Sức sống của chương trình Lưu giữ hồn quê

Thứ năm - 02/01/2020 10:10
Đã từ lâu, chương trình “Lưu giữ hồn quê” của Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân vào sáng chủ nhật hàng tuần. Mỗi chương trình đều mang một màu sắc riêng, trong đó chứa đựng nét văn hóa đặc sắc của từng vùng quê. Gần 10 năm lên sóng với sự nỗ lực của các phóng viên phòng Khoa Giáo, chương trình luôn nhận được sự quan tâm của khán giả.
111
"Lưu giữ hồn quê” - tổ chức tại Thị trấn Khoái Châu
Chương trình “Lưu giữ hồn quê” được xây dựng với nội dung gần gũi, mang hơi thở của cuộc sống gồm bốn phần thi. Phần thi thứ nhất là “Kể chuyện làng tôi”. Ở phần thi này, thông qua các làn điệu truyền thống như: quan họ, chèo, ca trù, trống quân,… mỗi đội chơi trong năm phút sẽ thể hiện những câu hát ngọt, những điệu múa dẻo để kể với khán giả truyền hình về cái hay cái đẹp của địa phương mình.

Phần thi thứ hai với tựa đề “Khéo tay hay nghề” lại là sân chơi để những người nông dân thể hiện sự tài hoa khéo léo của mình. Nhiều làng quê đã giới thiệu được những sản phẩm đặc trưng như: làng nghề chạm bạc Huệ Lai, làng nghề hương xạ thôn Cao, nghề làm mành tại Đa Quang,…

Sang đến phần thi thứ ba, với tên gọi “Lưu giữ hồn quê”, khán giả sẽ được thấy hình ảnh của những người nông dân đa tài. Họ sẽ sắm vai, trở thành các nhân vật trong các tiểu phẩm với nội dung về: xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường, hạnh phúc gia đình hay phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội,… Bên cạnh việc để lại những tràng cười sảng khoái, nhiều tiểu phẩm đã khiến không ít khán giả rơi nước mắt. Như tiểu phẩm “Hãy tha lỗi cho con” của làng Văn Nhuế, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào với nội dung về nỗi đau của một người mẹ khi chứng kiến người con trai duy nhất, từ người hiền lành, lương thiện bỗng trở thành kẻ đầu trộm đuôi cướp khi sa chân vào ma túy. Với sự diễn xuất chân thật của các diễn viên không chuyên, tiểu phẩm đã khiến nhiều khán giả cảm động.
111
Phần thi sôi động nhất có lẽ là “Ai nhanh ai khỏe”. Thông qua các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt lợn, khiêng võng luồn kim, bắt trạch trong chum,… đã mang lại cho người chơi và khán giả những tiếng cười sảng khoái.

Để thực hiện được một chương trình “Lưu giữ hồn quê” là sự cố gắng, vất vả tập luyện của bà con nhân dân và cả ê – kíp thực hiện. Trong suốt hơn một tháng tập luyện và ghi hình đã để lại cho chúng tôi – những người làm chương trình – nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhớ nhất là chương trình thực hiện tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu với sự giao lưu của hai làng Đông Kim và Đông Tảo Đông. Mặc cho trời mưa rét, nhiệt độ dưới 10 độ C nhưng hai đội chơi và những người làm chương trình vẫn nhận được sự cổ vũ đông đảo từ khán giả. Sau khi phát sóng và cập nhật trên fanpage Tin tức Hưng Yên 24/7 và kênh Youtube Truyền hình Hưng Yên – HYTV, chương trình đã có gần 20 nghìn lượt theo dõi. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn về nhân lực, một người phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, kinh phí còn khó khăn nhưng mỗi khi chương trình lên sóng, đón nhận được tình cảm từ bà con nhân dân đã là động lực giúp cho những người làm chương trình chúng tôi tiếp tục thực hiện trong gần 10 năm qua.

Để chương trình đến gần hơn với khán giả, ê - kíp đã có nhiều đổi mới. Kỹ thuật quay flycam đã được ứng dụng, nhiều hình đẹp về các di tích văn hóa, lịch sử, phong cảnh làng quê đã được quảng bá. Đặc biệt, trong mỗi chương trình, chúng tôi đều xây dựng các phóng sự giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương từ những khâu lựa chọn nguyên vật liệu cho đến các công đoạn làm ra sản phẩm. Qua đó giúp khán giả có cái nhìn chân thực nhất về các làng nghề truyền thống của quê hương Hưng Yên.

Một năm mới lại sắp đến, với nhiều ấp ủ, nhiều dự định mới, phòng Khoa giáo chúng tôi sẽ nỗ lực tìm những hướng đi mới để đưa lên sóng những chương trình “Lưu giữ hồn quê” luôn tràn đầy hơi thở của cuộc sống.
Lan Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây