Thông qua phản ánh, phân tích, điều tra về những vụ án đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều, báo chí đã góp phần giúp cơ quan tố tụng và cơ quan giám sát kịp thời phát hiện lỗ hổng pháp luật để bổ sung, sửa đổi nhằm giữ được thăng bằng của cán cân công lý cũng như đem lại niềrn tin cho nhân dân về một nền tư pháp tiến bộ, minh bạch và nhân văn.
Vai trò của báo chí
Thời gian vừa qua, cùng với những tiến bộ tích cực trong ngành tư pháp cũng xảy ra một số vụ án oan sai, thương tâm ảnh hưởng lớn tới niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Đồng hành cùng những nỗi oan khiên của người dân, ngoài luật sư, nhà báo cũng được xem là một lực lượng tin cậy giúp họ tìm lại công lý đã mất.
Thực tế cho thấy, với cách phân tích sâu sắc, lập luận chặt chẽ và phản biện có tính khoa học, báo chí đã giúp các cơ quan chức năng làm sáng tỏ các vụ án oan, bảo vệ công lý, bảo đảm sự thượng tôn pháp luật cũng như quyền công dân của mỗi công dân. Ngược lại, báo chí cũng mở ra một diễn đàn công khai, dân chủ, giúp cơ quan chức năng và người dân bày tỏ quan điểm của mình, nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong thực thi pháp luật. Chính vì vậy, sự vào cuộc của báo chí trong nhiều vụ án sẽ góp phần giúp dư luận sáng tỏ vấn đề.
Đặc biệt, những tuyến bài điều tra không chỉ làm tăng sức sống, sức chiến đấu của báo chí mà còn tích cực làm sáng tỏ vụ việc, giảm oan sai, tránh gây những tổn thất không thể bù đắp cho người lương thiện và gia đình họ, góp phần quan trọng để người dân tin tưởng vào công lý.
Đồng thời, qua sự phản hồi báo chí, những người làm công tác bảo vệ pháp luật cũng có cơ hội cùng dư luận xã hội và các cơ quan liên quan khác nhìn nhận lại kết quả xét xử sau mỗi vụ án. Qua đó, nắm bắt dư luận xã hội để giáo dục cho mọi người biết phân biệt đúng sai, có cái nhìn khách quan và chân thật về các vụ việc theo tinh thần tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật.
Đề cao tính chiến đấu
Ngày càng thể hiện được vai trò mạnh mẽ của mình trong việc phản ánh những hiện thực trong đời sống và góp phần giám sát, phản biện xã hội để công lý được thực thi, báo chí xứng đáng là nguồn thông tin tin cậy và là phương tiện chủ lực để Đảng. Nhà nước nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đưa những chủ trương, đường lối, chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng và khách quan nhất. Còn nhớ câu chuyện về hành trình điều tra vụ án oan do nhà báo Nguyễn Chính - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại Nha Trang thực hiện đã đoạt giải A Giải Báo chí toàn quốc năm 1994. Một lái xe bị bắt tạm giam vì gây hậu quả nghiêm trọng luôn cho rằng mình bị oan nhưng không may đã mất trong tù. Tâm nguyện của người này trước khi mất là tìm được nhà báo để minh oan cho mình. Bằng tinh thần dũng cảm cùng quyết tâm trả lại sự trong sạch cho người đã mất, nhà báo Nguyễn Chính đã thu thập các chứng cứ tài liệu xác đáng để chứng minh rằng khi xảy ra vụ tai nạn, xe của tài xế ở cách hiện trường rất xa và có sự xác nhận của Cảnh sát giao thông. Từ đó, qua một loạt bài điều tra về “Hành trình giải oan” được Báo Đại Đoàn kết đăng tải đã góp phần minh oan cho người tài xế, kẻ gây án đã bị trừng trị trước pháp luật, hàng loạt cán bộ có liên quan đến vụ việc đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Có thể thấy, muốn phát huy vai trò của mình trong việc thông tin các vụ án oan, báo chí cần cung cấp những thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, chuẩn mực, nhân văn, tránh dẫn dắt định hướng dư luận theo hướng tiêu cực. Đồng thời, cần chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập, ghi nhận ý kiến đầy đủ của các chuyên gia về lĩnh vực có liên quan… giúp các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và điều chỉnh hợp lý. Từ đó, giúp công lý được thực thi ở mọi nơi, mọi chỗ, tránh bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Cùng với đó, trước sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như trách nhiệm của mình, cơ quan tố tụng thông qua báo chí cũng cần chủ động trả lời và cung cấp thông tin một cách chính thống qua người có thẩm quyền, tránh những thông tin không đúng hay cùng một thông tin mà có cách hiểu khác nhau, tránh gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội.
Vai trò, trách nhiệm của báo chí là phản ánh thực trạng xã hội, thông tin trung thực, ghi nhận các luồng ý kiến khác nhau của dư luận xã hội và định hướng dư luận đã góp phần không nhỏ vào việc truy tìm và thực thi công lý trong xã hội, nhất là trong bối cảnh các thể lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng những mặt tối của đời sống xã hội để kích động bạo lực và thù hằn dân tộc. Điều này đòi hỏi những người làm báo cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với thực tiễn đang diễn ra trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc những điều đã được pháp luật quy định.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Đối với bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, công lý và bảo đảm công bằng xã hội cho tất cả công dân là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra. Luật sư và báo chí với sứ mệnh của mình luôn được đặt niềm tin là người góp phần bảo vệ cán cân công lý, giúp đỡ những người yếu thế, bảo đảm để tất cả mọi người được hưởng sự công bằng. Vì vậy, giữa luật sư và báo chí có mối quan hệ khăng khít, gắn bó trong việc bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Luật Báo chí 2016 đã quy định nghiêm cấm các hành vi đăng phát tán thông tin có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân hoặc gây chiến tranh tâm lý; gây chia rẽ trong nhân dân; gây thù hằn, kỳ thị dân tộc; kích động bạo lực, tội ác. Khi thông tin, báo chí, nhà báo không được tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; tránh thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan , tố chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đặc biệt, đối với các vụ án, báo chí không được quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hà Nội
Thông thường, những vụ án oan thường thu hút sự quan tâm dư luận xã hội, mọi thông tin liên quan đến những vụ án này sẽ có nhiều phản ứng và nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong dư luận. Do đó, dư luận rất dễ bị nhiều thông tin, điều này gây ra hệ quả đặc biệt nghiêm trọng. Trên mạng xã hội, thông tin về những vụ án oán được xét xử lại rất dễ bị xào xáo, cắt xén thêm “gia vị” biến thành những vấn đề gây kích động dư luận. Thông tin chính xác, phản ánh đúng sự việc bị che mờ, khiến người dân nghi ngờ những thông tin từ các cơ quan báo chí.
Mỗi khi có sự kiện pháp lý như vụ án oan Bùi Minh Hải, Nguyễn Thanh Chấn được xét xử lại, thì xuất hiện làn sóng tin giả nói xấu chế độ của các thế lực phản động được dấy lên một cách mạnh mẽ. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình khiến một số người dân tin những tin giả trên mạng xã hội và hoài nghi vào chế độ, vào cơ quan thực thi pháp luật.
Trước thực tế đó, rất cần các cơ quan báo chí vào cuộc một cách mạnh mẽ, đưa tin một cách công tâm, tránh những suy luận một chiều, thiếu căn cứ, gây ra những hoài nghi cho người dân về vụ án .