Tác nghiệp nơi đầu sóng

Thứ tư - 22/01/2020 08:21

Năm nào cũng vậy, trước thềm năm mới, những hải trình “đặc biệt” lại mang mùa xuân đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Đồng hành cùng với những chuyến đi ấy không thể thiếu phóng viên từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Họ có sứ mệnh là chiếc cầu nối để Trường Sa gần hơn với đất liền.
111
Ảnh minh họa
Lách sóng mùa biển động!

“Cuối năm mùa biển động. Đi Trường Sa không nói trước được ngày về. Tàu phải lách sóng ra khơi. Các nhà báo cần chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần để đối diện những cơn say sóng, những hiểm nguy khó lường trong hành trình”. Thượng tá Lương Xuân Giáp - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân nhắn nhủ cánh phóng viên chúng tôi trước khi tàu khởi hành ra Trường Sa.

Chiếc tàu KN491 chở hàng tết ra  với lính đảo reo 3 hồi còi tạm biệt đất liền, bắt đầu hành trình vươn khơi trong sự háo hức của gần 40 nhà báo - những người lần đầu được tác nghiệp ở Trường Sa.

Tàu rời vịnh ra đến biển, cũng là lúc sóng điện thoại di động chập chờn rồi tắt hẳn. Gió lồng lộng cuốn bay. Phía khơi xa, biển như dát vàng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn. Những cánh hải âu xôn xao bay về phía cuối chân trời. Từng đàn cá chuồn tung mình khỏi mặt nước giữa tiếng sóng vỗ thân tàu ràn rạt. Ai cũng cố gắng trang thủ tận hưởng khoảnh khắc này để gửi lại đất liền những lo toan, suy tư của cuộc sống. Trời chạng vạng tối, biển động mạnh, gió mạnh cấp 6, cấp 7, sóng cao hơn 2 mét. Lúc này, chúng tôi hiểu rằng cơn “ác mộng” bắt đầu ập đến. Mọi người vội vã rời  boong tàu, trở về phòng nghỉ khi thấy dấu hiệu trán lấm tấm mồ hôi, người nôn nao khó chịu. Một số đồng nghiệp của tôi bước đi loạng choạng, bắt đầu “ăn bao nhiêu nuôi cá bấy nhiêu”. Thượng tá Lương Xuân Giáp đùa vui: “Có như vậy, nhà báo mới thấy sự vất vả của người lính biển”.

Quả thật, cơn say sóng không chừa một ai. Đến những người dày dạn kinh nghiệm, nhiều lần ra Trường Sa cũng không tránh khỏi nỗi ám ảnh  này. Ngay cả những chú lợn to khỏe theo tàu ra đảo cũng lừ đừ, kêu la thảm thiết, rồi nằm bẹp ra sàn, chẳng chịu ăn uống.

Thương nhất là mấy anh lính hậu cần. Mặc dù tàu lắc lư mạnh nhưng các anh  vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cơm nước tươm tất cho đoàn công tác. Vừa nấu cơm, vừa tìm cách đứng vững không phải là việc dễ dàng. Chốc chốc, có chiến sỹ không “trụ” nổi cơn say sóng, tổ trưởng lại phải tìm người khác thay thế. Ấy vậy mà mỗi bữa các anh phải đảm bảo cho hơn 400 suất ăn quả là điều đáng khâm phục. Tổ phục vụ có 15 người, thường dậy từ 3h để chuẩn bị bữa ăn sáng, và các anh chỉ lúc gần khuya được nghỉ sau khi dọn dẹp xong. Theo tiêu chuẩn, chúng tôi được phục vụ theo chế độ sỹ quan 3 bữa mỗi ngày. Nhưng đúng là đi biển chịu gió giật, sóng nhồi nên chóng đói, dễ mệt, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo ấy thì cũng khó mà “cầm cự” hết hành trình kéo dài tới cả tháng trời. Chỉ riêng chuyện đi biển thôi cũng đã cho thấy lính đảo vất vả gian lao thế nào. Được tận mắt chứng kiến, càng mến thương và khâm phục các anh hơn.

Chuyện tác nghiệp trên đảo!

Trong số các đảo thuộc Trường Sa chỉ duy nhất đảo Trường Sa Lớn tàu cặp mạn, còn lại để di chuyển lên những  hòn đảo nhỏ, chúng tôi buộc phải “tăng bo” bằng xuồng. Đến bất cứ đảo nào, sau khi  tàu buông neo, anh em báo chí luôn được vào danh sách những người xuống chuyến xuồng đầu tiên. Đó là sự “ưu ái” của Trưởng đoàn tạo điều kiện cho các nhà báo có thể chủ động “chứng kiến” được toàn bộ “quy trình” một chuyến thăm đảo, cũng như có thêm thời gian quý báu để chuyện trò giao lưu cùng lính đảo. Quả thật, việc di chuyển từ tàu vào đảo chẳng khác nào một trò chơi “sinh tử”. Sóng nhồi dữ dội, dù trên tàu và dưới xuồng đều có các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đón đỡ từng người, nhưng bước được xuống xuồng cũng không phải dễ. Phải tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để xuống thật nhanh, phải đặt chân đúng chỗ để tránh bị kẹp giữa hai “gọng kìm thép” là thành xuồng và mạn tàu, điều này chúng tôi đã được cảnh  báo từ trên bờ, bởi thực tế từng có những tai nạn như vậy. Sóng lớn, xuồng lắc nhồi liên tục, chỉ đi “tay không” đã thấy mệt và nguy hiểm, huống hồ cánh nhà báo luôn lỉnh kỉnh máy ảnh, camera, laptop, sổ sách… phục vụ cho quá trình tác nghiệp. Các thiết bị tác nghiệp luôn được bọc kín bằng nhiều lớp nilong bởi chỉ cần dính nước biển là máy rất dễ bị hỏng.

Dường như mọi sợ hãi, mọi mệt mỏi sau khi đánh vật với những cơn sóng đều tan biến khi đến bất cứ  hòn đảo nào. Mỗi khi xuồng cập bờ chúng tôi đều nhận được sự tiếp đón nồng hậu của các chiến sĩ hải quân. Do thời gian được phép lưu trú trên mỗi hòn đảo chỉ kéo dài vài tiếng nên chúng tôi chia nhau ra thành từng nhóm, phân ra từng khu vực để tác nghiệp. Ai cũng tận dụng tối đa thời gian ngắn ngủi trên đảo để cố gắng không bỏ sót những khoảnh khắc, những hoạt động của người lính biển; lắng nghe từng câu chuyện đầy xúc động nơi đầu sóng. Nhà báo Trần Phong - Báo Người Tiêu dùng là người đam mê ảnh và có nhiều tác phẩm ảnh đoạt giải thưởng quốc tế. Trong chuyến công tác đặc biệt này anh còn đem theo chiếc máy ảnh thuộc dạng “khủng” với thẻ nhớ “tràn trề” để sáng tác. Hễ cứ lên tàu phải hì hụi cóp ảnh ra laptop, rồi “khoe” với đồng nghiệp những  bức ảnh ưng ý nhất. Ở đảo Trường Sa Đông, anh kiên nhẫn thức trắng đêm chỉ để chụp hoa bàng vuông nở về đêm. Để rồi thành quả anh đã có hàng chục tấm hình đẹp đến nao lòng ghi lại vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa của loài hoa được ví như là “nữ hoàng của biển”.

Trường Sa để lại những dấu ấn rất riêng, nhiều cảm xúc đặc biệt với mỗi người làm báo chúng tôi khi đến với vùng đất tiền tiêu này. Đó là những ánh mắt đầy tự hào của người lính, những gương mặt sạm đen vì nắng, gió nhưng tràn đầy niềm tin của  ngư dân, là sự hồn nhiên trong trẻo của những em bé, cảm xúc thiêng liêng khi đứng trước lá cớ Tổ quốc, là không gian bình yên và ấm áp giữa bao la sóng nước. Một Trường Sa không phải là những đồi đất nhỏ giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có sóng gió và  bão giông. Một Trường Sa rất gần, rất thân thuộc như bao làng quê trên đất nước ta, có gương mặt rạng ngời của ngư dân trong mặn mòi gió biển, có tiếng cười của trẻ nhỏ… Thế mới biết, Trường Sa với những người lính đảo kiên cường, những người dân thuần hậu không chỉ là nguồn đề tài vô tận cho những người cầm bút chúng tôi, mà cả trái tim các nhà báo cũng chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ về hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
111
Thức đêm “canh sóng”!

Trong suốt hành trình 20 ngày mang Tết ra đảo, giữa biển khơi không 4G không internet, không sóng điện thoại nên việc kết nối với đất liền gần như bị gián đoạn. Khi tàu neo gần đảo cũng là lúc mạng di động viettel bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên do mạng yếu, sóng chập chờn nên việc gửi tin, bài về tòa soạn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, mặc dù nhiều tác phẩm báo chí đã được “thai nghén” ngay trên tàu. Vì muốn tác phẩm của mình “nóng hổi” kịp ra số báo in nên đêm nào phóng viên Thủy Châu - Báo Tuyên Quang cũng chịu khó đợi đến nửa đêm (khi ít người dùng điện thoại, mạng khỏe hơn) chị lại lên boong tàu để ngồi “canh sóng”. Nhà báo Thủy Châu ví von: “Việc đi chao sóng trên tàu để gửi bài giống như người đi câu cá. Ấy vậy mà đêm nào may mắn tìm đúng điểm “sóng rơi” thì cũng chỉ gửi được vài tấm ảnh về tòa soạn là tôi mừng rơi nước mắt. Có những hôm thức trắng đêm nhưng vẫn không tìm được sóng”. Còn đối với các đồng nghiệp Truyền hình thì việc gửi tác phẩm về trong quá trình tác nghiệp ở Trường Sa là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Trên tàu KN 491, cánh phóng viên chúng tôi đi cùng đoàn công tác đã nảy ra sáng kiến thực hiện một bản tin phát thanh nội bộ trên tàu. Hàng ngày, Ban biên tập bản tin điện thoại về cho đồng nghiệp ở đất liền để lấy những thông tin về tình hình kinh tế xã hội và diễn biến quốc tế rồi chọn lọc để phát cùng với các bài viết do phóng viên ghi nhận trong suốt hành trình. Bản tin nội bộ như một cầu nối giữa đất liền của những người lần đầu xa nhà lênh đênh trên biển cả bao la… Nhà báo Thanh Chung - Phóng viên hệ VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù nhiều khó khăn nhưng việc được đến Trường Sa tác nghiệp là  một điều  may mắn trong cuộc đời làm báo. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị, giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề”.

Những thông tin về Trường Sa qua báo chí là sợi dây nối liền khoảng cách, để đất liền luôn gần hơn với Trường Sa. Phóng viên báo chí đến với Trường Sa cũng trở nên gắn bó hơn với đời sống của họ đều thấu hiểu, sẻ chia và chuyển tải tâm tư tình cảm của quân dân Trường Sa về với đất liền. Trao và nhận yêu thương để tiếp  thêm động lực trong hành trình của mình. Và hành trình ấy cứ nối dài để rồi những tác phẩm báo chí, những thước phim, những hình ảnh, những câu chuyện chân thực nhất về Trường Sa được chuyển tải tới đất liền, tiếp thêm sức mạnh để những người lính Trường Sa luôn vững chắc tay súng, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc./.
 
Nhà báo Trung Kiên
Đài PT-TH tỉnh Lào Cai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây