Nghề báo - nghề nhọc nhằn và nhiều áp lực

Thứ ba - 07/07/2020 03:59
Được cho là một nghề vinh quang nhưng cũng là một trong những nghề nhọc nhằn, lao động nghề nghiệp của nhà báo phóng viên rất vất vả, áp lực và thậm chí nguy hiểm so với một số ngành nghề khác. Sau mỗi chuyến đi công tác xa thu thập thông tin, dẫu mệt nhọc đến đâu thì nhà báo cũng không được thư thả nghỉ ngơi mà phải liên tục lao động trí óc để viết tin, bài gửi về tòa soạn Có thể nói, các nhà báo phóng viên lao động gấp hai lần so với các nghề khác.
111

Nguy hiểm trên đường tác nghiệp
Hai mươi năm với nghề, tôi biết  rằng chỉ những người trong nghề mới hiểu hết nỗi vất vả của nghề. Trước mỗi chuyến đi, phóng viên đều có những suy tính, dự định nhưng nhiều khi không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc cũng vì thế mà không như mong đợi. Nhiều khi phóng viên đã hẹn trước với cơ quan, địa phương nhưng khi xuống đến địa phương thì vì nhiều lý do khác nhau mà lãnh đạo địa phương lúc thì bận việc đột xuất, có người lấy lý do họp, nhớ sai thời gian đã hẹn, thậm chí cũng có những trường hợp “trốn” không tiếp nhà báo phóng viên…

Nếu không gặp được người cung cấp thông tin, bài viết đã đăng ký trước coi như vỡ kế hoạch, phải chuyển hướng sang đề tài khác. Không chỉ chịu nhiều nhọc nhằn, khó khăn, phóng viên còn chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Đầu tiên là áp lực từ Ban Biên tập của tòa soạn. Ban Biên tập hối tin, bài, nhất là các tin theo đoàn lãnh đạo vào cuối giờ những ngày ra báo, trong khi sự kiện còn chưa kết thúc… Phóng viên phải giải quyết hài hòa các vấn đề cùng lúc. Thường nếu phóng viên được phân công đi theo đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thì phải thực hiện trước một phần nội dung, đến khi sự kiện diễn ra thì viết tiếp theo thực tế để tin đảm bảo nhanh, kịp thời gian của tòa soạn. Gần đây các báo có trang tin Online, báo Online nên tin cần đảm bảo nhanh chóng hơn so với báo in. Nhất là những tin viết mang tính thời sự có lãnh đạo tham dự thì tòa soạn yêu cầu hoàn thành nhanh và thời gian tính bằng phút. Đối với các sự kiện lớn và quan trọng của tỉnh có sự tham gia của lãnh đạo Trung ương, phóng viên càng chịu nhiều áp lực về hình ảnh, tin tức, bài vở... Khi ấy, phóng viên phải chuẩn bị nhiều thứ, kể cả lường trước những tình huống bất trắc có thể xảy ra.

Những khi tham gia cùng lãnh đạo tỉnh đi công tác ngoài tỉnh, kết thúc sự kiện, trong khi mọi người trong đoàn được nghỉ ngơi thì lúc phóng viên phải bắt tay vào viết tin, xử lý hình ảnh gửi email về tòa soạn. Có nhiều lúc khi hoàn thành tin, ảnh hoặc viết tin xong, dựng hình gửi về tòa soạn, đài thì phóng viên lại tiếp tục tham gia cùng đoàn dự sự kiện khác và bắt tay viết tin cho sự kiện tiếp theo... Những khi ấy, phóng viên phải làm việc hết công suất để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời cho tin, bài của mình. Bên cạnh những áp lực đã nêu, cũng có những áp lực khi phóng viên viết về những chủ trương của tỉnh; các dự án lớn, các vấn đề lãnh đạo tỉnh quan tâm. Khi thực hiện bài viết về các vấn đề này không chỉ phóng viên mà cả Ban Biên tập cơ quan báo chí luôn hết sức cân nhắc từng câu chữ.

Nhưng nghề báo không chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt mà nó còn đem lại cho người làm báo nhiều trải nghiệm thú vị không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng. Nghề báo nhọc nhằn và thậm chí nhiều hiểm nguy nhưng người làm báo cũng nhận về niềm vui riêng khi “đứa con tinh thần”của mình được đánh giá cao. Và hạnh phúc hơn hết đối với mỗi phóng viên, nhà báo là những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng thiết thực tới đời sống xã hội.

Mỗi tác phẩm báo chí dù loại hình báo in, báo Online, phát thanh, hay truyền hình.. . đều là sự kết tinh của cả tập thể cơ quan báo chí. Ngoài sự dấn thân vất vả của phóng viên trực tiếp thì đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật viên những “chiến sĩ thầm lặng” không có tên trên tác phẩm báo chí đã góp phần cho tác phẩm báo chí hoàn thiện hơn và nỗi vất vả cũng không kém phần các phóng viên.
                                                                                                   Minh Đạt
(Nhà báo và Nghề báo Bạc Liêu)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây