Phóng viên ảnh Trần Nam và chuyện về bức ảnh “Niềm vui người nông dân trồng vải thiều”
Thứ hai - 13/07/2020 09:15
Giữa tháng 6/2019, phóng viên Trần Nam, báo Tuổi Trẻ TP. HCM đã có mặt tại "xứ sở vải thiều" Lục Ngạn- Bắc Giang. Bức ảnh “Niềm vui người nông dân trồng vải thiều”- Top 50 giải thưởng ảnh “Khoảnh khắc báo chí” 2019 do báo Nhà báo và Công luận tổ chức- ra đời từ những ngày tác nghiệp ấy.
Nhắc về câu chuyện hậu trường tác nghiệp, phóng viên Trần Nam chia sẻ rằng, giữa tháng 6 năm 2019 anh lên vùng trồng vải Lục Ngạn Bắc Giang để ghi nhận lại việc trồng, mua bán vải diễn ra ở đó. Đặc biệt, năm 2019 cũng là lần đầu tiên Lục Ngạn triển khai thí điểm gần 20ha vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn.
Cho nên, với việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã giúp trái vải Lục Ngạn, Bắc Giang có giá bán cao gấp từ 3 đến 7 lần những năm trước. Khoảng một vài năm gần đây, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 nước, chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch (chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu) và một số thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản…
“Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng nhiều nông sản của Việt Nam rất tốt, đặc biệt là hiện nay, nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu đi nước ngoài. Mong rằng người trồng vải Lục Ngạn nói riêng và nông dân Việt Nam ngày càng có nhiều tin vui hơn nữa với những sản phẩm do chính mình tạo ra”- Trần Nam lý giải việc chọn đề tài về quả vải thiều xứ Bắc Giang.
"Chính vì vậy, tôi đã đề xuất và được toà soạn đồng ý cho thực hiện phóng sự ảnh “Niềm vui người nông dân trồng vải thiều”. Cũng cần nói thêm, đề tài về chụp ảnh vải thiều nhiều phóng viên đã thực hiện và gắn với câu chuyện của từng mùa nhưng phóng sự ảnh do tôi thực hiện nó được chụp vào hoàn cảnh mà khi ấy người trồng vải Lục Ngạn vui mừng được giá cao”, Phóng viên Trần Nam nhớ lại.
Thế nhưng, để có được những hình ảnh ấn tượng đấy, anh phải thực hiện trong vòng 2 ngày, phải tìm hiểu thông tin trước đó khá lâu và ghi lại vào 3 thời điểm sáng sớm, trưa và buổi tối, từ khâu từ thu hoạch quả vải tại vườn cho tới các công đoạn khác như ướp, chọn lọc và đóng thùng đi phân phối các nơi cũng như xuất khẩu.
Phóng viên Trần Nam chia sẻ: “Trong phóng sự ảnh mình thực hiện thì may mắn có một bức ảnh đoạt giải được chụp vào khoảng trưa tại chợ vải phố Kim. Đó là một bức ảnh được ghi lại dưới cái nắng oi bức, lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của người dân, phía sau là sọt vải thiều đỏ mọng trong lúc đang chờ thu mua đã tạo ra một hình ảnh rất bắt mắt, ấn tượng”.
Đặc biệt, tác nghiệp lần này khá là vất vả, điều đầu tiên là để ý đến khâu chọn lựa, cần chọn những vị trí cao vừa đủ để thấy được sự ngợp nhưng không quá cao. Ban đầu anh đứng nhờ lên 1 chiếc xe máy gần đó, nhưng khá rung và góc chụp không được ưng cho lắm. Nên tiếp tới anh lại chọn một thùng xe tải chở vải nhưng vị trí này lại giữa đường thấy nguy hiểm vì quá nhiều xe cộ, ít vải.
“Và cuối cùng mình chọn 1 cột mốc bên đường để đứng lên khá chênh vênh nhưng may mắn là góc chụp đó cơ bản là tốt nhất để thực hiện tác phẩm”, phóng viên Trần Nam nói.
Trần Nam chia sẻ, trong quá trình tác nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, anh không khó để tiếp cận lấy thông tin cũng như ghi lại hình ảnh người dân bán vải. Khi gặp trực tiếp, tiếp xúc với người dân luôn cởi mở, chia sẻ về công việc cũng như những thông tin về mùa vải thiều năm nay và họ cũng khá thoải mái khi tiếp cận trước ống kính.
“Miễn một điều là cần trung thực khi ghi nhận và đưa thông tin lên mặt báo thì lần sau việc liên hệ công tác cũng như phỏng vấn người dân, các thương lái, chính quyền sẽ dễ dàng hơn”- phóng viên Trần Nam tâm sự.
Đã hơn 1 năm khi tác phẩm: “Niềm vui người nông dân trồng vải thiều” được đăng tải trên báo chí truyền thông, chiếm được tình cảm bạn đọc. Còn với Trần Nam, anh chia sẻ, anh thích câu nói của một nhà báo nổi tiếng “Cách duy nhất để ghi lại sự thật vẫn là phải đến gần nó”, với nghề báo, chỉ cần sự đam mê, yêu nghề và chịu dấn thân, chăm chỉ, người phóng viên sẽ gặp được nhiều may mắn.
“Người làm nghề phóng viên ảnh luôn coi những tác phẩm là đứa con của mình, do vậy bản thân anh luôn phải trau dồi, tích lũy kinh nghiệm để cố gắng trong những lần tác nghiệp tiếp theo có thể ở miền vải khác sẽ cho ra những tác phẩm ảnh báo chí chân thật và nhiều cảm xúc nhất”- Trần Nam chia sẻ.