Kết cấu và thời lượng phóng sự truyền hình

Thứ ba - 11/02/2020 10:38
Đây có lẽ là điều nhiều phóng viên trẻ mới vào nghề băn khoăn nhiều nhất. Khi đã phát hiện ra đề tài rồi thì cần bắt đầu từ đâu và như thế nào để kể câu chuyện của mình là điều khó khăn.

Thông thường, một phóng sự ngắn truyền hình có thời lượng 1 phút 30 giây. Đây là thời lượng chuẩn của truyền hình ở các nước phát triển. Còn ở Việt Nam, phóng sự ngắn trung bình có thời lượng khoảng 3 phút. Đôi khi, có thể dài hơn tới dưới 5 phút. Điều này được nhiều học giả lý giải là xuất phát từ đặc trưng văn hóa phương Đông và phương Tây. Nhìn chung các nước phương Đông có xu hướng thực hiện phóng sự dài hơn do diễn giải vấn đề chi tiết hơn.
111
Ghi hình: Ảnh minh họa
Kết cấu phóng sự ngắn thông thường gồm 3 phần:

Phần (1): Đây là phần nêu thực trạng vấn đề mà phóng sự phản ánh, đôi khi là hiện trạng, hiện tượng tự nhiên, xã hội mà phóng sự đề cập đến. Trong phóng sự 1 phút 30 giây thì thường 30 đầu dành cho nội dung nêu thực trạng vấn đề. Tương ứng với phóng sự ngắn truyền hình sử dụng thông thường ở Việt Nam    là 3’ thì dành 1’ đầu cho phần nêu thực trạng vấn đề mà phóng sự đề cập. Kết thúc phần này thường là phỏng vấn nhân chứng, người biết sự việc về hiện trạng được đề cập. VD: Phóng sự phản ánh về sự xuống cấp của một khu dân cư thì phần đầu phản ánh những chi tiết dột nát, nước chảy, đời sống khó khăn của người dân khu dân cư, hết phần 1 là phỏng vấn người dân sống tại khu dân cư đó.
111
Ảnh minh họa
Phần ( 2): Đây là phần phóng viên thực hiện phóng sự ngắn truyền hình dành để đi tìm nguyên nhân của thực trạng vấn đề đã nêu ở phần (1). Trong phóng sự 1 phút 30 giây thì phần này chiếm thời lượng 30’’, trong phóng sự 3’ như ở Việt Nam thì phần này trung bình khoảng 1’. Như ví dụ trên, phần (1) phóng viên đã phản ánh những chi tiết dột nát của khu dân cư thì bước sang phần (2) này phóng viên sẽ phản ánh đến người xem nguyên nhân của  tình trạng xuống cấp đó. Đó có thể là nhà cũ, sử dụng nhiều năm, có thể là do công trình xây dựng kém chất lượng… Kết thúc phần (2) này sẽ là ý kiến phỏng vấn nhân chứng là người dân hay cán bộ sở tại về nhận định nguyên nhân sự việc, trong trường hợp này là nguyên nhân của sự xuống cấp khu dân cư.

Phần (3): Phần kết phóng sự, đây là phần xác định trách nhiệm có liên quan đến sự việc được phản ánh trong phóng sự có thời lượng 30’’ trong phóng sự 1’30’’,  khoảng 1’ trong phóng sự 3’. Khán giả luôn mong được trả lời câu hỏi vậy cuối cùng ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề được phóng sự đề cập. Tương tự, như ví dụ đã nêu, trong phần này phóng viên sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, ai chịu trách nhiệm về thực trạng xuống cấp của khu dân cư nọ? Đó là Ban quản lý khu dân cư, là chính quyền sở tại hay chủ đầu tư xây dựng khu nhà nếu khu nhà được xây  kém chất lượng? Kết thúc phần (3) là phỏng vấn người có liên quan, thường trong các phóng sự ngắn, đây là ý kiến của những nhà quản lý, quan chức có liên quan đến vấn đề mà phóng sự đề cập.
Ảnh minh họa

Cách đặt tên phóng sự ngắn truyền hình:

Cũng giống như các thể loại báo chí khác, đặt tên khơi dậy sự tò mò của khán giả, có sức khái quát nội dung phóng sự phản ánh là điều cần quan tâm khi đặt tên cho phóng sự. Cũng có sự khác biệt của truyền hình, đó là đặt tít cần ấn tượng song lại không được trừu tượng, khó hiểu. Có nhiều cách đặt tên như dạng câu hỏi, dạng đối lập, dạng láy từ… song dạng láy từ trong câu vẫn là cách hiệu quả được nhiều phóng sự sử dụng: VD: Chung cư liệu có an cư? Nước sạch hay sạch nước? Dự án, hiệu quả… hậu quả;  Thủ pháp láy từ này có tác dụng khơi gợi sự tò mò của khán giả đối với phóng sự, thu hút sự quan tâm ngay từ đầu.

Khởi đầu phóng sự ngắn truyền hình từ đâu?

Có được đề tài tốt trong tay song phải bắt đầu câu chuyện từ đâu luôn là câu hỏi khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan” là vậy. Thông thường, cũng giống như khi sáng tác một bài thơ, một truyện ngắn, khó khăn đối với người thực hiện phóng sự bao giờ cũng là sự khởi đầu phóng sự.

Có hàng trăm con đường để bắt đầu vào một phóng sự ngắn truyền hình. Có nghĩa rằng không có sự cứng nhắc nào để bạn bắt đầu câu chuyện của mình. Tính sáng tạo, sự linh hoạt, nhạy bén của phóng viên thể hiện ngay từ những hình ảnh đầu tiên của phóng sự. Sau khi nắm rõ kết cấu thông thường của một phóng sự, phần (1) là phần nêu hiện trạng, hiện tượng thì phóng viên sẽ tìm ra chi tiết nào quan trọng nhất để đề cập đối với từng phóng sự. Có hàng loạt chi tiết có thể khai thác, đơn cử như trong ví dụ về phóng sự về khu dân cư xuống cấp nêu trên. Chi tiết mở đầu có thể là : Nhân viên quản lý khu dân cư đi chọc vữa trần nhà rơi; Gia đình A đang ăn cơm dưới tảng vữa nứt to trên trần nhà; Gia đình A chuyển nhà đi nơi khác vì căn hộ của họ không an toàn; Nhân viên quản lý đi gọi loa nhắc nhở những vị trí cần đề phòng nguy hiểm; Những đứa trẻ chơi trong nhà đóng kín cửa vì bố mẹ không cho ra ngoài sợ nguy hiểm v.v. Muốn có chi tiết hay phóng viên cần quan sát kỹ khi tác nghiệp, hỏi chuyện cũng là cách phát hiện ra những chi tiết hay để khai thác cho phần mở đầu phóng sự.
111
Phóng viên Vĩnh Lộc tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa
Các phóng viên thường sử dụng từ ví dụ cụ thể đến khái quát để mang lại sự sinh động cho phóng sự ngắn. Đây là việc đảo ngược quy trình truyền thống, khác với một bài văn khi luôn mở đầu từ cái chung, cái tổng thể trước khi đi vào chi tiết. Nói một cách hình ảnh hóa thì việc sắp xếp chi tiết mở đầu phóng sự cũng giống như sắp xếp  3 cỡ cảnh: Cận -> Trung -> Toàn thường mang lại  hiệu ứng ấn tượng hơn là Toàn -> Trung -> Cận.
 
Nhà báo Vũ Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây