Đây không phải là một câu hỏi lý thuyết, mà là một vấn nạn nghiệm sinh mà có lẽ bất cứ nhà báo nào cũng từng có lúc đặt ra và thao thức trong cuộc đời cầm bút của mình, nhất là khi gặp những tình huống lưỡng nan khó xử…
Trong xã hội hiện đại, báo chí là một định chế hết sức độc đáo. Độc đáo vì nó tạo ra một không gian công cộng mới mẻ chưa hề có trong các xã hội cổ truyền.[1] Và độc đáo còn vì nó là một thể tài có đường biên giới khá lu mờ mà, trên nguyên tắc, ai cũng có thể bước chân vào : bằng chứng là có rất nhiềungười viết báo nhưng không phải là người làm báo, hiểu theo nghĩa là người làm báo chuyên nghiệp. Tuy vậy, ngày nay có lẽ ai cũng nhìn nhận rằng làm báo là một nghề riêng biệt.
Lẽ tất nhiên, nghề nghiệp nào cũng có sứ mệnh của mình, và bất cứ nghề nghiệp nào cũng như bất cứ sứ mệnh nào đều cần được xã hội coi trọng cả. Vậy tại sao lại đặt ra câu hỏi : làm báo là một nghề hay một sứ mệnh ? Câu hỏi này không thừa nếu chúng ta nhìn lại lịch sử ra đời của báo chí, kể từ khi báo chí lúc đầu chưa được nhìn như một nghề thực thụ mà chỉ được coi như một hoạt động chủ yếu mang sứ mệnh văn hóa hay sứ mệnh chính trị, cho tới khi báo chí phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và trở thành một nghề nghiệp riêng biệt. Câu hỏi ấy cũng hoàn toàn không phải là thừa nếu chúng ta nhận thức rằng báo chí nói riêng hay truyền thông đại chúng nói chung là định chế có tầm ảnh hưởng nhiều nhất và sâu rộng nhất tới hầu hết các định chế xã hội khác như kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, phong tục…[2] Và chính vì thế mà sứ mệnh xã hội của báo chí mang một tầm vóc quan trọng đặc biệt không thể bỏ quên khi nói tới nghề làm báo. Đặc điểm của nghề làm báo Trước đây, người ta thường cho rằng làm báo là một thứ “nghề tự do”.[3] Nhà báo Vũ Bằng từng mô tả tâm trạng của mình lúc mới bước chân ra làm báo rằng “thú thực có lắm lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực”.[4] Ông chân thực kể lại kinh nghiệm của mình sau khi có bài đầu tiên được đăng trên tờ Đông Tây tuần báo : “…Đã là nhà báo thì phải khác người, phải lập dị, phải có tác phong y như những nhà báo nổi tiếng lúc bấy giờ như Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch… mà tôi vẫn thường nghe đồn đại là những tay chơi chí tử. Tôi hút. Tôi uống rượu… Rồi cứ bài báo nào mình viết ra, đọc lại, mình cũng thấy hay phi thường và tự cho văn mình là ‘nhứt tự thiên kim’, tòa soạn bỏ đi một đoạn hay sửa một chữ – một chữ thôi – mình cảm thấy là làm hại văn mình, giết mình, phá hoại mình.”[5] Còn nhà báo Tế Xuyên, một người từng làm nhiều tờ báo từ Bắc vô Nam, tâm sự và nhớ lại hình ảnh nhà báo huyền thoại vào thời trẻ của mình như sau : “Hồi 1925-1926 khi còn đi học, tôi nhìn thấy các ‘ông làm báo’ trong thế hệ Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc mà nẩy ra ở trong lòng một sự kính mến ‘thiêng liêng’… [Nhìn thấy] dáng đi khoan thai, trịnh trọng, nét mặt trầm mặc, [tôi nghĩ rằng] ký giả ấy có lẽ đang nghĩ đến những ‘lời vàng ngọc’ ngày mai sẽ in lên trên ‘giấy trắng mực đen là đèn thiên hạ’…”[6] Nhà báo ngày xưa được quan niệm như mặc nhiên phải là nhà văn, và ngược lại, nhà văn cũng thường đi làm báo, như lời của Tam Lang, “làm văn, viết báo là hai chữ dính liền nhau như hình với bóng, không một người nào say mê làm báo mà không viết văn”[7], hay nói như Vũ Bằng, “người viết báo [lúc đó]nói thực ra là làm văn chớ không phải làm báo”.[8] Cũng tương tự như diễn tiến lịch sử báo chí tại một số nước khác, báo chí Việt Nam thuở phôi thai mangkhuynh hướng đồng hóa với văn học. Học giả Dương Quảng Hàm nhận xét về báo chí trong khoảng thời gian từ năm 1910 tới 1935 như sau : “Dù là nhật báo, dù là tạp chí, các tờ ấy đều thiên về mặt văn chương, bởi thế ngay các báo hàng ngày cũng có những mục văn uyển, dịch Pháp văn, dịch Hán văn, dịch tiểu thuyết Tàu và Pháp ; lại có nhiều tờ thời thường xuất bản riêng một phụ trương về văn chương nữa.”[9] Hồi tưởng về đặc điểm của lao động nhà báo vào thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, khi mà tòa soạn còn được tổ chức một cách rất sơ sài và nhân sự cơ hữu hết sức ít ỏi, Tế Xuyên nhận định : “Tờ báo Việt Nam thời tiền chiến… không có những phương tiện đại quy mô, số cộng sự viên không đông cho lắm, nên khó mà phân công cho mỗi người một trách vụ nhất định… Một cộng sự viên trong tờ nhật báo hồi tiền chiến dễ có cơ hội thực tập đủ các bộ môn trong nghề, không như trong một tạp chí phải viết chuyên về một mục tùy theo sở trường của mình. Nhưng có điều bất lợi cho mình là khi đã viết về đủ các mục, người ký giả sẽ không thành cây bút chuyên môn về mục nào cả. Anh ta không có dịp chú trọng về một mặt nào để trau giồi thêm kiến thức và học vấn chuyên môn. Anh ta không có bề sâu mà chỉ biết hời hợt về bề mặt…”[10] Tế Xuyên nhận xét về tòa soạn các tờ báo vào khoảng cuối thập niên 1920 như sau : “Sự tổ chức một tờ báo ‘luộm thuộm’ lắm, có thể nói là không có tổ chức gì cả. Trừ tờ Thần chung của ông Diệp Văn Kỳ, không thọ được bao lâu, song nhờ những cộng sự viên và cả người chủ nhiệm đều có óc khoa học, nên có sự tổ chức và phân công rành mạch – ngoài ra mấy tờ báo hàng ngày khác thì làm theo lối ‘tiểu công’ hay theo ‘công nghệ gia đình’ nên không cần tổ chức gì hết.”[11] Khi kể lại thời gian đầu đi làm báo vào thập niên 1930, Vũ Bằng viết : “Tất cả chúng tôi lúc ấy đều quan niệm một cách dễ dàng : làm báo là trò chơi, ai muốn viết gì thì viết, quăng bài vào tòa soạn rồi in ra, thế là xong.”[12] Về sau, giới nhà báo từng bước đi vào con đường chuyên nghiệp hơn chứ không còn tự đồng hóa với nhà văn như thuở ban đầu nữa. Xu hướng chuyên nghiệp hóa và tách ra khỏi văn học này diễn ra tương đối sớm.[13] Cuộc cải cách báo chí do Hoàng Tích Chu và một số đồng nghiệp khởi xướng từ cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 là một chứng tích điển hình cho xu hướng này. Ông đã có công làm đảo lộn cách viết báo và hiện đại hóa nghề làm báo. Ông quan niệm việc làm báo phải là một nghề thực thụ, như ông viết trên tờ Đông Tây vào cuối năm 1929 : “Làm báo ở nước nhà chưa thể gọi là một nghề được vì ta chưa có trường học chuyên khoa, lại chỉ coi như một ngón trò chơi.”[14] Hoàng Tích Chu còn phê phán một số chủ báo và chủ bút thời ấy cả về cách làm báo lẫn quan niệm về tin tức : “Khi lập tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý tới bộ biên tập… Người chủ bút, tuy ở trong nghề, nhưng chưa biết tờ nhật báo có vai trò gì ? Nhật báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với một vài tin tức lượm lặt ở sở cảnh sát hoặc dịch từ báo Pháp, và không hiểu rằng tờ nhật báo phải đề cập đến những vấn đề thời sự, tin tức trong và ngoài nước… Họ cho tràn vào mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hoặc báo Pháp.”[15] Nhiều nhà báo đương thời do còn lạ lẫm với văn phong báo chí mới mẻ nên cho là Hoàng Tích Chu lập dị, nhưng tờ Đông Tây lúc đó được đánh giá là tờ báo bán chạy nhất ở xứ Bắc kỳ, và đã để lại dấu ấn ảnh hưởng đến phong cách nhiều tờ báo khác sau này.[16]Sau này, khi nói về người làm báo, nói chung người ta không còn giữ một hình ảnh lãng mạn đầy tính huyền thoại về nhà báo kiêm nhà văn như một người hiểu biết nhiều và từng trải, dũng cảm và đơn độc trước trang giấy trắng như ngày xưa nữa. Nhận xét về quá trình thay đổi trong phong cách và phương pháp làm việc của nhà báo, Tế Xuyên viết như sau : “Đến giai đoạn báo chí chú trọng tin tức hơn nghị luận, người ký giả có vẻ hoạt động hơn, hăng hái hơn… Anh ta có vẻ lăng xăng hơn người thường… Thời kỳ này ‘thế hệ Hoàng Tăng Bí’ ung dung từ tốn không còn nữa. Thế hệ ấy đã thành lỗi thời, nhà viết báo không còn trầm tư mặc tưởng, suy nghĩ những bài văn ‘hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu’ nữa. Nhà viết báo phải tranh thủ thời gian, thi đua với kim đồng hồ, làm việc hấp tấp, mệt nhọc, có khi đổ mồ hôi hột, thở hơi tai… ‘Ông nhà báo’ mà độc giả trầm trồ, chỉ trỏ, không còn là nhà tư tưởng nữa mà đã biến thành một thể thao gia có sức chịu đựng bền bỉ, có khi phải bỏ cả ăn ngủ, làm việc không kể giờ nào.”[17] Tam Lang kể lại áp lực thời gian lúc ông làm báo vào thập niên 1930 : “Nhu cầu của báo chí nhất là báo chí hàng ngày không cho phép người làm báo nghiền ngẫm suy tư quá vài ba tiếng đồng hồ… Làm phóng viên cho báo là phải ghi lại cấp tốc những sự kiện xảy ra trong chớp mắt, những cảm nghĩ thoáng qua trong đầu óc…”[18] Và ông mô tả quá trình thay đổi lối viết của ông, xuất phát từ sự thay đổi trong thị hiếu của độc giả, như sau : “Để tìm bộ mặt thật củaxã hội Việt Nam lúc bấy giờ, thị hiếu của đại chúng hầu như thay đổi hoàn toàn, chỉ ưa tìm đọc những văn, những chuyện thuộc loại tả chân và lãng quên dần loại văn lãng mạn mà người ta cho là không còn thích hợp. Với tinh thần cầu tiến lúc nào cũng thức tỉnh, không muốn mình còn là một người viết báo lỗithời, tôi đã thay đổi hẳn cả ngòi viết lẫn bình mực. Từ bài ‘Chị đầm, tô phở với con chó chết’, tôi đã chuyển luôn cách viết, dứt khoát bỏ hẳn lối văn lãng mạn, ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong mục Những cái mắt thấy cũng vẫn trên tờ Ngọ báo bằng lối văn tả chân.”[19] Với những nỗ lực tương tự của các thế hệ nhà báo từ cuối thập niên 1920 trở đi, diện mạo báo chí ngày càng thay đổi hẳn. Nhận định về báo chí trong thời kỳ từ năm 1935 tới đầu thập niên 1940, Dương Quảng Hàm viết như sau : “Các báo hàng ngày, trong thời kỳ này, cũng thay đổi tính cách : đăng các tin tức một cách nhanh chóng, in các hình ảnh về các việc xảy ra, viết các bài ngắn bình phẩm về thời sự chứ không có những bài xã thuyết dài như các tờ nhật báo buổi đầu.” Từ đó, ông đi đến nhận định : “Nghề làm báo là nghề mới ở nước ta, kể cũng đã tiến bộ lắm.”[20] Xét về mặt định chế xã hội, báo chí về sau dần dà được xác lập như một nghề riêng biệt. Hoạt động báo chí được thừa nhận và qui định trong khuôn khổ luật pháp (có các luật lệ liên quan tới báo chí), có nghiệp đoàn hoặc hiệp hội nghề nghiệp, có tòa soạn tổ chức qui củ hơn và lực lượng nhà báo chuyên nghiệplàm công ăn lương và sống bằng nghề báo, có thẻ nhà báo, có những nơi đào tạo nghề làm báo… Tuy nhiên, so với nhiều nghề khác như bác sĩ hay kỹ sư chẳng hạn, thì nghề làm báo vẫn có một số điểm đặc thù, đặc biệt là không có một số tiêu chuẩn nghề nghiệp chặt chẽ như những nghề khác. Dường như không có nghề nào như nghề làm báo : cho đến nay, có thể nói nghề này hầu như không đòi hỏi một loại bằng cấp gì cụ thể ! Muốn ra làm bác sĩ chẳng hạn, người ta phải học và tốt nghiệp đại học ngành y khoa ; muốn làm kiến trúc sư hay luật sư, thì phải lấy bằng ở trường đại học kiến trúc hay đại học luật khoa. Trong khi đó, muốn vào nghề làm báo thì lại không nhất thiết phải tốt nghiệp từ một trường nào nhất định. Có những trường hợp cũng không nhất thiết đòi phải có bằng đại học mới có thể trở thành nhà báo. Dưới con mắt của những nhà quản lý nhà nước hay cơ quan thống kê phân loại nghề nghiệp thì những tính chất đặc thù trong cách xác định tiêu chuẩn và năng lực của người làm báo có thể làm cho họ cảm thấy lúng túng. Thế nhưng trong cái nhìn của giới làm báo thì lại không như vậy. Denis Ruellan gọi nghề làm báo là một “nghề giáp ranh” (“métier de frontière”), tức là một nghề không có những giới hạn cứng nhắc, máy móc, không có lằn ranh rõ rệt.[21] Nói cách khác, đây là một nghề mở, chứ không đóng kín, hay nói như nhà báo Tam Lang trong một bài nói chuyện tại Đại học Văn khoa Sài Gòn vào tháng 8-1971, “làng báo… là thứ làng luôn luôn bỏ ngỏ cổng, bất cứ ai vào cũng được”.[22] Người ta có thể coi đặc điểm về tiêu chuẩn của nhà báo như nêu trên là một điều bất lợi về mặt tổ chức nghề nghiệp, vì nó mù mờ, không rạch ròi. Nhưng chúng ta cũng có thể coi đấy lại chính là một thế mạnh và thuận lợi của định chế báo chí. Nhờ không qui định phải tốt nghiệp bằng cấp gì nhất định mà nghề báo có thể thâu nạp được nhiều người có những khả năng đa dạng và phong phú từ nhiều chân trời chuyên môn khác nhau. Mặt khác, chính vì ranh giới của nghề này không bị đóng kín, nên trong thế kỷ XX vừa qua, nó còn tiếp tục tiếp nhận và sát nhập với nhiều phương tiện truyền thông đại chúng mới như phát thanh, truyền hình, và gần đây là Internet – xu thế này làm cho báo chí ngày càng mạnh hơn. Khác với những ngành đòi hỏi phải đào tạo bài bản mới có thể tốt nghiệp, nhà báo chỉ có thể trở thành nhà báo không phải nhờ vào thời gian dùi mài kinh sử ở nhà trường và thi cử để lấy bằng cấp, mà chủ yếu lại dựa vào những nguồn lực khác, từ khả năng diễn đạt, viết lách, khả năng thấu cảm (empathy), khả năng quan hệ xã hội, giao tiếp được với người khác, tiếp cận được những người có thế lực hay có thẩm quyền (trong mọi lĩnh vực), cho đến một số phẩm chất cá nhân cần thiết cho nghề báo như tính trung thực và lòng gan dạ chẳng hạn. Phần lớn những kỹ năng và phẩm chất này đều chủ yếu có được nhờ vào quá trình tự rèn luyện thông qua kinh nghiệm và quá trình được truyền thụ qua thực tiễn tại tòa soạn, chứ không phải trên ghế nhà trường, nghĩa là “được rèn luyện trong trường đời, thứ trường học mà ai cũng là thầy dạy mình”, theo lời Tam Lang.[23] Chính vì thế mà Vũ Bằng từng nói : “Làm báo là làm một nghề không có trường, không có thầy”,[24] hay nói như Tam Lang, đó là “thứ nghề vô sư, vô sách”.[25] Ngày xưa, không có trường nào đào tạo nghề làm báo, mà người ta cũng không nghĩ rằng làm báo thì phải học, như nhà báo Vũ Bằng nhớ lại quan niệmcủa mình lúc còn trẻ : “Ai đời viết báo lại đi học bao giờ ?”[26] Nếu có phải học, thì chủ yếu là học ở lớp nhà báo đàn anh, ngay trong tòa soạn. Chẳng hạn,Vũ Bằng từng thuật lại một câu châm ngôn mà cụ Lỗ Thư (bút hiệu của cụ Nguyễn Văn Luận) thường đưa ra để dạy nghề làm báo cho lớp hậu sinh : “Làm báo phải như con dao pha. Bất cứ cái gì cũng phải viết được, mà viết nhanh, thiếu mục gì là mình có bài điền vào luôn, không anh nào bắt bí được mình !”[27] Cuối thập niên 1990, một nhà báo ở Sài Gòn từng đưa ra một định nghĩa pha chút hóm hỉnh như sau, phần nào tương tự với hình ảnh “con dao pha” củacụ Lỗ Thư : nhà báo là một người không biết sâu về một lĩnh vực nào nhưng lại phải viết về đủ mọi lĩnh vực ! Thoạt nghe có vẻ nghịch lý, nhưng trong thực tế,nhận xét này có phần chính xác vì, một mặt, nó đề cập tới vị thế trung gian của nhà báo (trung gian giữa thực tiễn thời sự xã hội với công chúng), và mặt khác, nó nhấn mạnh tới nhiệm vụ tường thuật của nhà báo. Điều này không dễ chút nào, nhất là khi phải viết về những lĩnh vực kiến thức chuyên ngành mà nhà báokhông phải là người chuyên môn trong cuộc. Nhà báo hiển nhiên không phải là người cái gì cũng biết, nhưng anh ta/chị ta lúc nào cũng phải viết về những điều mà xét về nguyên tắc thường là những chuyện mới mẻ chưa ai biết, và phải viết thế nào để ai cũng có thể hiểu được. Ngày nay, lẽ tất nhiên, với xu thế phát triển học vấn, đa số nhà báo Việt Nam đều có trình độ đại học, nhưng cũng tương tự như ở nhiều nước khác, phần lớn giới nhà báo hiện nay không phải đều tốt nghiệp ngành báo chí, mà thường xuất thân từ các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó chủ yếu là các ngành ngữ văn, kinh tế, chính trị, sử học, ngoại ngữ, xã hội học… Cũng có một số từng học các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật như sinh học, nông nghiệp, cơ khí, tin học, giao thông… gia nhập vào nghề báo. Hiện nay, cả nước có ba nơi đào tạo chính qui ngành báo chí, đó là các khoa báo chí thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, và Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hàng năm cũngcó những lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn hoặc trung hạn do Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức. Tuy vậy, không phải mọi sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí đều đi làm báo cả, mà khá đông được tuyển dụng vào những chức danh có liên quan tới truyền thông hoặc giao tế công cộng ở các tổ chức, cơ quan, và các doanh nghiệp. Trong tổng số nhà báo đang làm việc tại các tờ báo của TPHCM vào năm 2003, số người có bằng tốt nghiệp ngành báo chí chỉ chiếm chừng một phầnnăm (19,7 %).[28] Tình hình ở nhiều nước khác cũng không khác là mấy. Ở Pháp, tỷ lệ nhà báo tốt nghiệp ngành báo chí hoặc truyền thông cũng chỉ chiếm 10 % vào năm1990, và 12 % năm 2000, tức khá ít ỏi.[29] Còn ở Mỹ, nơi mà từ lâu người ta luôn chú trọng tới việc đào tạo nhà báo và cũng là nơi mở trường đào tạo báo chíđầu tiên trên thế giới vào năm 1912, tỷ lệ này là 34 % vào năm 1971, 40 % năm 1992, và đến năm 2002 cũng chỉ lên tới con số 49,5 % trong tổng số nhà báoMỹ.[30]
Sứ mệnh của nhà báo Một nhà báo chuyên nghiệp, theo John Hohenberg, ngày nay cần có những điều kiện tối thiểu sau đây : “học hành đầy đủ, được huấn luyện hợp lý và có tinh thần kỷ luật ; thích nghi với những kỹ thuật căn bản của báo chí ; có ý chí thực hiện những công việc đôi khi gây bất mãn và thường không được đền bù ;tuyệt đối tôn trọng sự chính trực cá nhân và nghề nghiệp.”[31] Tuy cũng phần nào tương đồng với ý tưởng của Hohenberg, nhưng quan điểm của Tam Lang thì chú trọng hơn tới lương tâm nghề nghiệp của nhà báo :“Định giá trị của một người làm báo, nhất là làm nhật báo, người ta không thể chỉ căn cứ vào học lực của người ấy, mà sự căn cứ vào lương tâm nghề nghiệp (conscience professionnelle) mới là điểm tối cần.”[32] Công chúng cần đến báo chí không phải chỉ để biết tin tức, mà còn để theo dõi giòng thời sự, và nhất là từ đó để hiểu được thời cuộc mà mình đang sống trong đó. Chính vì thế, nhà báo không bao giờ chỉ thuần túy là người tường thuật sự kiện, mà dù muốn hay không muốn, dù có ý thức hay không có ý thức, bao giờ cũng là người dẫn giải thông tin và trình bầy ý nghĩa của sự kiện mà mình đăng tải, bằng cách này hay cách khác. Theo Hohenberg, nhà báo (journalist) vừalà một phóng viên (reporter), nhưng đồng thời cũng là một nhà phân tích (analyst) và một người bình giải (interpreter), thậm chí đôi khi cũng là một người tham gia vào tiến trình lịch sử của thời đại.[33] Joseph Pulitzer đã đưa ra một định nghĩa về nhà báo, hay nói đúng hon là một quan niệm về sứ mệnh của nghề làm báo, như sau : “Thế nào là một nhà báo ? … Một nhà báo là một người đứng canh trên đài chỉ huy của con thuyền quốc gia. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cầnphải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết tốt… Anh nhìn chăm chú vào sương mù và bão tố để báo trước những hiểm nguy ở phía trước. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để canh chừng cho an ninh và hạnh phúc của nhân dân vốn đang tín nhiệm ở nơi anh.”[34] Tam Lang cũng từng nhấn mạnh tới “thiên chức” của nhà báo mà nếu không biết đảm nhiệm một cách ngay thẳng và trung tín thì tờ báo sẽ trở thành “con dao nhọn” quay ngược lại chính mình : “Người làm báo, muốn đạt được thiên chức của mình trước hết phải biết nói sự thật, dám nói sự thật để thực hiện cái quyền thứ tư mà dân chúng đã trao cho và tín nhiệm… Tờ báo, nếu người làm báo biết sử dụng nó đúng mức thì đó là một lợi khí cải tạo xã hội có sức mạnh vạn năng. Người không biết dùng nó phải đường thì đó là con dao nhọn đâm ngay chính mình trước nhất.”[35] Trong lời mở đầu quyển Ngồi tù khám lớn (1929), Phan Văn Hùm cho rằng, trong một xã hội còn nhiều bất công và bất bình đẳng, người cầm bút phải là một “ông thầy thuốc”, và cần ưu tiên cho loại “nghệ thuật vị sanh mạng” (l’art pour la vie) hơn là “nghệ thuật vị nghệ thuật” (l’art pour l’art). Ông viết như sau : “Ông thầy thuốc không được gớm ghẻ hờm, người có tâm với xã hội phải là ông thầy thuốc. Xin người làm ông thầy thuốc. Mai sau phong thuần tục mỹ, thiên hạ thái bình, ta sẽ làm văn chương ‘thủy nguyệt kính hoa’.”[36] Trở lại với câu hỏi mà chúng tôi đặt ra lúc ban đầu : làm báo là một nghề hay một sứ mệnh ? Thực ra, như đã nói, nghề nào cũng có sứ mệnh của mình. Vả lại, khái niệm sứ mệnh không đối lập với khái niệm nghề nghiệp. Thế nhưng, do không gian báo chí có khả năng ảnh hưởng tới rất nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, có khả năng tác động (cản trở hoặc thúc đẩy sự thay đổi, theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực) tới nhiều định chế xã hội khác nhau, nên theo thiển ý chúng tôi, có lẽ câu trả lời thích đáng nhất cho câu hỏi nêu trên là như sau : làm báo không chỉ là một nghề, mà còn là một sứ mệnh. Mệnh đề này hàm ý rằng nghề làm báo không thể chỉ được quan niệm gói gọn vào một số tiêu chuẩn nghiệp vụ nhất định, mà quan trọng hơn, còn phải được đặt trong một không gian xã hội và lịch sử trong đó sự tín nhiệm của công chúng đối với báo chí là yếu tố cốt tử đối với sự tồn tại của cả nhà báo lẫn tờ báo. Hiểu theo tinh thần đó thì người làm báo, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, bao giờ cũng là người kế tục truyền thống “văn dĩ tải đạo” mà cụ Đồ Chiểu đã khắc họa, người tự nguyện làm “thầy thuốc” của xã hội như lối ví von của Phan Văn Hùm, hay là người xem nghề làm báo như một “cơn gió thổi”[37] để trở thành nhà báo “quyết sống, đặng làm cho đều ‘phải’ nó thắng đều ‘quấy’ ” theo cách nói của Nguyễn An Ninh.[38] Khi đề cập tới báo chí trong phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn vào cuối năm 1974, GS Lý Chánh Trung viết như sau : “Báo chí, tự nó, không bao giờ là một sức mạnh. Sức mạnh của báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói lên sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân.”[39] Không gian báo chí là một không gian công cộng, một không gian mở của xã hội. Vì thế, suy cho cùng, nghề làm báo khó lòng chỉ được xem như một“nghề nghiệp” theo nghĩa hạn hẹp của từ này, bởi nghề làm báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội, và bởi xã hội. Sứ mệnh của nhà báo, suy cho cùng, là bảo vệ cho không gian công cộng này, bảo đảm cho quyền tự do ngôn luận cũng như bảo vệ các quyền căn bản khác của công dân.