ngày phải không ngừng rèn luyện và trau dồi năng lực cũng như phẩm chất của người làm báo để sao cho mỗi khi đọc lại những trang viết của mình có thể tự mỉm cười để làm động lực, sẵn sàng cho những hành trình tiếp theo.
Thanh Du
(Nhà báo và Nghề báo Bạc Liêu)