Trước thềm giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019: Để tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia

Thứ hai - 18/05/2020 08:17
Tư duy kể chuyện bằng hình ảnh phải được huy động tối đa

"Không chỉ dừng ở việc chọn lọc ảnh, người phóng viên cũng cần có tư duy kể chuyện bằng hình ảnh thật ấn tượng để tạo nên một phóng sự ảnh độc đáo, giàu cảm xúc và thuyết phục được độc giả" - nhà báo Lưu Trọng Đạt - Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm gửi tác phẩm dự thi GBCQG.

Giải C và những cảm xúc khó quên

Nói đến tay máy Trọng Đạt, công chúng thường nhắc tới những tác phẩm về thiên tai và đặc biệt liên quan tới những “điểm nóng”. "Những vấn đề về biến đổi khí hậu như trái đất nóng lên, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, thiên tai... là những vấn đề đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ. Ở Việt Nam và các nước trên thế giới đã có những dự án, những biện pháp rất tích cực để đối phó với những vấn đề trên và với cương vị là một nhà báo tôi luôn ưu tiên và muốn góp sức mình để thông tin kịp thời, truyền tải những thông điệp tích cực của bản thân từ những vấn đề đó đến công chúng" - Trọng Đạt khẳng định.

Trong 3 năm gần đây (từ năm 2016 đến 2018), nhà báo Lưu Trọng Đạt - Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã có 3 lần liên tiếp được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia. Tác phẩm “Xâm thực biển, sạt lở đe dọa nghiêm trọng đồng bằng sông Cửu Long” đoạt giải C BCQG năm 2018 có lẽ là tác phẩm đáng nhớ nhất đối với Trọng Đạt bởi để có được phóng sự ảnh đẹp, anh kể rằng mình đã đi lại đến ba lần từ Hà Nội vào Cần Thơ. Lúc đi xe đò khi thì xuống Cà Mau, khi lại về Rạch Giá (Kiên Giang) sau đó thuê xe máy đi cả gần 100km để tới được những địa điểm mà mình muốn tác nghiệp.
111
Phóng viên ảnh Trọng Đạt tác nghiệp.
Trọng Đạt kể lại kỷ niệm tác nghiệp đầy hào hứng: “Tôi cùng một anh bạn người bản địa chạy xe máy từ TP. Rạch Giá, Kiên Giang đi tắt qua rất nhiều con đường mà có lẽ chỉ dân bản địa họ mới biết để đưa tôi đến địa điểm mong muốn. Trời mưa và địa điểm đến là Ấp Cây Gõ xã Vân Khánh Tây, huyện u Minh, Kiên Giang nằm chơi vơi đối mặt với những con sóng to và gió lớn phía biển Tây.

Đường vào Ấp bị sóng biển phá tung, xe máy của các hộ dân dựng hết ở trên đê và khóa cổ để mặc mưa gió. Tôi đeo theo balo máy ảnh cởi giày đeo vào cổ và cùng anh bạn lội bùn theo chân một người dẫn đường đi vào trong Ấp. Trời mưa và gió mạnh tôi không thể làm được gì, hai anh em tá túc nhờ tại một hộ gia đình nằm ngay phía chân sóng vỗ.

Khi đó tôi có ý định chờ trời tạnh sẽ tác nghiệp nhưng thời tiết lúc này không ủng hộ và trời mưa liên tục trong hai ngày trời. Mưa gió ban ngày thì cũng không đến nỗi nào nhưng về đêm nằm trong chăn nghe gió triều lên như vũ bão, gió ngớt là mưa lại như trút, sóng vỗ ầm ầm bên ngoài nhà rồi lại mất điện. Tôi không quen nên không tài nào chợp mắt, lòng nhủ thầm “chỉ cần một biến động nhỏ của thời tiết thôi chắc cả đại dương nước ngoài kia nhấn chìm nơi đây”.

Tôi ở đó đến ngày thứ ba trời vẫn mưa nhưng lúc này tôi đã quyết định tác nghiệp để “rút quân”. Trước đó cũng tại nơi này, khi điều khiển bay thiết bị Flycam do gió to quá đã bị lật và rơi nên tôi phải quay lại nơi này để tác nghiệp thêm lần nữa. Chiếc xe máy chúng tôi sử dụng dựng trên bờ đê cùng những con xe khác của người dân dầm mưa dãi gió qua 4 ngày vẫn y chang.

Tôi vẫn còn nguyên những cảm nhận về sự nồng ấm, nhiệt tình của những người dân nơi đây. Họ thấy có phóng viên từ Hà Nội vào tác nghiệp nên cả Ấp ai cũng vui, qua hỏi han rồi mang cá, tôm qua cùng ngồi ăn uống trong những ngày mưa gió.

Cho đến bây giờ đó có lẽ là những kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên và luôn trân trọng, bởi là một người hoàn toàn xa lạ, tôi khi đó được cưu mang trong những ngày tác nghiệp "cơ nhỡ” từ những người dân miền Tây nhân hậu, hiền lành, vui vẻ và mộc mạc".
111
Phóng viên ảnh Trọng Đạt nhận giải.
Săn được ảnh quý và... sự liều lĩnh có chủ động

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Chính vì thế ảnh báo chí sẽ làm nhiệm vụ lưu giữ lại những khoảnh khắc, đó là giá trị lịch sử to lớn mà ảnh báo chí mang lại. Chính bởi vậy nên bản thân Trọng Đạt khi thực hiện công việc đưa tin trong những lần dấn thân vào các sự kiện dù lớn hay nhỏ anh cũng luôn tâm niệm rằng mình là người đại diện cho hàng vạn độc giả ngoài kia và việc mình chứng kiến và trải nghiệm cũng chính là độc giả muốn chứng kiến trải nghiệm. Cảm xúc của mình như thế nào thì độc giả cũng sẽ như thế, chính vì vậy anh luôn cố gắng thực hiện được những phóng sự ảnh thật đầy đủ, đa dạng các góc nhìn nhằm giúp độc giả có thể cảm nhận được rõ ràng hơn các diễn biến của sự kiện thông qua các bức ảnh mà mình đã chụp.

Để mỗi một tác phẩm có được sức hút đối với công chúng và được thể hiện qua những tấm ảnh báo chí “biết nói”, Trọng Đạt khẳng định rằng tính hiện thực phải được thể hiện sáng tạo và nhân văn qua mỗi bức ảnh báo chí, tôn trọng sự thật và giữ đạo đức của nghề phóng viên ảnh là tiêu chí hàng đầu của anh mỗi khi tác nghiệp. Mỗi bức ảnh là một mảnh ghép của hiện thực vì thế buộc người phóng viên phải dấn thân vào sự kiện, cố gắng theo đuổi và biến mình trở thành một phần của những sự kiện, chụp sự kiện đó theo cảm nhận của bản thân với nhiều góc chụp nhất có thể. Không chỉ vậy, ngoài những yếu tố căn bản, từ việc chọn vị trí đứng, góc chụp, việc chọn bố cục hợp lý, tư duy sáng tạo về những chủ đề riêng… anh cho rằng cũng cần thêm yếu tố phán đoán chính xác, không ngại gian nan và thực sự đầu tư về thời gian để thực hiện, cùng với đó cộng thêm một chút liều lĩnh và một chút may mắn là thành công.

“Với phóng sự ảnh đoạt giải năm 2018, trước đó tôi đã lựa chọn thời gian nên chạm vào mùa mưa, tôi xem thời tiết thấy mưa to là tôi liều đi và may mắn là tôi đã ba lần vào được vùng xâm thực nghiêm trọng đó để gặp những con người tuyệt vời đó và có được một bộ ảnh tốt. Sự liều lĩnh của tôi là có chủ động, sau khi đánh giá được mức độ nguy hiểm và rủi ro của thiên nhiên, đường đi... của địa điểm tôi tác nghiệp thì tôi mới liều. Có lẽ yếu tố này lại giúp tôi có được một tác phẩm giàu cảm xúc của cá nhân và phản ánh hiện thực rõ nét nhất có thể" - nhà báo Trọng Đạt chia sẻ.
111
Loạt phóng sự đoạt giải C.
Theo kinh nghiệm cá nhân của Trọng Đạt khi bắt đầu chụp ảnh về một vấn đề, sự kiện hay thực hiện bất kỳ một dự án ảnh nào đó thì ngay từ khi hình thành dự định chụp ảnh, anh đã phải có cho mình một hình dung ban đầu về những hình ảnh mà cần phải thực hiện để khi tiếp cận hiện trường sẽ không bị cuốn theo các diễn biến khác. Cùng với đó phải tùy cơ ứng biến trong khi tác nghiệp bởi sẽ có nhiều yếu tố khách quan sẽ xuất hiện ở hiện trường, có thể có những khuôn hình bạn đã hình dung trong đầu cũng có thể là không có mà thay vào đó là một diễn biến khác, đôi khi bắt nhịp với sự thay đổi này lại có thể tạo ra đột phá cho tác phẩm của mình.

Đi thực tế nhiều nơi, thậm chí những “điểm nóng”để có được những hình ảnh quý, chân thực dù vậy cũng chưa chắc là có thể đoạt được giải, dự thi muốn được giải đòi hỏi giữa hàng ngàn bức ảnh khác nhau người phóng viên phải rất kỳ công và có kỹ năng cao trong việc chọn lọc một tấm ảnh đơn báo chí hay một số lượng ảnh nhất định để tạo nên một phóng sự ảnh báo chí dự thi.


Theo kinh nghiệm cá nhân của Trọng Đạt, mỗi một phóng sự ảnh khi hoàn thành thì công việc chọn ảnh biên tập, xây dựng một phóng sự ảnh có đầu cuối từ những bức ảnh đã chụp là rất quan trọng, lúc này tư duy kể chuyện bằng hình ảnh phải được huy động tối đa (sự thành công hay thất bại là tại khâu này).

Trọng Đạt thường gửi dự thi khoảng 10 ảnh cho một phóng sự ảnh và chia thành ba phần (nôm na là như một bài văn coa phần đầu – phần giữa – phần kết thúc). Trong đó có khoảng 3 bức ảnh trung tâm của sự kiện (ảnh đinh) để ở 3 phần, cùng 7 ảnh liên quan khác, tất cả các ảnh phải có điểm nhấn được thể hiện sáng tạo qua góc chụp, bố cục, ánh sáng… các bức ảnh đó khi đứng cạnh nhau sẽ hỗ trợ thông tin cho nhau để tạo thành một phóng sự ảnh với đầy đủ thông tin về một vấn đề chân thật nhất, sáng tạo nhất và nhân văn nhất.
 
                                                                                        Hoàng Huy

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây