Một bức ảnh giá trị ngoài yếu tố cảm xúc phải đi cùng tính phát hiện
Thứ sáu - 26/06/2020 16:44
Một bức ảnh giá trị ngoài yếu tố cảm xúc phải đi cùng tính phát hiện
“Là phóng viên ảnh ngoài yếu tố cảm xúc, khách quan thì người phóng viên cũng luôn phải có tính phát hiện, sáng tạo trong tác phẩm của mình”, đó là chia sẻ của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn - Báo Nhân Dân.
Tác nghiệp ở sự kiện lớn, làm sao không bị choáng ngợp Là phóng viên ảnh thời sự cho một cơ quan báo chí lớn như Báo Nhân Dân, Nhà báo Vũ Anh Tuấn cũng đã đi qua rất nhiều sự kiện lớn của đất nước, những hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế. Như Đại hội Đảng, Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các kỳ họp Quốc hội…
Như bao phóng viên khác, việc chuẩn bị để vào được sự kiện đó cũng quan trọng, ngoài phải đăng ký trước, trải qua vấn đề thủ tục an ninh, việc chuẩn bị tâm lý để vào trong khu vực tác nghiệp làm sao không bị choáng ngợp cũng cần chú ý tới. Phóng viên phải biết lựa chọn những vị trí tốt nhất, để khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất hiện mình không bị bất ngờ, chụp được những khoảng khắc tốt nhất trong sự kiện đó.
Để có những bức ảnh đẹp, chân thực nhất, những khoảnh khắc đắt giá đòi hỏi phóng viên ảnh phải có bản lĩnh. Công việc chụp ảnh những sự kiện đó tưởng như là dễ nhưng thực chất là rất khó, vì những khoảnh khắc của sự kiện lớn chỉ diễn ra ít phút.
Chia sẻ về điều này, nhà báo Vũ Anh Tuấn cho biết: Phóng viên tác nghiệp các sự kiện lớn không có nhiều thời gian, việc lựa chọn ví trí là điều quan trọng đầu tiên, tất nhiên bên phía an ninh sẽ giới hạn nhưng mình cũng cần lựa chọn những khu vực không bị cấm để chụp những khoảnh khắc tốt nhất.
Những người mới vào nghề nên quan sát những người đi trước, xem họ đứng đâu, chọn vị trí nào. Mình có thể quan sát cùng họ, ở đây không phải là bắt chước theo kiểu dập khuôn mà để quan sát và nắm bắt được vấn đề. Từ đó lựa chọn được vị trí nào tốt nhất cho mình, dần dần các sự kiện này sẽ cho mình những kinh nghiệm sau trở thành phản xạ tự nhiên.
Chia sẻ những kinh nghiệp được hun đúc hàng chục năm, nhà báo Vũ Anh Tuấn gợi ý: Trong quá trình tác nghiệp phải bình tĩnh, chụp không làm ảnh hưởng quá nhiều đến những người xung quanh, mình cần tôn trọng mọi diễn biến của sự việc, không nên can thiệp hay cản trở sự kiện đang diễn ra mà cần tôn trọng sự thật khách quan.
Công tác tại báo Nhân Dân, không ít lần nhà báo Vũ Anh Tuấn được giao nhiệm vụ khó khăn và áp lực. Như sự kiện cách đây gần 20 năm (tháng 8-2001) khi đó Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tổng thống Arafat (lãnh tụ Palestine) tại phòng VIP sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc đêm muộn. Do vậy phóng viên bị hạn chế thời gian tác nghiệp, chỉ khoảng khoảng 3 phút tác nghiệp, chụp một vài kiểu ảnh là phải ra khỏi khu vực này ngay. Anh chụp xong khoảng 5 kiểu bằng phim đen trắng (chưa có máy kỹ thuật số như bây giờ) chụp xong không kiểm tra được là bức ảnh có được hay không.
Phóng viên ảnh tác nghiệp bằng máy phim sẽ không thể biết được sản phẩm của mình cho đến lúc mang đi tráng phim, làm ảnh. Họ có cảm giác hồi hộp khó tả. nhà báo Vũ Anh Tuấn cho biết: “Về đến cơ quan gần 1 giờ sáng, khi phim được tráng xong, phóng ảnh, gửi lên Ban biên tập tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vì thời điểm đó chỉ có duy nhất Báo Nhân Dân chụp, nếu không có thì không thể lấy được ở đâu”.
So với thế hệ trước, những phóng viên, nhà báo hiện nay chắc hẳn mọi người sẽ thấy họ thuận lợi hơn nhiều. Theo anh, “thời điểm đó chụp máy phim, máy chưa có chế độ chụp liên tục, phim độ nhạy không được cao, đèn flash lên chậm, nên khi chụp phải cẩn trọng rất nhiều nếu không sẽ không có ảnh đẹp”.
Khó khăn tạo nên ý chí, sự tỉ mỉ và chau chuốt
Chiếc máy ảnh Nikon FM2 chụp phim đã theo anh và gắn bó với anh trong nhiều chặng đường, anh cùng với chiếc máy cũng đã tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ, những sự kiện quan trọng của đất nước…Chiếc máy tuy ít tính năng, thiếu linh hoạt nhưng chính nó lại tôi luyện một tinh thần làm việc tập trung, sáng tạo và vốn quý cho người phóng viên sau này.
Ngày 22/2/2003, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng, anh Vũ Anh Tuấn được cơ quan giao nhiệm vụ có mặt sớm để thực hiện chụp ảnh. Hai nhà lãnh đạo lớn của thế giới hội ngộ, nên phóng viên quốc tế có mặt rất đông, để có được vị trí tác nghiệp thuận lợi là điều không dễ dàng. Với nhãn quan chính trị của một phóng viên thuộc cơ quan báo chí lớn, anh luôn tâm niệm làm sao bức ảnh mình chụp phải tôn lên tình thần đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa hai nhà lãnh đạo, hai quốc gia.
Khi hai nhà lãnh đạo đang ngồi nói chuyện và gần kết thúc câu chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt bàn tay của mình lên trên tay của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và một bàn tay khác của Chủ tịch Cuba đang chuẩn bị đặt lên tiếp, được anh chụp lại được khoảng khắc đó. Một bức ảnh tạo ra nhiều cảm xúc về tình hữu nghị thiêng liêng, bức ảnh đó anh đặt tên “Nghĩa tình thủy chung” sau đó được chọn treo trong triển lãm ảnh Nghệ thuật Toàn quốc năm 2003, có giá trị về mặt ngoại giao.
Nhà báo Vũ Anh Tuấn thông tin thêm, khi tác nghiệp “Ngoài yếu tố cảm xúc, người phóng viên luôn phải có tính phát hiện, cố gắng làm sao chụp khác đi một chút, tránh việc trùng lặp gây nhàm chán hoặc chụp chỉ cho có”.
Có lẽ ở thế hệ mà công nghệ tác nghiệp chưa phát triển, một bức ảnh là một tấm phim, chi phí đắt đỏ, có lẽ vì vậy phóng viên thời kỳ này luôn dè sẻn, chắt chiu và luôn khắt khe cho việc chụp một tấm hình hơn.
Năm 2004, tại Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong buổi nói chuyện với những cựu chiến binh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về những hi sinh của những đồng đội.
Đúng thời điểm đó, hình ảnh Đại tướng lấy khăn lau nước mắt được anh lưu giữ lại. Bức ảnh phần nào giúp độc giả hiểu và qúy mến hơn về một vị tướng tài ba, người chỉ huy, người tạo tiếng vang cho lịch sử dân tộc, nhưng ông đồng thời cũng là một con người bình dị, gần gũi và thấu hiểu những hi sinh mất mát của từng người lính, từng đồng đội.
Là phóng viên ảnh của một cơ quan báo chí lớn, nên anh luôn chau chốt trong từng kỳ cuộc, từng sự kiện, chính vì thế đã có nhiều bức ảnh mang đậm dấu ấn Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn. Các sự kiện chính trị của đất nước thường được diễn ra không bao giờ lặp lại, trang thiết bị chưa tốt nhưng không cho phép bất cứ sai lầm nào…và anh luôn cảm thấy mình may mắn khi được sống, làm việc và cống hiến vào thời điểm đó. Theo anh vì nhờ khó khăn đó đã rèn luyện cho anh những đức tính quan trọng cho cả hành trình sau này.
Nhà báo Vũ Anh Tuấn tâm sự: “Bản thân mình làm nghề phóng viên ảnh, mà không cảm thấy yêu nghề, thì nghề của mình sẽ không bao giờ vững vàng được. Là thế hệ đi trước tôi luôn mong muốn các bạn trẻ hãy yêu nghề mình đã chọn, dấn thân với nghề. Không ai có thể tự nhiên chụp ảnh mà có thể tốt, giỏi ngay được, đó phải là một quá trình rèn luyện”.
Chia sẻ với Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn tôi mới hiểu rằng, nghề phóng viên ảnh cũng công phu và đòi hỏi những tố chất quan trọng. Cầm máy ảnh không chỉ có chụp ảnh không, bản thân phóng viên ảnh cũng cần xem sách báo, xem lại những bức ảnh của thế hệ trước từ đó biết được tác giả chụp kỳ công như thế nào. Luôn đọc để biết được những đánh giá từ độc giả, lắng nghe những góp ý của bạn bè, đồng nghiệp để mình sửa những hạn chế, nắm vững những kỹ năng sử dụng thiết bị sau đó mới nghĩ đến sáng tác nội dung. Rốt cuộc chọn nghề cũng chính là chọn cuộc đời, chọn cách sống và bạn có muốn một cuộc đời hời hợt hay không đó là ở bạn.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn hiện là Phó trưởng phòng Ảnh Báo Nhân Dân đã có trên 30 năm trong nghề. Đã được trao Tước hiệu cao của Quốc tế và cao nhất của nhiếp ảnh Việt Nam: - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặc biệt xuất sắc Việt Nam (E.VAPA/G) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cống hiến xuất sắc Việt Nam (ES.VAPA) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuất sắc Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (EFIAP) Đến nay anh đã đoạt: bốn giải Báo chí Quốc gia, sáu giải Xuất sắc Quốc gia về ảnh nghệ thuật cùng với trên 100 giải thưởng về nhiếp ảnh trong nước và nước ngoài. Hiện anh được mời tham gia là thành viên Ban giám khảo, Hội đồng nghệ thuật của nhiều cuộc thi ảnh Báo chí, ảnh Nghệ thuật cấp Quốc gia hoặc của các bộ , ban ngành trung ương tổ chức. Lê Tâm